Mặt tối của bùng nổ internet tại Trung Quốc

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:29, 24/02/2021

Nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua mạng internet rất nhanh chóng nắm bắt cơ hội do đại dịch COVID-19 đem lại, nhưng sự mở rộng kinh doanh đã phải đánh đổi bằng sức khỏe người lao động.

Đại dịch tạo ra cơ hội lớn trong các lĩnh vực như làm việc trực tuyến, chăm sóc y tế, mua hàng theo nhóm... Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua mạng internet - vốn rất chật vật tăng số lượng người dùng vài năm nay - ngay lập tức điều chỉnh chiến lược để “tiến quân” vào thị trường mới.

Nhờ vậy mà giá cổ phiếu của họ cùng giá trị vốn hóa thị trường tăng vọt, sức ép cạnh tranh cũng ngày một lớn.

Người hứng chịu sức ép cạnh tranh chính là người lao động. Vào khoảng thời gian chuyển giao giữa năm 2020 và 2021 xảy ra hàng loạt vụ nhân viên doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua mạng internet tử vong hoặc tự làm tổn thương.

Nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo đang bị chỉ trích mạnh mẽ. Cuối tháng 12 năm ngoái, một nhân viên làm ở mạng dịch vụ đi chợ giúp khách hàng Duo Duo Maicai ngã quỵ trên đường về nhà sau 1 đêm tăng ca, sau đó tử vong. Công ty viết bình luận trên mạng: “Ai cũng kiếm tiền bằng cách hy sinh sức khỏe. Bạn có thể chọn cuộc sống dễ dàng và thoải mái nhưng nên chuẩn bị gánh chịu hậu quả mà cuộc sống như vậy mang lại”.

Dư luận cực kỳ giận dữ mặc dù Pinduoduo gỡ bỏ bình luận trên. Rồi bi kịch khác ập đến: ngày 8.1, một nhân viên công ty (ẩn danh) đăng ảnh đồng nghiệp của mình ngã gục tại công sở được xe cấp cứu đưa đi. Bộ phận nhân sự truy tìm rồi sa thải ngay người đăng ảnh. Tiếp theo lại có 1 lập trình viên mới làm việc nửa năm nhảy lầu tự tử.

Nền tảng giao đồ ăn lớn thứ 2 Trung Quốc Ele.me (thuộc sở hữu của Tập đoàn Alibaba) cũng gặp rắc rối. Một nhân viên giao hàng 43 tuổi đột quỵ khi đang trên đường giao đơn hàng thứ 34 trong ngày. Công ty ban đầu tuyên bố chỉ bồi thường cho gia đình 2.000 nhân dân tệ vì giữa người này với họ không có quan hệ lao động chính thức, chỉ khi dư luận gây áp lực thì Ele.me mới nâng mức bồi thường.

Ngày 11.1, đến lượt một nhân viên giao hàng khác tự thiêu để phản đối hành vi không trả lương. Hiện ông còn đang nằm viện.

kc-cn2202.jpg
Không ít lao động "bán mạng" để kiếm tiền - Ảnh: Straits Times

Sức ép cạnh tranh

Giới trẻ Trung Quốc lâu nay xem việc được làm cho những “ông lớn” internet là biểu hiện của sự thành công.

Ở một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua mạng internet lớn, sinh viên mới ra trường có thể nhận mức lương năm ít nhất là 150.000 tệ. Trong vòng 3 - 5 năm lương sẽ tăng lên 500.000 tệ, qua 10 năm đạt mức 1 triệu tệ là điều phổ biến.

Quan trọng hơn, vài trường hợp tham vọng lớn còn có thể mua được ô tô và nhà tại một trong 4 thành phố lớn nhất Trung Quốc: Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thẩm Quyến. Thấp hơn là ở Hàng Châu nơi Alibaba đặt trụ sở.

Số câu chuyện thành công như trên ít xảy ra trong 2 năm trở lại đây. Chính sách khắt khe hơn từ giữa năm 2018 khiến doanh nghiệp internet và công nghệ gặp thách thức về tài chính cũng như về phát hành cổ phiếu ra công chúng đầu tiên (IPO).

Xuất hiện nhiều đồn đoán thị trường sắp chạm đáy buộc đơn vị trong ngành tái cơ cấu và giảm quy mô , chỉ lĩnh vực mới nổi như quay đoạn phim ngắn, phát trực tuyến mới đủ khả năng tuyển thêm lao động.

Doanh nghiệp internet và công nghệ phải tìm cách tồn tại, biến thành sức ép đè lên vai nhân viên. Tăng số lượng người dùng, tổng lượng hàng hóa, doanh số cùng lợi nhuận là mục tiêu tối thượng – đặc biệt không thể tăng dưới 30%.

Phía người lao động cũng cần làm việc chăm chỉ với hy vọng thăng chức. Trong đầu họ luôn nhớ đến giới hạn 35 tuổi – không thành công trước cột mốc này coi như bị “loại khỏi cuộc chơi”.

Lo lắng càng trở nên trầm trọng khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Người mới làm việc, người lao động kỳ cựu, người đứng đầu doanh nghiệp đều có nỗi lo riêng.

utk-office3.jpg
Thời gian qua liên tục xảy ra nhiều vụ nhân viên doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua mạng internet tử vong hoặc tự làm tổn thương - Ảnh: China Daily

Sáu “ông lớn” internet nổi tiếng Alibaba, Tencent, Meituan, Pinduoduo, JD.com, Baidu tăng cường nhân lực khi mở rộng kinh doanh. Đứng đầu là JD.com với hơn 320.000 người.

Alibaba cũng tăng số lượng nhân viên lên 250.000, ByteDance và Tencent lần lượt có khoảng 100.000 và gần 80.000 nhân viên. Số nhân viên Meituan vào khoảng 60.000, với 4 người đăng ký làm giao hàng.

Nhà sáng lập WeChat Allen Zhang nhận xét lao động làm việc trong ngành hiện không được hưởng cơ hội như vài năm trước. Họ chỉ đóng góp vào sự phát triển chung của công ty chứ không độc lập tạo ra sản phẩm từ con số 0.

Vấn đề về quản lý

Nhiều doanh nghiệp chỉ chăm chăm tăng cường nhân lực mà không cải thiện năng lực quản lý hay xem xét chiến lược phát triển dài hạn. Tệ hơn là một số đơn vị áp dụng phương pháp quản lý kiểu quân đội như giám sát quyền riêng tư, chặn thông tin và cô lập cá nhân. Cơ chế lương cao chủ yếu nhằm mục đích bóc lột nhân viên tối đa hóa doanh thu, bất kể họ phải làm việc trong bao lâu.

Văn hóa làm việc 996 (từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần) hiện rất phổ biến tại công ty đang nổi lên như Pinduoduo. Cạnh tranh trong nội bộ công ty lâu năm như Tencent hay Alibaba cũng cực kỳ gay gắt.

Kết quả là tâm lý tiêu cực ngày một gia tăng. Tháng 4.2019, tiếng nói chỉ trích 996 bùng nổ trên mạng xã hội rồi tiếp tục kéo dài đến nay.

Cẩm Bình