Phóng sự ảnh: Hàng trăm héc ta rừng tự nhiên ở Hà Tĩnh bị phá tan hoang

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 14:01, 27/02/2021

Theo phản ánh của người dân ở xã Lộc Yên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), những ngày đầu tháng Giêng năm Tân Sửu, phóng viên Một Thế Giới đã trực tiếp luồn rừng để chứng kiến cảnh hàng trăm héc ta rừng tự nhiên ở xã này đang bị phá tan hoang.
img_20210227_080807.jpg
Rời trung tâm xã Lộc Yên, phóng viên theo chân một người địa phương dẫn đường đi về phía bìa rừng thuộc thôn 3, thuê thuyền chạy ngược sông Khe Táy, sau đó từ đập Khe Táy đi ngược lên phía thượng nguồn khoảng 4km. Từ đây, thuyền tiếp tục rẽ vào nhánh Khe Cồn, sau đó đi bộ luồn rừng tiếp 1km nữa là đến vùng rừng đang bị tàn phá.

img_20210227_080812.jpg
Phía ngoài khu vực rừng bị phá là một dải rừng tự nhiên xanh mướt gồm nhiều loại cây gỗ, cây bụi và dây leo dày đặc. Theo người dẫn đường tên D., những người phá rừng cố tình để lại một vành đai cây xanh bên ngoài khoảng 500m để che mắt cơ quan chức năng, nhưng đi sâu vào trong thì rừng tự nhiên đã bị phá tan hoang từ nhiều tháng nay.
img_20210227_080815.jpg
Đi sâu vào khu vực Khe Cồn, chúng tôi phát hiện một cái lán được che bằng bạt nilon, bên trong lán có nhiều vật dụng như quần áo, võng dù, xoong nồi... Người dẫn đường cho biết đây là lán của những người vào sẻ phát rừng dùng làm nơi nghỉ ngơi, ăn uống.
img_20210227_080840.jpg
img_20210227_080842.jpg
Từ ngôi lán nhìn ra xung quanh là quang cảnh những vạt rừng đã bị chặt, đốt trống hoác từng mảng. Đối diện lán là một ngọn đồi đã bị chặt phá, còn lại lưa thưa vài cây nhỏ. Những cây gỗ có đường kính khoảng 10 - 30cm đã bị đốt nằm chỏng chơ.
img_20210227_080838.jpg
img_20210227_080836.jpg
Anh D. nói: "Đây là khu vực Khe Cồn, còn phía bên kia là vùng Khe Nái. Có nhiều ngọn đồi bên kia cũng đã bị chặt phá như thế này từ trước Tết Nguyên Đán. Phía ta đang đứng đây là họ chặt trước và đốt rồi nên đi lại được, còn phía đồi bên kia thì họ mới chặt mấy ngày gần đây và chưa đốt nên không thể đi lên đỉnh đồi".
img_20210227_080834.jpg
Người dân địa phương cho hay, mục đích đốt phá rừng của chủ rừng là nhằm dọn sạch rừng nguyên sinh để trồng keo, vì những năm gần đây cây keo mang lại hiệu quả kinh tế cao.
img_20210227_080828.jpg
Những chủ rừng đang thực hiện một "chiến thuật" phá rừng rất tinh vi mà dân địa phương gọi là "cốt". Ban đầu, họ chặt tỉa những cây lớn, hạ xuống một thời gian thì đốt cho cháy những cây bị hạ này. Tiếp đó là chặt tầng cây trung bình, chặt xong phơi một thời gian lại đốt. Sau cùng, khi rừng chỉ còn một tầng cây bụi và dây leo thì họ phát trắng. Chiến thuật này nhằm "lách tội" khi bị lực lượng chức năng phát hiện. Nếu như bị bắt quả tang phá rừng thì tại thời điểm bị bắt, người phá rừng chỉ bị quy kết hành vi chặt tỉa và mức độ xử phạt nhẹ, không đủ mức khởi tố hình sự. Còn khi rừng bị phá ở giai đoạn cuối cùng là cạo trắng thì lúc này các tầng cây không còn đủ tiêu chí để gọi là rừng.
img_20210227_080817.jpg
Theo quan sát của phóng viên, diện tích rừng bị tác động, chặt phá và cạo trắng lên đến hàng trăm héc ta tại khu vực Khe Cồn, Khe Táy, Khe Nái. 
z2351544148932_bea2bc93aba1c73be1fe69f254e52cec(1).jpg
Sau nhiều đợt áp dụng chiến thuật chặt tỉa đốt dần, nhiều khoảnh rừng tự nhiên tại xã Lộc Yên đã bị cạo trắng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Lộc Yên thừa nhận việc phá rừng trên địa bàn xã xảy ra thường xuyên. Chính quyền địa phương và cơ quan kiểm lâm đã biết và kiểm tra nhiều lần.

Theo ông Hưng, khu vực rừng bị chặt phá mà phóng viên đề cập thuộc tiểu khu 227 và 216. Khu vực này có khoảng 1.000 ha rừng phòng hộ của Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Khê trả địa phương để cắt giao cho dân.

"Khi nắm được thông tin có đối tượng phá rừng, chúng tôi phối hợp với kiểm lâm vào hiện trường để kiểm tra. Tuy nhiên khi đoàn kiểm tra mới vào bìa rừng thì những người phá rừng đã nhận được điện thoại từ người khác ở bên ngoài, nên họ rút đi trước khi cán bộ đến. Do đó rất khó để bắt quả tang và xử lý các đối tượng phá rừng", ông Hưng nói.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên còn thu thập được thông tin về việc người dân địa phương được giao rừng để bảo vệ, chăm sóc nay đã bán rừng cho người ở ngoài địa bàn. Người mua lại rừng đã bỏ tiền ra mua một diện tích rất lớn bao gồm rừng của nhiều hộ dân sở hữu. Mục đích của người mua rừng là dùng "chiến thuật" chặt tỉa sau đó cạo trắng rừng tự nhiên để trồng keo.

Về vấn đề này, Chủ tịch xã Lộc Yên nói rằng ông có nghe thông tin nhưng, vì giao dịch mua bán rừng kín đáo và không sang tên đổi chủ nên không thể khẳng định.

Ông Nguyễn Quang Hào, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Hương Khê cho hay, qua kiểm tra, đơn vị ghi nhận có khoảng 6ha rừng bị phá. Tuy nhiên theo ông Hào, khu vực kiểm lâm kiểm tra khác với khu vực có lán trại mà phóng viên đã xâm nhập.

Hạt trưởng kiểm lâm Hương Khê cũng cho biết việc chuyển nhượng rừng của người dân được pháp luật cho phép. Vấn đề cốt lõi là sau khi chuyển nhượng, rừng phải được sử dụng đúng mục đích.

Làm việc với phóng viên, ông Phan Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết huyện đã nhận được báo cáo của xã và kiểm lâm địa phương về thực trạng rừng ở xã Lộc Yên bị tàn phá. 

"UBND huyện sẽ chỉ đạo Công an huyện, Hạt kiểm lâm và chính quyền xã kiểm tra, làm rõ và quy trách nhiệm cho từng bên liên quan chứ không thể để tình trạng như thế này được”, ông Kỳ cho hay.

Theo tìm hiểu của phóng viên, rừng tự nhiên tại khu vực Khe Cồn, Khe Nái thuộc xã Lộc Y được giao cho người dân bảo vệ, chăm sóc 
theo Quyết định 3952 của UBND tỉnh Hà Tĩnh ngày 6.12.2013. Tuy nhiên, do diện tích mỗi hộ từ 2 – 3ha, có hộ nhận được rừng có địa hình dốc núi và không có đường đi nên nhiều người dân đã bán trao tay cho các cá nhân ở ngoài xã.

Một Thế Giới sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Bài, ảnh: Quang Cường - Quốc Hà