Facebook theo Google trả 1 tỉ USD cho tin tức sau lùm xùm ở Úc, đàm phán với Đức và Pháp

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:58, 24/02/2021

Facebook hôm 24.2 đã cam kết đầu tư ít nhất 1 tỉ USD vào ngành công nghiệp tin tức trong 3 năm tới, vài ngày sau khi bày tỏ quan điểm với Chính phủ Úc về việc trả tiền cho các hãng tin về nội dung.

Cam kết của Facebook với ngành công nghiệp tin tức theo sau khoản đầu tư 1 tỉ USD của Google trong 3 năm cho ngành tin tức, khi các gã khổng lồ công nghệ bị giám sát kỹ lưỡng về mô hình kinh doanh cũng như sự gia tăng thông tin sai lệch trên nền tảng của họ.

Facebook hôm 23.2 đã khôi phục các trang tin tức của Úc, chấm dứt tình trạng hỗn loạn kéo dài một tuần chưa từng có sau khi đạt được sự nhượng bộ từ chính phủ về dự luật yêu cầu các công ty công nghệ khổng lồ trả tiền cho các hãng truyền thông về nội dung.

Vụ việc ở Úc gây chấn động ngành công nghiệp tin tức toàn cầu, vốn đã chứng kiến ​​mô hình kinh doanh của mình được các gã khổng lồ công nghệ quan tâm.

Trong bài viết blog trình bày chi tiết về thách thức với luật ở Úc, Facebook cho biết lệnh cấm tin tức có liên quan đến "sự hiểu lầm cơ bản" về mối quan hệ giữa công ty và các nhà xuất bản tin tức. Facebook cũng thừa nhận rằng một số nội dung không phải tin tức đã vô tình bị chặn.

Hôm 24.2, Facebook cho biết đã đầu tư 600 triệu USD vào ngành công nghiệp tin tức kể từ năm 2018.

Công ty truyền thông xã hội Mỹ nói thêm rằng đang đàm phán tích cực với các nhà xuất bản tin tức ở Đức và Pháp để có thỏa thuận trả tiền nội dung cho sản phẩm tin tức của mình, nơi người dùng có thể tìm thấy các tiêu đề và câu chuyện bên cạnh nguồn cấp tin tức được cá nhân hóa.

facebook-theo-google-dau-tu-1-ti-vao-nganh-tin-tuc.jpg
Google và Facebook cùng cam kết đầu tư 1 tỉ USD vào ngành tin tức trong 3 năm tới

Hôm 23.2, Bộ trưởng Ngân khố Úc - Josh Frydenberg cho biết Facebook sẽ khôi phục các trang tin tức ở Úc sau khi chính quyền nước này sửa đổi luật được đề xuất nhằm buộc các gã khổng lồ công nghệ trả tiền cho nội dung hiển thị trên nền tảng của họ.

Úc và Facebook gặp bế tắc trong đàm phán hơn một tuần qua, khi chính phủ ban hành luật thách thức sự thống trị của Facebook, Google trên thị trường nội dung tin tức.

Facebook tuần trước đã chặn tất cả nội dung tin tức và một số tài khoản của chính quyền bang cùng cơ quan khẩn cấp.

Sau một loạt cuộc đàm phán giữa Bộ trưởng Ngân khố Úc - Josh Frydenberg và Giám đốc điều hành Facebook - Mark Zuckerberg cuối tuần qua, thỏa thuận nhượng bộ đã được ký kết.

Úc sẽ đưa ra bốn sửa đổi, bao gồm cả thay đổi cơ chế trọng tài bắt buộc được sử dụng khi các gã khổng lồ công nghệ không thể đạt được thỏa thuận với các nhà xuất bản tin về việc thanh toán hợp lý cho việc hiển thị nội dung tin tức.

Chúng tôi hài lòng khi Chính phủ Úc đã đồng ý với một số thay đổi và đảm bảo giải quyết mối quan tâm cốt lõi của mình về việc cho phép các giao dịch thương mại công nhận giá trị mà nền tảng mà chúng tôi cung cấp cho các nhà xuất bản so với giá trị nhận được từ họ”, Facebook cho biết trong thông báo trực tuyến.

Các sửa đổi bao gồm thời gian hòa giải 2 tháng trước khi trọng tài do Chính phủ Úc chỉ định can thiệp, giúp các bên có thêm thời gian để đạt được thỏa thuận riêng.

Facebook nói các thay đổi quy tắc của Úc cho phép họ lựa chọn các nhà xuất bản tin tức. Điều đó cũng đưa ra quy tắc rằng đóng góp của một công ty internet vào “sự bền vững của ngành công nghiệp tin tức Úc” thông qua các giao dịch hiện có được tính đến.

Vấn đề đã được quốc tế theo dõi rộng rãi khi các quốc gia khác như Canada và Anh xem xét áp dụng luật tương tự Úc.

Những sửa đổi này sẽ cung cấp sự rõ ràng hơn nữa cho các nền tảng kỹ thuật số và các doanh nghiệp truyền thông tin tức về cách luật dự kiến ​​hoạt động, củng cố khuôn khổ để đảm bảo các doanh nghiệp truyền thông tin tức được trả công công bằng”, ông Frydenberg nói.

Hôm 1.10.2020, Google cam kết sẽ trả cho các nhà xuất bản tin tức 1 tỉ USD trong 3 năm tới.

Giám đốc điều hành Google - Sundar Pichai cho biết: “Tôi luôn coi trọng chất lượng báo chí và tin rằng một ngành công nghiệp tin tức sôi động là rất quan trọng với một xã hội dân chủ đang vận hành”.

Trước đó, các hãng tin lớn như News Corporation (Úc) của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch và Axel Springer (Đức) đã kêu gọi Google trả tiền cho nội dung của họ trong gần một thập kỷ nhưng gã khổng lồ tìm kiếm từ chối.

Google có kế hoạch trả tiền cho các hãng tin để tạo và quản lý nội dung cho một sản phẩm di động mới có tên Google News Showcase. Sản phẩm này ban đầu sẽ được phát hành trực tuyến ở Brazil và Đức trước khi ra mắt tại các quốc gia khác. Các hãng tin như Der Spiegel và Die Zeit ở Đức, Folha de S.Paulo tại Brazil đã đăng ký để trở thành một phần của chương trình giới thiệu.

Ông Sundar Pichai nói: “Mô hình kinh doanh cho báo chí - dựa trên quảng cáo và doanh thu đăng ký - đã phát triển trong hơn 1 thế kỷ qua khi khán giả chuyển sang các nguồn khác. Internet là sự thay đổi mới nhất và chắc chắn đó sẽ không phải là lần cuối cùng. Chúng tôi muốn đóng vai trò của mình bằng cách giúp báo chí trong thế kỷ 21”.

Nhân Hoàng