Nếu Trung Quốc xâm nhập đảo Senkaku, Nhật có thể ‘nổ súng trực tiếp’

Quốc tế - Ngày đăng : 13:23, 26/02/2021

Giới chức Nhật Bản tiết lộ lực lượng tuần duyên nước này có thể nổ súng trực tiếp vào các tàu nước ngoài đi vào khu vực quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết, tại một phiên họp hội đồng của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền hôm 25.2, các quan chức chính phủ Nhật Bản đã xác nhận cách diễn giải của họ đối với các bộ luật hiện hành.

Theo đó, lực lượng tuần duyên của Nhật Bản có thể nổ súng trực tiếp vào các tàu nước ngoài trong khuôn khổ của luật hiện hành, nếu coi việc các tàu đó đi vào khu vực quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông là hành vi phạm luật. Trước đó, lực lượng tuần duyên Nhật Bản chỉ được phép nổ súng trực tiếp vào các tàu nước ngoài trong trường hợp tự vệ và thoát hiểm khẩn cấp.

japan_coast_guard_pl51_hida_2.jpg
Một tàu tuần duyên của Nhật Bản - Ảnh: Wiki

Một thành viên của LDP cho rằng việc cho phép sử dụng vũ lực chống lại các tàu nước ngoài được xem là hành động đi ngược lại với Hiến pháp không gây chiến của Nhật Bản cũng như định hướng chính sách quốc phòng của quốc gia Đông Á này.

Taku Otsuka, lãnh đạo Phòng vệ binh quốc gia của LDP, cho biết đây là lần đầu tiên các quan chức chính phủ Nhật Bản đề cập khả năng nổ súng của lực lượng tuần duyên biển Nhật Bản đối với tàu nước ngoài xâm phạm lãnh thổ nước này.

Được biết, cả Nhật Bản và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông. Nhật Bản vẫn đang kiểm soát quần đảo này và chính quyền Tokyo tuyên bố Senkaku là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Nhật Bản.

Động thái trên được đưa ra sau khi lực lượng tuần duyên Nhật Bản phát hiện tàu hải cảnh Trung Quốc trang bị vũ khí “trông giống như pháo” đã di chuyển vào lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo Senkaku ngày 16.2, tiến đến gần tàu cá Nhật Bản. Hôm 6.2, các tàu hải cảnh Trung Quốc cũng đã di chuyển vào lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp Senkaku ở biển Hoa Đông.

Gần đây, lực lượng tuần duyên Nhật Bản phải tăng cường điều động tàu tuần tra bảo vệ tàu cá ở Biển Hoa Đông. Tuy nhiên lực lượng tuần duyên Nhật Bản bị ràng buộc bởi các quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng vũ khí và luật pháp cấm lực lượng này tiến hành hoạt động quân sự.

Trong khi đó, luật mới của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1.2, cho phép hải cảnh sử dụng “tất cả biện pháp cần thiết” trong đó có quyền sử dụng vũ lực để chống lại tàu nước ngoài nhằm vào tàu các nước khác ở khu vực mà Bắc Kinh “tuyên bố chủ quyền”.

Theo thống kê của lực lượng tuần duyên Nhật Bản, năm ngoái, các tàu hải cảnh Trung Quốc tiến vào vùng biển gần quần đảo Senkaku khoảng 2 lần/tháng. Nhưng kể từ khi luật hải cảnh Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực hồi đầu tháng này, tần suất này đã tăng lên 2 lần/tuần. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thể hiện sự "quan ngại sâu sắc" đối với đạo luật này, nói rằng nó có thể làm lung lay trật tự dựa trên luật pháp quốc tế.

Phản ứng trước các hành động của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ tuần này cũng đưa ra thông báo, yêu cầu Bắc Kinh dừng đưa tàu vào vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi kiểm soát của hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, do đó Washington sẽ bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp xảy ra xung đột.

"Mỹ tán thành với cộng đồng quốc tế về quần đảo Senkaku và chủ quyền đối với Senkaku. Chúng tôi ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản ở đó và chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tránh những hành động có thể dẫn đến tính toán sai lầm, cụ thể là triển khai tàu hải cảnh”, người phát ngôn Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) John Kirby nói.

Trong một thông điệp bằng video tại một hội nghị chuyên đề hôm 25.2, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết môi trường an ninh tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đang đáng báo động nghiêm trọng.

Ông Suga cũng bày tỏ lo ngại rằng, "việc mở rộng năng lực quân sự thiếu minh bạch và những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc ngoại giao vẫn tiếp tục diễn ra trong khu vực" (ám chỉ Trung Quốc).

"Tôi tin tưởng rằng trật tự cởi mở và tự do dựa trên pháp quyền, chứ không phải vũ lực hay ép buộc, mới mang lại hòa bình và thịnh vượng cho khu vực và cả thế giới", nhà lãnh đạo Nhật Bản nhấn mạnh.

Hoàng Vũ