Nhật Bản tài trợ gần 3 triệu USD giám sát nước sông Mekong
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:17, 26/02/2021
Phát biểu tại lễ ký kết tài trợ được tổ chức tại trụ sở Ban Thư ký MRC ở thủ đô Viêng Chăn (Lào) hôm 26.2, tiến sĩ An Pich Hatda, Giám đốc điều hành của MRC tuyên bố: “Nguồn vốn mới sẽ giúp giải quyết những thách thức mà khu vực của chúng ta đã, đang và sẽ phải đối mặt trong tương lai”.
Trên trang chủ, MRC cho biết khoản tiền này sẽ được giải ngân trong giai đoạn 2021-2024, giúp MRC và các nước thành viên gồm Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan tăng cường khả năng giám sát và đánh giá môi trường sông Mekong, cũng như thích ứng với các thay đổi thực tế.
Theo đó, những hoạt động chính được tài trợ bao gồm cải thiện mạng lưới giám sát sông và năng lực dự báo, cũng như xây dựng thêm các trung tâm theo dõi mới dọc sông Mekong. Khoản cấp vốn này cũng giúp ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm cung cấp thông tin công khai về lũ lụt và hạn hán, đảm bảo các chính phủ và cộng đồng địa phương có thể tiếp nhận thông tin kịp thời nhằm thực hiện những biện pháp ứng phó phù hợp trước thiên tai.
“Nguồn vốn bổ sung này sẽ cho phép MRC cung cấp các dịch vụ giám sát và dự báo sông chính xác, hiệu quả hơn cho công chúng cũng như các nước thành viên”, ông Keizo Takewaka, Đại sứ Nhật Bản tại Lào, cho biết hôm 26.2.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản hồi tháng 3 năm ngoái đã cấp 412 triệu yen (khoảng 3,9 triệu USD) cho Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) nhằm hỗ trợ các công tác dự báo và theo dõi hạn hán và lũ lụt của MRC tại 4 nước thành viên MRC là Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan.
Số tiền kể trên sẽ được phân bổ trong 4 năm từ năm 2020-2023 nhằm chuyển đổi Trung tâm Quản lý lũ lụt và hạn hán khu vực của MRC - có trụ sở tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia - thành trung tâm có thể cung cấp nhanh hơn, chính xác hơn các dự báo về hạn hán, lũ lụt và đưa ra các cảnh báo sớm cho các nước hạ lưu sông Mekong gồm Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam.
Chính phủ Nhật Bản từ lâu đã là một trong những đối tác phát triển của MRC. Kể từ năm 2001 đến nay, Nhật Bản đã viện trợ hơn 18 triệu USD cho nhiều dự án về các lĩnh vực như quản lý lũ lụt và hạn hán, thủy lợi, biến đổi khí hậu, quản lý môi trường.
Dài 4.350km, chảy qua 6 nước Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam, sông Mekong là nguồn sinh kế của gần 200 triệu người, chủ yếu làm nghề trồng trọt, đánh cá tại các nước này.
Thông qua các con đập ở thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc được cho là đang kiểm soát dòng chảy, tích trữ nhiều nước và hạn chế xả, gây ra những thay đổi thất thường đối với mực nước ở hạ nguồn, trong đó có tình trạng hạn hán, dẫn đến nguồn cung thủy sản và nguồn sống của hàng chục triệu người bị đe dọa nghiêm trọng. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã phủ nhận cáo buộc các đập ở nước này tác động tới mực nước sông Mekong.
Trong một báo cáo được công bố vào tháng 2, Ủy hội sông Mekong (MRC) đã đánh giá “đáng lo ngại” về tình trạng mực nước con sông xuống quá thấp do ảnh hưởng lượng mưa và đập Cảnh Hồng bên Trung Quốc.
"Mực nước sông Mekong đã giảm đáng kể từ đầu năm do lượng mưa thấp hơn, dòng chảy thay đổi ở thượng nguồn, hoạt động thủy điện trên các nhánh sông Mekong và hạn chế dòng chảy từ đập thủy điện của Trung Quốc", báo cáo nêu rõ.
Cuối năm ngoái, một dự án do Mỹ tài trợ sử dụng vệ tinh để theo dõi và công bố mực nước tại các con đập của Trung Quốc trên sông Mekong đã được khởi động vào ngày 14.12, gây thêm căng thẳng cho hai cường quốc này tại khu vực Đông Nam Á.
Dự án Giám sát đập sông Mekong, được Bộ Tư pháp Mỹ tài trợ một phần, sử dụng dữ liệu từ các vệ tinh có khả năng chụp ảnh xuyên tầng mây để theo dõi mực nước của các con đập ở Trung Quốc và các nước khác. Cơ quan này sẽ công khai thông tin thu thập được kể từ ngày 15.12.
Đây là dự án hợp tác giữa Trung tâm nghiên cứu Stimson và Công ty Eyes on Earth Inc. (EoE, Mỹ). Trên trang tin chính thức, dự án có tên gọi “Mekong Dam Monitor” tuyên bố sẽ tìm cách chống lại những thông tin thiếu chính xác về tình trạng và hoạt động của số đập, hồ chứa cũng dòng chảy trên sông Mekong.