Đà Nẵng: Đầu tư hàng trăm tỉ gom nước thải ven biển
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 16:30, 25/07/2018
UBND TP.Đà Nẵng vừa có văn bản thống nhất chủ trương theo đề nghị của Sở KHĐT triển khai đầu tư tuyến cống thu gom nước thải ven biển dọc đường Trường Sa với tổng giá trị trên 211 tỉ đồng từ nguồn vốn đối ứng trong nước của dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, giao Công ty cổ phần nước và môi trường Việt Nam tiếp tục thực hiện và hoàn thiện công tác khảo sát địa hình, địa chất và lập hồ sơ thiết kế - dự toán và hồ sơ mời thầu của hạng mục công trình trên với tỷ lệ giảm giá là 5% so với giá trị dự toán được phê duyệt. Đồng thời, giao Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên hoàn thiện các thủ tục xây dựng cơ bản theo quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, giao Sở TNMT chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, các cơ quan đơn vị liên quan và chỉ đạo Công ty thoát nước và xử lý nước thải tập trung nhân lực, phương tiện thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời và chủ động trong việc thực hiện theo kịch bản ứng phó và xử lý sự cố nước tràn ra biển để hạn chế việc nước tràn ra biển tại các cửa xả, đặc biệt là trong và sau các đợt mưa, đảm bảo cảnh quan, môi trường tại khu vực các cửa xả.
Xử lý nước thải đang được TP.Đà Nẵng quan tâm đầu tư nhiều dự án. Mới đây, UBND thành phố này cũng yêu cầu Sở KHĐT, Sở Xây dựng và Sở TNMT khẩn trương tổ chức thẩm định các hồ sơ dự án cải thiện môi trường nước phía đông quận Sơn Trà; dự án nâng cấp, cải tạo trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn; dự án nâng cấp, cải tạo trạm xử lý nước thải Phú Lộc (giai đoạn 2).
Trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Thanh Khê nhằm báo cáo kết quả kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021 mới đây, nhiều cử tri rất quan tâm đến vấn đề thu hồi các dự án ven sông, ven biển để trả lại không gian sinh hoạt cộng đồng.
Trả lời vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch có thể nghiên cứu thực hiện được tại một số khu vực có các dự án chưa triển khai, và thành phố hiện cũng đang rất quyết liệt trong việc thương lượng với nhà đầu tư để hoán đổi, bồi thường nhằm tạo ra các không gian công cộng phục vụ người dân.
Tuy nhiên, thực hiện việc này không dễ vì đất được cấp từ rất lâu và thành phố cũng đã thu tiền. Một số khu vực giao đất cho doanh nghiệp không qua đấu giá, và chỉ có một số ít giao cho nhà đầu tư quản lý không thu tiền thì bây giờ thành phố lấy lại.
“Giao quản lý không thu tiền thì lấy lại rất dễ, còn đã thu tiền thì bây giờ phải thương lượng với nhà đầu tư. Thành phố phải điều chỉnh quy hoạch và công bố rõ khu vực đó phục vụ công cộng, trên cơ sở đó mới tính đến phương án thương lượng với nhà đầu tư để bồi thường hoặc hoán đổi đất. Thành phố cũng phải tìm kiếm nguồn tiền để bồi thường, hoán đổi đất với nhà đầu tư”, ông Thơ nói.
Lê Đình Dũng