MWC Thượng Hải 2021: Huawei, ByteDance tìm cơ hội vượt khó

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:16, 01/03/2021

Triển lãm di động toàn cầu (MWC) tại Thượng Hải vừa khai mạc đầu tuần trước là dịp để các công ty công nghệ Trung Quốc giới thiệu sản phẩm/dịch vụ mới và phương hướng phát triển sắp tới.

Đây là sự kiện offline đầu tiên Hiệp hội Di động (GSMA) tổ chức kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cho đến nay. GSMA đại diện cho hơn 750 nhà khai thác mạng không dây và gần 400 công ty hoạt động trong ngành.

Huawei tự tin đem đến hàng loạt dịch vụ 5G cho cá nhân lẫn doanh nghiệp, cộng thêm mẫu điện thoại gập Mate X2. Nhưng mọi thứ không thể che giấu sức ép mà tập đoàn này đang phải chịu. Chủ tịch luân phiên Hồ Hậu Côn nhắc lại sự trừng phạt từ Mỹ khiến Huawei gặp khó, tăng trưởng năm 2020 rất khiêm tốn.

Một ngày sau đó, đến lượt nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi được cho có nói với nhân viên trong hội nghị thường niên 2021 rằng họ phải cố gắng dùng linh kiện “hạng ba” tạo ra sản phẩm “hạng nhất” trong bối cảnh sự trừng phạt còn chặt.  “Trước đây ta còn có linh kiện dự phòng cho sản phẩm cao cấp. Nay thì Mỹ đã hoàn toàn chặn Huawei tiếp cận linh kiện, thậm chí sản phẩm thương mại hóa cũng không được cung cấp cho chúng ta”, nhà sáng lập Nhậm phát biểu.

huawei.jpg
Huawei tham gia tại MWC Thượng Hải 2021 - Ảnh: Bloomberg

ByteDance

Dường như được đối đãi tốt hơn dưới thời Tổng thống Joe Biden, ByteDance có động thái điều chỉnh chiến lược toàn cầu: chuyển người đứng đầu mảng ứng dụng tin tức Toutiao sang Singapore phụ trách nghiên cứu và phát triển (R&D) cho TikTok. Hoạt động quốc tế của TikTok nay được quản lý tách biệt với ứng dụng quay phim ngắn tương tự dùng trong nước Douyin.

Tại quê nhà, ByteDance đưa Douyin “lấn sân” lĩnh vực mới bằng cách ra mắt trang mua theo nhóm phiếu khuyến mãi nhà hàng khách sạn – giống ứng dụng giao thức ăn Meituan. Nhưng hiện tính năng Douyin mới chỉ có thể dùng ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Thành Đô...

ByteDance cũng tích cực chinh phục thị trường trò chơi di động khi đầu tư nhiều hơn đội phát triển trò chơi. Trang tin 36Kr xác định công ty này năm 2020 có đến 2.000 nhân viên phát triển trò chơi, gấp đôi năm 2019.

bytedance.jpg
ByteDance điều chỉnh chiến lược toàn cầu - Ảnh: Livemint

“Clubhouse bản Trung”

Nhiều công ty khởi nghiệp lẫn công ty đã hoạt động lâu chạy đua tạo ra phiên bản Trung Quốc của ứng dụng trò chuyện thoại Clubhouse.

Clubhouse chỉ mới ra mắt năm ngoái nhưng nhanh chóng thu hút được sự chú ý nhờ sự tham gia của nhà sáng lập hãng xe điện Tesla - Elon Musk.

Trước đó nền tảng trò chuyện thoại này phổ biến tại Trung Quốc nhờ cho phép người dùng thoải mái thảo luận nhiều vấn đề nhạy cảm mà họ không thể nhắc đến nếu dùng nền tảng trò chuyện nội địa như luật an ninh áp đặt lên Hồng Kông, chính sách đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, căng thẳng với Đài Loan… Vào đêm 8.2, cơ quan chức năng tiến hành chặn truy cập Clubhouse.

Inke là đơn vị rất nhanh tay lập nên ứng dụng Duihuaba và tung ra sản phẩm đúng dịp Tết Nguyên đán. Vậy mà chưa đầy 2 tuần sau Duihuaba biến mất khỏi kho ứng dụng Android với Apple với lý do chưa hoàn thiện.

Lizhi - đơn vị phát triển ứng dụng Zhiya tương tự Clubhouse - cho biết rất khó để một sản phẩm như vậy tồn tại trong môi trường kiểm soát nghiêm ngặt như Trung Quốc.

Zhiya ra mắt năm 2018, đến năm 2019 thì bị gỡ khỏi kho ứng dụng (cùng 25 ứng dụng âm thanh khác) do Trung Quốc tiến hành chiến dịch “làm sạch” không gian mạng trước thềm kỷ niệm 70 năm quốc khánh. Lizhi sau đó tung ra bản quốc tế Tiya tại thị trường Mỹ và đã thu hút được đối tượng người trẻ tuổi thích thảo luận về những trò chơi di động.

Cẩm Bình