Trung – Mỹ và cuộc chiến dự trữ khỉ vì COVID-19
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:32, 26/02/2021
Mỹ lo ngại vì phụ thuộc vào nguồn khỉ từ Trung Quốc
Thế giới cần loài khỉ để phát triển vắc xin coronavirus mới, vì ADN của chúng rất giống với con người, nhưng nhu cầu bất ngờ do đại dịch gây ra dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã gần đây của Trung Quốc. Trung Quốc là nhà cung cấp chính của động vật thí nghiệm này.
Sự thiếu hụt nguồn cung gần đây một lần nữa làm dấy lên các cuộc thảo luận tại Mỹ về việc thành lập một khu dự trữ khỉ chiến lược, tương tự như khu dự trữ dầu và ngũ cốc mà chính phủ Mỹ duy trì.
Do các biến thể của coronavirus mới có thể vô hiệu hóa tác dụng của các vắc xin hiện hành, nên giới khoa học đang cố gắng tìm kiếm nguồn khỉ mới, trong vấn đề này Mỹ cũng đang đánh giá lại sự phụ thuộc vào Trung Quốc, một đối thủ cạnh tranh đầy tham vọng trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
Tình trạng này tương tự như đại dịch từng làm nổi bật thực trạng Mỹ bị phụ thuộc đáng kể vào Trung Quốc trong nguồn cung cấp vật tư cứu nạn, bao gồm khẩu trang và thuốc men.
Ở Đông Nam Á và đảo quốc nhỏ Mauritius tại đông nam châu Phi, giới khoa học Mỹ đang tìm nguồn dự trữ đối tượng thí nghiệm quan trọng nhất này từ các cơ sở tư nhân và cơ sở do chính phủ tài trợ: khỉ rhesus và khỉ cynomolgus (còn được gọi là khỉ đuôi dài).
Nhưng không nước nào có thể lấp đầy khoảng trống từ Trung Quốc. Dựa vào dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), giới phân tích ước tính, vào năm 2019 trước đại dịch, trong số 33.818 con thuộc loại động vật linh trưởng mà chủ yếu là là khỉ đuôi dài được Mỹ nhập khẩu, có đến hơn 60% đến từ Trung Quốc.
Bảy trung tâm động vật linh trưởng ở Mỹ có tới 25.000 con khỉ thí nghiệm, chủ yếu là những con khỉ có mặt đỏ. Trong đó khoảng 600 - 800 con khỉ đã được sử dụng trong nghiên cứu về loại coronavirus mới sau khi đại dịch bắt đầu.
Giới khoa học cho biết khỉ là mẫu thí nghiệm lý tưởng để nghiên cứu vắc-xin coronavirus mới trước khi thí nghiệm trên người. ADN của loài linh trưởng và người giống nhau hơn 90%, các đặc tính sinh học tương tự của chúng giúp có thể thực hiện kiểm tra chúng bằng gạc mũi và quét phổi. Giới khoa học cho biết hầu như không thể thử nghiệm vắc-xin coronavirus mới trên các loài động vật khác, mặc dù có loại thuốc như dexamethasone (DXMS) thuộc lớp steroid (điều trị cho cựu tổng thống Trump) đã được thử nghiệm trên chuột đuôi cụt (chuột hamster).
Mỹ từng phụ thuộc vào Ấn Độ để cung cấp khỉ vàng (macaca mulatta), nhưng vào năm 1978, sau khi truyền thông Ấn Độ đưa tin Mỹ dùng khỉ trong các thí nghiệm quân sự khiến Ấn Độ đã ngừng xuất khẩu. Vậy là các công ty dược phẩm Mỹ phải tìm kiếm giải pháp thay thế và họ đã tìm đến Trung Quốc.
Đại dịch đã làm đảo lộn mối quan hệ kéo dài hàng thập kỷ giữa các nhà khoa học Mỹ và phía các nhà cung ứng nguồn nghiên cứu Trung Quốc. Lewis nói: “Khi thị trường Trung Quốc đóng cửa, khiến mọi người có ít lựa chọn hơn để mua động vật”.
Nhiều năm qua, do phản đối của giới hoạt động vì quyền động vật khiến một số hãng hàng không, bao gồm các hãng hàng không lớn của Mỹ, cũng từ chối vận chuyển động vật để nghiên cứu y tế. Lewis cho biết những khó khăn đó khiến giá khỉ đuôi dài đã tăng hơn gấp đôi, lên đến hơn 10.000 USD mỗi con.
Giới khoa học nghiên cứu các bệnh khác, bao gồm bệnh Alzheimer và AIDS, cho biết rằng vì con vật được ưu tiên cho nghiên cứu coronavirus mới khiến công việc của họ bị trì hoãn.
Tình trạng thiếu hụt khiến ngày càng nhiều nhà khoa học Mỹ lên tiếng kêu gọi chính phủ nỗ lực đảm bảo duy trì nguồn cung về loài động vật này.
Skip Bohm, Phó giám đốc kiêm trưởng ban thú y của Trung tâm Nghiên cứu Linh trưởng Quốc gia Tulane (Tulane National Primate Research Center) ở ngoại ô New Orleans bang Louisiana, cho biết khoảng 10 năm trước các giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Động vật linh trưởng Quốc gia đã bắt đầu thảo luận khu bảo tồn khỉ chiến lược. Thế nhưng cuối cùng vẫn chưa thể thực hiện được ý định, vì để thiết lập một chương trình nhân giống cần nhiều thời gian và đi cùng là số tiền quá lớn.
“Ý tưởng của chúng tôi cũng gần giống như kho dự trữ dầu chiến lược, chúng ta tích trữ số lượng lớn nhiên liệu ở một số nơi để có thể sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp”, Skip Bohm nói.
Quan trọng cho cuộc đua vắc-xin có thể trở lại
Quan trọng nữa, như giới khoa học Mỹ chỉ ra, với việc phát hiện ra các biến thể mới của vi rút khiến cuộc chạy đua vắc-xin có thể sẽ khởi động trở lại, vì vậy chính phủ cần phải nhanh chóng hành động đảm bảo nguồn dự trữ khỉ.
Keith Reeves, trưởng nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Vi rút và vắc xin của Trường Y Harvard (Harvard Medical School), cho biết: “Nguồn dự trữ chiến lược của loài khỉ chính là thứ chúng ta cần để đối phó với loại coronavirus mới, nhưng chúng ta chưa làm được”.
Tuy nhiên, như các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tìm hiểu, nguồn dự trữ chiến lược hùng hậu có thể vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu gia tăng nhanh chóng về động vật thí nghiệm. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết, mặc dù tồn kho khoảng 45.000 con khỉ trong quản lý của chính phủ nhưng họ cũng đang phải vật lộn để đối phó với tình trạng khan hiếm khỉ.
Các nhà nghiên cứu thường thu thập hàng trăm mẫu vật từ một con khỉ, những mô này có thể được đông lạnh trong vài năm, phục vụ nghiên cứu lâu dài. Giới khoa học cho biết sẽ tận dụng từng con, nhưng những con khỉ bị nhiễm coronavirus mới không thể quay lại với những con khỏe mạnh khác để tiếp tục sống, cuối cùng phải cho chúng “về cõi vĩnh hằng”.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, vào tháng 1 năm nay, Tổng giám đốc của Tập đoàn Đầu tư khởi nghiệp Khoa học và Công nghệ Thượng Hải, ông Shen Weiguo (Thẩm Vệ Quốc) đã nói với Đại hội đại biểu Nhân dân Thượng Hải rằng, vào năm ngoái ba công ty y sinh lớn của thành phố đã thiếu 2.750 con khỉ nghiên cứu, và dự kiến trong 5 năm tới tình trạng thiếu hụt này mỗi năm sẽ tăng 15%.
Công ty công nghệ sinh học Topgene ở Hồ Bắc nuôi khỉ để nghiên cứu và xuất khẩu. Giám đốc bán hàng Yan Shuo (Nghiêm Sóc) cho biết, trước đây Mỹ là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của họ, nhưng hiện công ty không có đủ động vật cho chính mình để tiến hành các thí nghiệm nghiên cứu. Yan Shuo nói: “Vấn đề không phải là bao nhiêu tiền. Hiện không có động vật để có thể bán ra ngoài”.
Mỹ có 7 trung tâm nghiên cứu linh trưởng quốc gia, khi những con vật chưa nằm trong kế hoạch nghiên cứu thì chúng sống theo bầy đàn, được tắm mình trong thiên nhiên trời đất. Các cơ sở này liên kết với các trường đại học nghiên cứu và được tài trợ bởi Viện Y tế Quốc gia. Lâu nay giới hoạt động vì quyền động vật đã lên án các trung tâm này ngược đãi chúng, bao gồm cả việc tách đàn con khỏi mẹ của chúng.
Matthew R. Bailey, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Y sinh Quốc gia (National Association for Biomedical Research), cho biết ông đã chuẩn bị để nêu vấn đề thiếu khỉ với chính quyền Biden. Ông cho biết quyết định của Trung Quốc ngừng xuất khẩu khi bắt đầu xảy ra đại dịch coronavirus mới “có thể là một biện pháp khẩn cấp thận trọng”, nhưng ông nói rằng có thể Trung Quốc sẽ bắt đầu xuất khẩu trở lại sau những hiểu biết hiện có được về cách thức lây lan của vi-rút.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng lệnh cấm không nhằm vào các loài hoặc quốc gia cụ thể nào. “Một khi tình hình quốc tế có chuyển biến khả quan đáp ứng được các điều kiện xuất nhập khẩu thì Trung Quốc sẽ tích cực xem xét việc khôi phục lại các công việc liên quan phê duyệt xuất nhập khẩu”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.
Giới chuyên gia cho rằng Mỹ cần sẵn sàng cho những trách nhiệm nhất định trong vấn đề không có đủ số lượng khỉ cho nghiên cứu.
Trong hơn một thập kỷ, ngân sách của Trung tâm Nghiên cứu Động vật linh trưởng Quốc gia hoặc không thay đổi hoặc sụt giảm. Koen Van Rompay, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Nghiên cứu Động vật linh trưởng Quốc gia California (California National Primate Research Center), cho biết rằng khoảng 10 năm trước chính phủ liên bang đã yêu cầu trung tâm này mở rộng đàn sinh sản, nhưng không chu cấp thêm tài chính, vì vậy tình hình quy mô của đàn sinh sản sau đó trái lại còn sụt giảm.
“Chúng tôi đã áp dụng các biện pháp tránh thai trong một số trường hợp”, Koen Van Rompay nói, “Vì vậy vào mùa xuân sẽ có ít con được sinh ra hơn”.
Tại một hội nghị vào tháng 12.2018 do Viện Y tế Quốc gia Mỹ tổ chức, các nhà khoa học đã thảo luận về những thách thức mà Mỹ phải đối mặt trong nguồn cung cấp loài linh trưởng. Jeffrey Roberts, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Linh trưởng Quốc gia California cho biết thời điểm đó mọi người ý thức rõ hơn “Nếu Trung Quốc quyết định ngừng cung cấp thì chúng tôi gặp rắc rối lớn”.
Những người tham gia hội nghị đều thừa nhận việc nhân giống khỉ đuôi dài trong nước là rất quan trọng, nếu không đáp ứng được nhu cầu có thể gây nguy hại hoạt động nghiên cứu y sinh trên toàn nước Mỹ. Họ nhấn mạnh đến nay việc giải quyết nhu cầu này có thể đã muộn, nhưng chậm trễ vài tháng nữa thì chắc chắn là quá muộn.