Nét độc đáo của ngôi chùa 500 năm tuổi giữa lòng thành phố Sóc Trăng

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 16:10, 28/02/2021

Chùa Kh’Leang là một trong những ngôi chùa cổ ở Sóc Trăng, được xây dựng vào năm 1532 đến nay đã qua 21 đời sư trụ trì. Trong khuôn viên chùa có trường học và ký túc xá cho các vị sư.

“Sóc Sờ Bai, bòn, tâu na bòn, tâu na bòn ơi!”. Nhắc đến ca từ này hẳn ai cũng liên tưởng đến Sóc Trăng - tỉnh có tổng số người Khơme cư trú đứng hàng đầu ở Việt Nam. Đây cũng là vùng đất được mệnh danh là xứ sở chùa vàng của người Khơme. Bởi nơi đây gần như là tỉnh có nhiều ngôi chùa nhất của ĐBSCL.

a2-cong-chua-duoc-thiet-ke-theo-kien-truc-tam-quan-truyen-thong-voi-3-cua-ra-vao.jpg
Cổng chùa được thiết kế theo kiến trúc tam quan truyền thống với 3 lối ra vào - Ảnh: Kim Cương

Vùng đất Sóc Trăng có nhiều ngôi chùa đẹp, đặc trưng cho kiến trúc Khơme nhưng trong số đó ấn tượng nhất là ngôi chùa cổ 500 tuổi Kh’Leang, tọa lạc trên đường Nguyễn Chí Thanh, P.6, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

Những bậc đại đức có công với cách mạng

Sư trụ trì Tăng Nô của chùa cho biết: “Cái tên Kh’Leang bắt nguồn từ lịch sử của chùa là nơi người dân đem lúa gạo đến đây để dự trữ, mà trong tiếng Khơme Kh’Leang có nghĩa là kho chứa. Từ đó thì cái tên này được truyền lại tới bây giờ”. Ngôi chùa này do một phật tử là người giàu có trong vùng đứng ra xây dựng, sau khi xây dựng hoàn thành, vị Đại đức đầu tiên của chùa Kh’Leang là sư Thạch Sóc được mời từ chùa Luôn Ba Sắc về làm trụ trì.

a3-khuon-vien-chua-rop-bong-mat-voi-nhieu-hang-cay-co-thu-dac-biet-la-cay-thot-not-dac-trung-cho-loi-song-van-hoa-nguoi-khmer.jpg

Khuôn viên chùa rợp bóng mát với nhiều hàng cây cổ thụ đặc biệt là cây thốt nốt đặc trưng cho lối sống văn hóa người Khơme - Ảnh: Kim Cương

Sau khi về chùa, đại đức đã bắt tay vào việc cải tạo quy hoạch lại khuôn viên ngày càng hoàn thiện hơn. Từ khi sư Thạch Sóc viên tịch đến nay chùa đã trải qua 20 đời trụ trì mỗi vị đều có công đóng góp xây dựng bằng khả năng của mình để ngôi chùa trở nên khang trang như ngày hôm nay.

a4-khu-tiep-khach-va-luu-tru-van-thu-cua-chua-.jpg

Khu tiếp khách và lưu trữ văn thư của chùa - Ảnh: Kim Cương

Trong số các sư ở chùa, phải kể đến Đại đức Trần Kế An (phó trụ trì chùa) - là một trong những vị sư có công lớn với cách mạng. a5-khu-sala-cua-chua-kh-leang.jpg

Khu sala của chùa Kh’Leang- Ảnh: Kim Cương

Ông tham gia phong trào yêu nước của thanh niên tiền phong trong dân tộc Khơme, là nòng cốt cho đồng bào Khơme tham gia cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng 8.1945, tham gia xây dựng chính quyền cách mạng từ ngày 25.8.1945 đến ngày 4.1.1946. Đêm 28.10.1959, Đại đức Trần Kế An đã bị tỉnh trưởng Hoàng Minh Thượng tổ chức sát hại. 

a13-khu-ky-tuc-xa-cua-truong-nam-trong-khuon-vien-chua-kh-leang-noi-cac-hoc-vien-cua-truong-cu-tru.jpg
Khu ký túc xá của trường nằm trong khuôn viên chùa Kh'Leang - nơi các học viên của trường cư trú - Ảnh: Kim Cương

Chùa Kh’Leang còn là chỗ dựa rất quan trọng đối với nhà sư yêu nước khác. Trong đó, nổi bật là ông Huỳnh Cương (5.5.1925 -4.3.1997) là một nhà hoạt động cách mạng Khơme, sau này từng giữ chức Phó chủ tịch Quốc hội. Từ năm 1956 - 1958, ông Huỳnh Cương cùng Đại đức Trần Kế An đã tổ chức cơ sở hoạt động cách mạng bí mật tại chùa. 

a1-thap-tho-ong-huynh-cuong-pho-chu-tich-quoc-hoi-ong-la-nguoi-co-cong-voi-cach-mang-va-da-dat-duoc-nhieu-huan-chuong-cao-quy.jpg
Tháp thờ ông Huỳnh Cương - nguyên Phó chủ tịch Quốc hội. Ông là người có công với cách mạng và đã đạt được nhiều huân chương cao quý - Ảnh: Kim Cương
a6-khu-nha-o-cua-cac-su-thay-chua-kh-leang.jpg

Khu nhà ở của các sư thầy chùa Kh’Leang - Ảnh: Kim Cương

Chùa Kh’Leang từ năm 1975 đến nay do Hòa thượng Tăng Nô làm trụ trì. Vị hòa thượng này sinh năm 1942 sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở P.2, TP.Sóc Trăng. Từ lúc đảm nhiệm vị trí trụ trì chùa đến nay hòa thượng đã bỏ bao công sức cùng với phật tử trùng tu và sửa chữa các công trình kiến trúc của chùa như chánh điện, phước xá, am… tạo nên vẻ đẹp tôn nghiêm, cổ kính cho chùa.

Kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách Khơme

Chùa Kh’Leang ban đầu chỉ dùng vật liệu là gỗ và lá tạo nên. Sau đó, ngôi chính điện và sala được xây dựng mới như hiện tại vào năm 1918. Sư trụ trì cho biết: “Lúc trước chùa có diện tích gần 30.000 m2, sau này Bộ Giáo dục muốn đầu tư xây dựng Trường Pali, phải giao đất cho Sở Giáo dục cất trường với diện tích hơn 10.000 m2, hiện tại chỉ còn lại khoảng 19.000 m2”.

a7-khu-chinh-dien-cua-chua-voi-chieu-dai-24m-chieu-dai-13m-la-noi-thuc-hien-cac-nghi-le-tho-cung-cua-chua.jpg

Khu chính điện của chùa với chiều dài 24 mét, chiều ngang 13 mét, là nơi thực hiện các nghi lễ thờ cúng của chùa - Ảnh: Kim Cương

Đây là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo theo phong cách Khơme và đậm vẻ cổ kính, trang nghiêm. Cổng chùa được xây dựng theo kiến trúc cổng tam quan truyền thống, với 3 lối ra vào, lối đi giữa thường lớn hơn 2 lối đi 2 bên, phía trên của cổng được xây dựng 3 ngôi tháp, mỗi tháp có 4 tầng, nhỏ dần lên trên mang lại nét đẹp độc đáo cho ngôi chùa.

a8-khu-tho-cung-cua-chua-voi-tuong-phat-cao-6-8m-ngoi-tren-toa-sen.jpg
Khu thờ cúng của chùa với tượng Phật cao 6,8 mét ngồi trên tòa sen - Ảnh: Kim Cương

Khuôn viên chùa được bao phủ bởi những hàng cây cổ thụ, đặc biệt là loài cây thốt nốt đặc trưng trong đời sống văn hóa người Khơme. Ở giữa khuôn viên chùa là chính điện được thiết kế với những biểu tượng như rắn thần Naga, tượng Yeak (chằn), phù điêu chim thú trong sự tích Phật giáo… Giữa mỗi cánh cửa ra vào của chính điện điêu khắc cảnh giao đấu giữa 2 nhân vật thiện và ác trên nền hoa văn sắc sảo của nghệ nhân điêu khắc, nổi bật ở giữa chính điện là tượng Phật cao 6,8 mét ngồi trên hoa sen.

a9-cot-co-ket-hop-giua-co-viet-nam-voi-la-co-phat-giao-duoc-thiet-ke-doc-dao.jpg

Cột cờ kết hợp giữa cờ Tổ quốc với lá cờ Phật giáo, được thiết kế độc đáo - Ảnh: Kim Cương

Bên cạnh đó, còn có các công trình xây dựng khác như sala, nhà ở của sư thầy, mỗi công trình đều được xây dựng với nhiều hoa văn sắc sảo đặc trưng Khơme. Đi vào phía sau khuôn viên chùa du khách còn được tận mắt chứng kiến khu vực ghe Ngo đang trong quá trình trang trí nhằm phục vụ cho môn thể thao đua ghe Ngo có trong lễ hội Ook Om Bok – là 1 trong 3 lễ hội lớn của người Khơme.

Trường học ngay trong khuôn viên chùa

Trong khu vực chùa Kh’Leang có Trường bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ thành lập ngày 7.12.1994. Trường Pali đào tạo từ lớp 6 – 12. Không như những trường khác, Trường Pali đào tạo học viên tổng cộng là 5 năm (cấp II là trong 2 năm học 4 lớp, còn cấp III đào tạo mỗi năm 1 lớp”. Trường dân tộc nội trú này chủ yếu đào tạo theo chương trình của Bộ GD-ĐT. Điểm khác biệt với những trường khác là có dạy giáo lý và tiếng Pali cho các sư thầy trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

a10-khu-ghe-ngo-dang-trong-qua-trinh-trang-tri-cua-chua-kh-leang.jpg

Khu ghe ngo đang trong quá trình trang trí - Ảnh: Kim Cương

Với những nét độc đáo trên và sự đóng góp tích cực của các thành viên chùa Kh’Leang trong kháng chiến và sự phát triển của đất nước, ngày 2.4.1991 chùa đã được Bộ VH-TT công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa.

a12-khuon-vien-truong-bo-tuc-van-hoa-pali-trung-cap-nam-bo-voi-nhieu-hoc-vien-o-noi-tru-tai-truong.jpg
a11-truong-bo-tuc-van-hoa-pali-trung-cap-nam-bo-nam-trong-khuon-vien-chua-kh-leang.jpg

Trường bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ nằm trong khuôn viên chùa - Ảnh: Kim Cương

Vào ngày 14 - 16.4 hằng năm là ngày tết cổ truyền của người Khơme. Năm nay, do tình hình dịch bệnh, sư trụ trì Tăng Nô cho biết: “Lúc trước khi chưa có dịch bệnh vào mỗi dịp tết Khơme thì chùa có tổ chức ca hát dù kê, các trò chơi dân gian. Còn năm nay chùa dự định sẽ không tổ chức”.

 

Kim Cương