Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội được Chính phủ trao cơ chế tài chính đặc thù
Giáo dục - Ngày đăng : 08:38, 02/03/2021
Quyết định số 275/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế tài chính đặc thù của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguồn tài chính của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội gồm kinh phí do ngân sách nhà nước cấp; các nguồn thu sự nghiệp; các khoản tài trợ, viện trợ, quà biếu, tặng của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước và viện trợ phi chính phủ nước ngoài; nguồn tài chính khác.
Trong đó, ngân sách nhà nước đảm bảo hỗ trợ 50% kinh phí hoạt động thường xuyên trong giai đoạn 2021 - 2025 (không tính phần hỗ trợ của phía Cộng hòa Pháp). Mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong các năm tiếp theo sẽ được xem xét dựa trên hiệu quả hoạt động của giai đoạn 2021 - 2025, sự cần thiết và cân đối chung với Trường Đại học Việt Đức và Trường Đại học Việt Nhật.
Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho hoạt động thường xuyên của Trường được tính toán căn cứ mức thu học phí, giá dịch vụ đào tạo và tổng quy mô đào tạo hàng năm của Trường.
Đối với các khoản thu học phí, lệ phí tuyển sinh và thu sự nghiệp khác, Trường quản lý và sử dụng theo quy định hiện hành. Trường được quyết định sử dụng các khoản thu này để chi cho các hoạt động của Trường trên cơ sở Quy chế chi tiêu nội bộ, đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả.
Ngoài ra, cho phép trường có nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ; từ hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp giáo dục và đào tạo gồm: Thu từ dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về chuyên môn nghiệp vụ, bổ sung kiến thức, kỹ năng để cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận đào tạo và các hình thức đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn khác theo nguyên tắc Trường tự bù đắp chi phí, ngân sách nhà nước không hỗ trợ; từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, cho thuê tài sản, liên doanh liên kết theo quy định của pháp luật.
Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội được tự chủ các khoản: Chi thường xuyên (chi tiền lương, tiền công, chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý); chi nhiệm vụ không thường xuyên; chi học bổng khuyến khích học tập; miễn, giảm học phí phần chênh lệch giữa mức hỗ trợ của Nhà nước theo quy định với mức học phí của Trường; chi hỗ trợ sinh viên có cha mẹ thuộc hộ nghèo, cận nghèo và gia đình sinh viên có khó khăn về kinh tế; thực hiện chính sách miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên, các hoạt động hỗ trợ khác cho sinh viên từ các Quỹ hỗ trợ sinh viên.
Đáng chú ý, trong khoản chi tiền lương có quy định riêng với người lao động Việt Nam và người nước ngoài. Cụ thể:
- Đối với người Việt Nam:
Trong giai đoạn 2021 - 2025, căn cứ vào trình độ, năng lực chuyên môn, kết quả làm việc của người lao động, Quy chế chi tiêu nội bộ và khả năng cân đối nguồn tài chính, Trường thực hiện chi trả tiền lương cho cán bộ quản lý, giảng viên, nghiên cứu viên và nhân viên cơ hữu người Việt Nam thêm một lần trên cơ sở tiền lương ngạch bậc, chức vụ do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Trường chi trả tiền công theo thỏa thuận đối với các vị trí quản lý, phụ trách đơn vị khi Trường có nhu cầu và khi cán bộ cơ hữu của Trường chưa đủ khả năng đáp ứng.
Khoản chi trả tiền lương, tiền công này được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu có) của Trường.
- Đối với giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên gia mang quốc tịch nước ngoài:
Trên cơ sở Hiệp định được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ CH Pháp, thỏa thuận của Trường với các đối tác, Trường thực hiện chi trả tiền lương, tiền công theo hợp đồng ký kết với giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên gia mang quốc tịch nước ngoài căn cứ vào kết quả, chất lượng, khối lượng công việc thực hiện và đảm bảo tính hài hòa, cân đối về khối lượng công việc với giảng viên, nghiên cứu viên và chuyên gia người Việt Nam tại Trường, phù hợp với mức sống, điều kiện làm việc ở môi trường Việt Nam.
Hiệu trưởng Trường có trách nhiệm xác định tiêu chuẩn, tiêu chí lựa chọn giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên gia mang quốc tịch nước ngoài sang làm việc tại Trường, phù hợp với nhu cầu của Trường vào từng thời điểm; trực tiếp quản lý, giám sát và chịu trách nhiệm về kết quả làm việc của giảng viên, nghiên cứu viên và chuyên gia nước ngoài.
Giảng viên, nghiên cứu viên và chuyên gia nước ngoài làm việc tại Trường có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam. Các chuyên gia nước ngoài làm việc tại Trường trong khuôn khổ các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài được hưởng các ưu đãi, miễn trừ theo quy định của pháp luật.
Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội là trường đại học công lập quốc tế được thành lập theo Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp ký ngày 12.11.2009 và Quyết định số 2067/QĐ-TTg ngày 9.12.2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Trường được xây dựng theo mô hình đại học công lập xuất sắc, do Chính phủ Việt Nam đầu tư với sự hỗ trợ của Chính phủ Pháp, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Liên minh hơn 40 trường đại học cùng các viện nghiên cứu hàng đầu của Pháp vì sự phát triển của USTH