Trung Quốc là kẻ thất bại nặng nề nhất trong cuộc đảo chính tại Myanmar?

Góc nhìn - Ngày đăng : 16:59, 23/02/2021

Trên trang The Atlantic hôm 22.2, cây viết Timothy McLoughlin đã có bài viết: "Điều gì khiến Trung Quốc là kẻ thất bại lớn nhất trong đảo chính tại Myanmar".

Những ngày gần đây, người biểu tình ở Yangon đã tụ tập gần cánh cửa màu đỏ đồ sộ của lãnh sứ quán Trung Quốc tố cáo Bắc Kinh về những gì họ nói là ủng hộ cuộc đảo chính quân sự hồi tháng này ở Myanmar. Các thuyết âm mưu đã xoay quanh sự xuất hiện của các kỹ thuật viên Trung Quốc để giúp chính quyền mới của Myanmar xây dựng “tường lửa” kiểm soát internet. Có rất nhiều tin đồn về những gì đang được vận chuyển trên các chuyến bay hằng đêm giữa Yangon và thành phố Côn Minh (Trung Quốc). Các tay nhiếp ảnh nghiệp dư trên mạng đã soi rất nhiều ảnh về các cuộc biểu tình, tìm kiếm quân hiệu, quân phục Trung Quốc và thậm chí cả những người lính có nước da trắng được triển khai xuống đường.

trung-quoc-myanmar-2.jpg
Người biểu tình Myanmar trước Đại sứ quán Trung Quốc

Trung Quốc, nước láng giềng lớn nhất của Myanmar, đã duy trì quan hệ nồng ấm với chính quyền quân sự trước đó trong nhiều thập kỷ, ngay cả khi các nước phương Tây cắt đứt liên lạc và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, cô lập đất nước và dành sự ủng hộ vững chắc cho nhà lãnh đạo phe đối lập Aung San Suu Kyi. Khi các tướng lĩnh của Myanmar bắt đầu mở cửa đất nước một cách thận trọng cách đây một thập kỷ, động thái này đã kéo theo một loạt các doanh nghiệp nước ngoài mong muốn tiến vào một thị trường kém phát triển và khép kín bấy lâu. Sự độc quyền của Trung Quốc đối với Myanmar dường như đã kết thúc khi ấy.

Do đó, theo suy nghĩ phổ biến lối mòn trước đây, việc quân đội trở lại nắm quyền ở Myanmar sẽ được Trung Quốc hoan nghênh, vui mừng khi thấy mình trở lại là đồng minh son sắt nhất của Myanmar, nhất là trong bối cảnh đối tác ngoại giao của chính quyền quân sự mới ở Myanmar đếm trên đầu ngón tay. Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt có mục tiêu để đáp trả cuộc đảo chính, cả Canada và Anh cũng vậy. Một lần nữa, Myanmar lại là một quốc gia bị đa phần thế giới quay lưng và Bắc Kinh càng tự do hơn trong việc theo đuổi chương trình nghị sự với một ban lãnh đạo dường như sẵn sàng gạt bỏ mối quan tâm và sự hoài nghi của người dân sang một bên, nếu cần. Myanmar càng bị cô lập thì càng có lợi cho sự khai thác của Trung Quốc.

Chỉ có điều, câu chuyện này dù có vẻ đơn giản một cách dễ tin, nhưng sự đơn giản này lại trở nên quá mức khi bỏ qua nhiều yếu tố: tác động gây mất ổn định của cuộc đảo chính đến các dự án lớn do Trung Quốc hậu thuẫn; sự cảnh giác bấy lâu của quân đội Miến Điện đối với Trung Quốc, gồm cả sự ngờ vực cá nhân của nhà lãnh đạo quân đội (thống tướng Min Aung Hlaing); và có lẽ quan trọng nhất, mối quan hệ thân thiện đáng ngạc nhiên mà Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, đảng của bà Suu Kyi, đã vun đắp với Bắc Kinh.

Các nước Đông Nam Á khi nói đến mối quan hệ của họ với Bắc Kinh và Washington thường bị ám ảnh bởi thuyết nhị nguyên: nền dân chủ trong khu vực sẽ luôn bị Trung Quốc coi là nguy hiểm và tồi tệ và ngược lại, các quan chức Mỹ sẽ luôn lên án khi họ thấy một quốc gia đưa ra quyết định không dựa trên ý chí của nhân dân. Nhưng thuyết nhị nguyên này hóa ra không đúng ở Đông Nam Á. Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, người được bầu một cách dân chủ, đã xích gần Bắc Kinh hơn, trong khi chính phủ được quân đội ủng hộ của Thái Lan vẫn là một đồng minh trung thành của Mỹ.

trung-quoc-myanmar-3.jpg
Quân Cảnh Myanmar bảo vệ trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc

Về mặt địa chính trị, “Trung Quốc là kẻ thua cuộc lớn nhất từ ​​cuộc đảo chính này”, Phó giáo sư tại Đại học Hồng Kông Enze Han, người nghiên cứu mối quan hệ của Trung Quốc với Myanmar phân tích. “Các hoạt động PR mà họ đã thực hiện để cải thiện hình ảnh của mình trong 5 năm qua khi làm việc với NLD đã trở nên lãng phí”.

Thứ ba tuần trước, Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar đã ủng hộ quan điểm này khi nói rằng “diễn tiến hiện tại ở Myanmar hoàn toàn không phải là những gì Trung Quốc muốn thấy”. Tuy nhiên, cũng như các tuyên bố ngoại giao của Trung Quốc, ông vẫn nói lập lờ để có đường lui. Ông cũng bác bỏ những tin đồn rằng Trung Quốc đã hỗ trợ quân đội và bày tỏ hy vọng mọi người có thể “phân biệt đúng sai và đề phòng sự thao túng chính trị, để tránh phá hoại tình hữu nghị giữa hai dân tộc”.

Lời kể và kinh nghiệm của Cheng Ruisheng, cựu đại sứ Trung Quốc tại Myanmar, minh họa mối quan hệ phức tạp của hai nước. Vào năm 1987 - thời điểm Cheng đến làm đặc phái viên của Trung Quốc, ông đã thấu hiểu mối quan hệ của họ, được gọi bằng tiếng Miến Điện là pauk-phaw (con cùng một mẹ). Cheng đã dành gần hai thập kỷ làm thông dịch viên tiếng Miến Điện cao cấp nhất của Trung Quốc, từng ngồi làm thông ngôn cho Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình khi họ gặp những người đồng cấp Myanmar. Nhiều năm sau đó, Cheng viết về chính sách đối ngoại của Trung Quốc khi áp dụng cho Myanmar, có thể được tóm tắt một cách đơn giản: “không can thiệp, không can dự và giữ khoảng cách”.

Một năm sau khi Cheng đến Myanmar, xảy ra một cuộc nổi dậy nổi tiếng hồi thập niên 1980 đã đưa bà Suu Kyi hầu như vô danh trở thành biểu tượng. Cheng vẫn giữ liên lạc với bà Suu Kyi, ngay cả sau khi bắt đầu làm việc với chính phủ quân sự. Cheng còn gửi cho chồng bà Suu Kyi những cuốn sách tiếng Tây Tạng và dự tang lễ của mẹ bà. Chỉ khi Suu Kyi bị quản thúc vào năm 1989, Cheng mới ngừng liên lạc với bà.

Trong hơn hai thập kỷ sau đó, Trung Quốc vẫn là người ủng hộ trung thành nhất của quân đội Myanmar. Sau đó, do cảnh giác trước toan tính thống trị của Trung Quốc, quân đội đã bắt đầu một cuộc hòa nhập có hiệu quả với thế giới. Các tướng lĩnh hiểu rằng “càng bị cô lập, họ càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc và ảnh hưởng của Trung Quốc đối với đất nước của họ càng nhiều”, Yun Sun phân tích. Yun Sun là giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington DC. Vào năm 2011, một năm sau khi chính phủ bán dân sự được bầu, chính quyền đã đình chỉ một dự án xây dựng đập do Trung Quốc hậu thuẫn gây tranh cãi và vấp phải sự phản đối quyết liệt của bà Suu Kyi. Cùng năm, Suu Kyi gặp đại sứ Trung Quốc lần đầu tiên kể từ cuộc gặp cuối cùng của bà với Cheng. Việc gặp gỡ các đại sứ hiếm khi là vấn đề đáng chú ý, nhưng cuộc thảo luận lần ấy đã thu hút sự chú ý của báo chí quốc tế và truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Một cách thận trọng, Trung Quốc bắt đầu thích ứng. Yang Houlan, một nhà ngoại giao cuốn hút và ăn nói nhẹ nhàng, đã trở thành đại sứ Trung Quốc tại Myanmar vào năm 2013. Yang năm đó nói rằng các công ty Trung Quốc ở Myanmar đã áp dụng câu thần chú “Làm nhiều hơn, nói ít hơn”. Dần dà, Bắc Kinh, có lẽ cảm nhận được rằng sự nổi tiếng to lớn của bà Suu Kyi sẽ chuyển thành chiến thắng tại cuộc bầu cử hai năm sau đó. Do đó, họ đã bắt đầu tán tỉnh các thành viên trong đảng của bà. Mặc dù không lộ liễu như các quốc gia khác, vốn đã biệt phái các nhà ngoại giao đến văn phòng của bà Suu Kyi và có ít thời gian cho chính quyền cầm quyền, Trung Quốc đã mời các quan chức NLD đi công du toàn quốc. Bắc Kinh cũng tiến hành các hoạt động tiếp cận công chúng, phần lớn xoay quanh các dự án gây tranh cãi và mặc dù không phải lúc nào cũng phức tạp hoặc thành công nhất, nhưng những nỗ lực đó đã đánh dấu một sự thay đổi trong chiến thuật. Khi đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng vang dội, sự tiếp cận của Trung Quốc đã tăng tốc. Sun nói: “Hóa ra là Trung Quốc có thể làm việc rất tốt với chính phủ NLD và có lẽ còn tốt hơn cả với chính phủ quân sự”.

san-xi.jpg

Tuy nhiên, sự nhiệt tình của NLD với Trung Quốc làm gai mắt quân đội. Mặc dù Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Myanmar, nhưng giới quân sự nghi ngờ Bắc Kinh can dự vào vô số các cuộc xung đột nội bộ của nước này. Vấn đề này đặc biệt quan trọng đối với Min Aung Hlaing, nhà lãnh đạo quân đội và tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang của Myanmar. Năm 2009, Min Aung Hlaing đã chỉ huy các lực lượng dọc biên giới Trung Quốc chống lại một nhóm phiến quân có người dân tộc thiểu số Trung Quốc, khiến hàng chục nghìn người vượt biên sang Trung Quốc. Thủ lĩnh của nhóm này xuất hiện trở lại 5 năm sau đó trên Thời báo Hoàn cầu (phụ san của Nhân dân nhật báo – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) làm dấy lên suy đoán rằng Bắc Kinh đang cung cấp nơi trú ẩn cho tay thủ lĩnh phiến quân và lực lượng của y, những người đã tiến hành các cuộc tấn công mới chống lại Myanmar ngay sau đó.

Min Aung Hlaing “chê bai vai trò của Trung Quốc trong các tổ chức vũ trang (ly khai) của Myanmar”, một cựu quan chức ngoại giao cấp cao (đề nghị giấu tên) đã nhiều lần gặp ông ấy kể. "Tôi không thấy ông ta đặc biệt thân thiện với Trung Quốc. Mối nghi ngờ đó còn vượt ra ngoài cả khung ngoại giao: Năm ngoái, quân đội đã phàn nàn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc Trung Quốc cung cấp tài chính cho các nhóm nổi dậy, một cáo buộc mà ông Tập đã phủ nhận”.

Tuy nhiên, vẫn có những điểm mà quân đội và NDL thống nhất trong chính sách với Trung Quốc: Khi Myanmar nhận được sự chỉ trích gay gắt từ các quốc gia khác về cách đối xử với người thiểu số Rohingya ở bang Rakhine, Trung Quốc đã ủng hộ quân đội cũng như lời kể của bà Suu Kyi rằng các cáo buộc đã bị thổi phồng quá mức. Bà Suu Kyi mô tả các nhà chức trách đã phản ứng lại một mối đe dọa khủng bố (mặc dù có nhiều bằng chứng ngược lại). “Myanmar đánh giá cao sự thông cảm của Trung Quốc về vấn đề bang Rakhine, một vấn đề phức tạp và tế nhị”, bà Suu Kyi nói trong chuyến công du đến Trung Quốc năm 2017. Bắc Kinh cùng với Moscow, đã sát cánh cùng Myanmar tại Liên Hợp Quốc, bảo vệ nước này khỏi sự lên án gay gắt nhất. Về phần mình, Myanmar dưới thời bà Suy Kyi luôn ủng hộ Trung Quốc trong các vấn đề ưu tiên của Bắc Kinh như Tây Tạng, Tân Cương và Đài Loan, và năm ngoái đã ủng hộ việc Trung Quốc thực hiện luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông.

Đồng bệnh tương lân đã tạo cơ hội cho Bắc Kinh mở cửa kinh tế tại Myanmar. Chính phủ Myanmar vào thời điểm 2018 đã âm thầm ký hợp đồng cho hàng chục dự án thuộc Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Myanmar, một kế hoạch kết nối lớn nhằm kết nối Trung Quốc với các điểm chiến lược qua Myanmar. Các dự án trị giá hàng tỉ USD này hiện có khả năng phải đối mặt với sự chậm trễ khi đất nước xảy ra các cuộc biểu tình và các phong trào bất tuân dân sự nhằm làm gián đoạn các hoạt động của chính phủ. Tình cảnh đó một lần nữa đặt ra câu hỏi Bắc Kinh đâu có động lực để muốn hợp tác với quân đội hơn.

Căng thẳng và nguy cơ giữa Myanmar và Trung Quốc đặc biệt rõ rệt ở bang Kachin, nơi phổ biến hoạt động khai thác gỗ và khai thác ngọc bích ở các mức độ khác nhau. Gần đây, một cuộc tranh chấp biên giới với Trung Quốc và các đồn điền trồng chuối ngày càng mở rộng của các công ty Trung Quốc đã gây ra sự khủng hoảng.

Khon Ja, một nhà hoạt động lâu năm sống ở khu vực này cho biết: Nhiều người ở Kachin cảm thấy rằng chính phủ của bà Suu Kyi “bán cả đất nước” cho Trung Quốc. Nhưng đồng thời, Khon Ja thừa nhận: Myanmar phải đối mặt với thực tế là một quốc gia nghèo hơn, kém phát triển hơn dưới cái bóng của một cường quốc đang lên. “Họ không thích các công ty Trung Quốc nhưng đâu có lựa chọn nào khác”.

Anh Tú (dịch)