Bộ Ngoại giao nói về thông tin Trung Quốc xây căn cứ tên lửa thứ 2 gần biên giới Việt Nam

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:46, 25/02/2021

Sau thông tin về việc Trung Quốc xây căn cứ tên lửa đất đối không ở tỉnh Quảng Tây, cách biên giới Việt Nam 20km, Bộ Ngoại giao đã lên tiếng về thông tin Trung Quốc xây căn cứ tên lửa thứ 2 tại Vân Nam.
nguoiphatngonbng.jpg
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại buổi họp báo - Ảnh: BNG

Chiều 25.2, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo thường kỳ bằng hình thức trực tuyến do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Tại buổi họp báo, có nhiều câu hỏi xung quanh các diễn biến "nóng" trên Biển Đông, khu vực luôn có các diễn biến phức tạp trong những năm vừa qua.

Đại diện hãng tin Sputnik (Nga) đề nghị Người phát ngôn Bộ Ngoại giao bình luận về việc hôm 9.2, hãng tin AFP (Pháp) dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết nước này đã điều tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude đến tuần tra ở Biển Đông, đi cùng tàu hỗ trợ BSAM Seine.

Trả lời câu hỏi này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, việc duy trì hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển… là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm và nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế.

“Chúng tôi cho rằng, hoạt động trên Biển Đông của tất cả các quốc gia cần đóng góp vào mục tiêu chung này”, bà Hằng nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi đề nghị xác nhận thông tin và nêu quan điểm về việc Trung Quốc có thể đang xây căn cứ tên lửa đất đối không thứ hai gần biên giới Việt Nam, trên địa bàn tỉnh Vân Nam, bà Hằng nói: “Quan điểm của Việt Nam là chính sách quốc phòng của tất cả các quốc gia cần đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới”.

Trước đó, hôm 4.2, bà Lê Thị Thu Hằng cũng đã cho biết, Việt Nam sẽ xác minh thông tin một căn cứ tên lửa đất đối không đang được Trung Quốc hoàn tất ở huyện Ninh Minh, thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, cách biên giới Việt Nam khoảng 20 km.

Việt Nam theo dõi sát hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông

Ngoài các diễn biến trên, Biển Đông còn "nóng" về thông tin sáng 24.2, tàu hải cảnh 5304 của Trung Quốc đã áp sát giàn Hải Thạch thuộc lô dầu khí 5-02 của Việt Nam. Nhiều tháng gần đây, các tàu hải cảnh của Trung Quốc đều có các hoạt động trên Biển Đông, gây chú ý của các nhà quan sát quốc tế.

Về diễn biến này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.

Hoạt động của các nước ở Biển Đông cần tuân thủ quy định liên quan của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyề tài phán của các nước ven biển theo UNCLOS 1982, đóng góp vào hòa bình, ổn định ở khu vực.

Liên quan đến việc tàu chiến Mỹ hồi đầu tháng 2 đã di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đánh dấu lần đầu tiên hải quân Mỹ thực hiện hoạt động này dưới thời Tổng thống Joe Biden, phóng viên đã đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc này.

Trả lời câu hỏi, bà Hằng cho biết, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và thành viên của UNCLOS 1982, Việt Nam tuân thủ các quy định của Công ước, kể các các quy định về các hoạt động hàng hải, hàng không.

Việt Nam mong muốn các nước tiếp tục đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế.

Sức khỏe 13 người Việt Nam mắc COVID-19 tại Campuchia ổn định

Về tình hình người Việt Nam ở Campuchia trong đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh (Campuchia), Bộ Y tế Campuchia công bố có 195 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới tính đến sáng 25.2, trong đó có 13 người Việt Nam.
Theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã liên hệ với chính quyền sở tại, các cơ quan chức năng địa phương để xác minh thông tin, đề nghị quan tâm, tích cực cứu chữa, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam.
Theo Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng, ngay sau khi được xác nhận mắc COVID-19, những bệnh nhân này đã được đưa đến cách ly, điều trị kịp thời tại các bệnh viện, cơ sở y tế của Bộ Y tế Campuchia tại thủ đô Phnompenh và tỉnh Kandal. Tình trạng sức khỏe của những bệnh nhân này đến nay ổn định.
"Trước diễn biến dịch bệnh gần đây, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia cũng đã chủ động liên hệ với các đầu mối cộng đồng người Việt Nam, Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia để kịp thời cập nhật các diễn biến, thông tin mới liên quan đến dịch bệnh; đồng thời, đẩy mạnh vận động tuyên truyền, yêu cầu các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại đây thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh của nước sở tại. Đường dây nóng bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và đường dây nóng bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) sẵn sàng tiếp nhận các thông tin về các trường hợp cần trợ giúp, hay thông tin về người Việt Nam mắc bệnh hoặc gặp nạn", Người Phát ngôn cho biết.

Theo TNO