Mỹ lên kế hoạch trừng phạt người Nga vì vụ Alexei Navalny bị đầu độc
Quốc tế - Ngày đăng : 10:00, 02/03/2021
Các nguồn tin từ chối xác định các mục tiêu hoặc các cơ quan pháp lý mà Mỹ sẽ sử dụng để trừng phạt phía Nga vì gây ra vụ thủ lĩnh phe chống Tổng thống Putin - Alexei Navalny (44 tuổi) được cho là bị đầu độc.
Alexei Navalny ngã bệnh trên một chuyến bay ở Siberia (Nga) vào tháng 8.2020 và được đưa lên máy bay tới Thủ đô Berlin (Đức), nơi các bác sĩ kết luận Navalny đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh.
Các nguồn tin cho biết Mỹ dự kiến sẽ hành động theo hai lệnh hành pháp: 13661 (được ban hành sau khi Nga sát nhập Crimea nhưng cung cấp quyền hạn rộng rãi để nhắm mục tiêu vào các quan chức Nga) và 13382 (được ban hành vào năm 2005 để chống lại phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt).
Cả hai lệnh đều cho phép Mỹ đóng băng tài sản nước này của những đối tượng được nhắm mục tiêu và ngăn cấm hiệu quả các công ty, cá nhân Mỹ giao dịch với họ.
Các nguồn tin cho biết chính quyền Biden cũng có kế hoạch hành động theo Đạo luật Loại bỏ Vũ khí Hóa học, Sinh học và Chiến tranh của Mỹ năm 1991. Đạo luật này cung cấp một loạt các biện pháp trừng phạt.
Các nguồn tin cho biết một số cá nhân sẽ là mục tiêu trong các lệnh trừng phạt sẽ được công bố sớm nhất là vào 2.3, nhưng từ chối nêu tên họ hoặc cho biết những biện pháp trừng phạt khác có thể được áp dụng.
Thế nhưng, nguồn tin nói thêm rằng Mỹ sẽ duy trì các miễn trừ cho phép viện trợ nước ngoài và một số giấy phép xuất khẩu nhất định cho Nga.
Một nguồn tin thứ ba cho biết hành động của Mỹ có thể được phối hợp với các lệnh trừng phạt mà Liên minh châu Âu (EU) có thể áp dụng ngay sau ngày 2.3.
Các bộ trưởng ngoại giao EU vào ngày 22.2 đã đồng ý áp đặt các biện pháp trừng phạt với 4 quan chức cấp cao của Nga thân cận với Tổng thống Vladimir Putin trong một phản ứng chủ yếu mang tính biểu tượng với việc bắt giam Navalny. EU dự kiến sẽ chính thức phê duyệt những điều này vào đầu tháng 3.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã không trả lời ngay lập tức về khả năng trừng phạt Nga.
Trước đó, cựu Tổng thống Donald Trump đã không làm gì để trừng phạt Nga. Các chuyên gia nhân quyền hàng đầu của Liên Hợp Quốc hôm 1.3 cho biết Nga bị quy trách nhiệm vụ Navalny bị đầu độc
Nhiều nước phương Tây cho rằng Navalny đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh, nhưng Điện Kremlin phủ nhận bất kỳ vai trò nào trong bệnh tình của lãnh đạo phe đối lập và nói không thấy bằng chứng nào cho thấy ông bị đầu độc.
Sau khi điều trị ở Đức, Navalny trở về Nga nhưng bị bắt hôm 2.2 khi vừa xuống sân bay và sau đó bị kết án hơn 2 năm rưỡi tù giam vì vi phạm quy định khi chịu án tù treo.
Tháng trước, Tổng thống Joe Biden đã gọi việc bắt giam Navalny là "động cơ chính trị" và kêu gọi trả tự do cho anh ta. Ông Biden đã cam kết một cách tiếp cận mới và cứng rắn với Nga, nói rằng Mỹ sẽ không còn 'lăn xả' khi đối mặt với hành động gây hấn của Nga.
Mỹ và Nga bất đồng về một loạt vấn đề liên quan đến Navalny, chẳng hạn như tham vọng quân sự của Nga ở Ukraine và Gruzia, cũng như một cuộc tấn công mạng vào các cơ quan Chính phủ Mỹ năm ngoái mà Washington đổ lỗi cho Nga.
Theo Reuters, hôm 20.2, tòa án phúc thẩm Nga đã bác đơn kháng cáo của Alexei Navalny trong phiên xét xử .
Trừ đi thời gian Navalny bị quản thúc tại gia trong quá trình điều tra vụ án cách đây 7 năm, mức án tại phiên xét xử lần trước có nghĩa là Navalny sẽ phải ngồi tù 2 năm 8 tháng. Thẩm phán đã giảm 6 tuần khỏi bản án này và với quyết định mới nhất, Navalny sẽ phải ngồi tù 2 năm 6 tháng rưỡi.
Theo hãng thông tấn TASS, Navalny sẽ thụ án tại một nhà tù có mức độ an ninh trung bình.
Năm 2014, Navalny bị tòa tuyên phạt mức án 3,5 năm tù treo cùng 5 năm bị quản chế do dính líu đến hành vi tham ô, gian lận thương mại. Navalny thời gian qua có nghĩa vụ xuất hiện tại văn phòng cơ quan thi hành án hai lần mỗi tháng theo lịch mà cơ quan này yêu cầu. Tuy nhiên, Navalny đã 6 lần không ra trình diện đúng hạn trong năm 2020 vào tháng 1, 2, 3, 6 và 8. Cơ quan thi hành án Nga đã đệ đơn tới tòa và đề nghị chuyển án phạt tù treo của Navalny thành tù giam.
Navalny bị buộc tội vi phạm các điều khoản của bản án treo năm 2014, buộc ông phải báo cáo thường xuyên cho cảnh sát Nga.
Trước tòa, trong bài phát biểu đề cập đến cả Kinh thánh và loạt phim Harry Potter, Navalny cho rằng cáo buộc là "vô lý" vì ông không thể báo cảnh sát khi đang hồi phục sau vụ tấn công bằng chất độc thần kinh.
“Cả thế giới đều biết tôi ở đâu. Sau khi bình phục, tôi mua vé máy bay và về nhà”, Navalny nói. Thẩm phán đã bác bỏ điều này nhưng đã giảm 6 tuần cho Navalny trong bản án 2 năm 8 tháng tù được áp dụng.
Khi được dẫn vào tòa, Navalny đã giơ tay làm dấu hiệu chữ V (biểu tượng chiến thắng). Song khi phán quyết xảy ra, Navalny không còn lý do để vui mừng.
"Họ giảm án được 6 tháng. Tuyệt!", Nalvany nói một cách mỉa mai sau lồng kính phòng xử án.