EU ra luật yêu cầu công nghệ mới phải có tuổi thọ ít nhất 10 năm

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 07:42, 03/03/2021

Các thiết bị mới cũng sẽ phải đi kèm với sách hướng dẫn sửa chữa và phải được chế tạo theo cách mà con người có thể tháo dỡ chúng bằng các công cụ thông thường
service-428539_1920.jpg

Các công ty bán đồ điện tử tiêu dùng như tủ lạnh, máy giặt, máy sấy tóc, tivi... ở các nước Liên minh Châu Âu và Anh cần đảm bảo những máy móc đó có thể được sửa chữa trong thời gian tối đa lên đến 10 năm. 

Sự thay đổi này là kết quả của việc hành pháp từ Nghị viện Châu Âu, gần đây đã bỏ phiếu ủng hộ việc thiết lập các quy tắc “quyền sửa chữa”. Những quy tắc này sẽ giúp giảm tải lãng phí điện vốn ngày càng tăng do nhu cầu sản xuất nhiều hơn. 

Trong khi nước Anh đã rời khỏi EU, các tiêu chuẩn sản xuất của Anh nhất thiết sẽ phải đồng bộ với các tiêu chuẩn của khối 27 quốc gia EU, để các hoạt động thương mại được tiếp tục. Luật này có hiệu lực từ ngày 2.3.
Ông Daniel Affelt thuộc nhóm bảo vệ môi trường BUND-Berlin, điều hành một số "quán cà phê sửa chữa", nơi mọi người có thể mang các thiết bị hỏng của họ đến và được giúp sửa chữa lại nói rằng "đây là một bước đi thực sự lớn và đúng hướng". Theo ông, các thiết bị hiện đại thường được dán chặt hoặc dùng đinh tán gắn vào nhau, "nếu bạn không có công cụ chuyên dụng hoặc phải phá vỡ thiết bị, thì bạn không thể sửa chữa nó". 

Các nhà vận động cho biết thiếu phụ tùng thay thế cũng là một vấn đề. Đôi khi một chiếc răng bị gãy trên một chiếc xích nhựa nhỏ xíu cũng có thể làm hỏng máy móc. “Mọi người muốn sửa chữa các thiết bị của họ”, Affelt nói, "Khi bạn nói với họ rằng không có phụ tùng thay thế cho một thiết bị chỉ mới vài năm tuổi thì rõ ràng họ rất thất vọng". 

Các thiết bị mới cũng sẽ phải đi kèm với sách hướng dẫn sửa chữa và phải được làm theo cách có thể tháo dỡ chúng bằng những công cụ thông thường khi thực sự không thể sửa được nữa, để cải thiện vấn đề tái chế. 

Ước tính mỗi năm một người châu Âu thải ra hơn 16kg chất thải điện. Khoảng một nửa số rác đó là các thiết bị gia dụng bị hỏng và EU chỉ tái chế khoảng 40% trong số ấy, để lại một số lượng lớn vật liệu nguy hiểm tiềm ẩn. 
Bộ trưởng Môi trường Đức Svenja Schulze cho biết, trong bước tiếp theo, các nhà sản xuất phải nêu rõ sản phẩm dự kiến ​​sẽ hoạt động trong bao lâu và sửa chữa chúng nếu sản phẩm bị hỏng sớm hơn thời hạn đặt ra. Điều này sẽ khuyến khích các công ty chế tạo các sản phẩm bền hơn. 

Bước tiếp theo, các nhà bảo vệ môi trường và các nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng muốn "quyền sửa chữa" được mở rộng ra đến những sản phẩm điện thoại thông minh, máy tính xách tay và các thiết bị điện nhỏ khác. 

Đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, Apple năm ngoái đã tuyên bố sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ đào tạo và cung cấp phụ tùng thay thế cho các cửa hàng sửa chữa độc lập được chứng nhận nhằm sửa chữa máy tính Mac, không chỉ iPhone. 

Các dự luật về quyền sửa chữa đã được đưa ra tại một số cơ quan lập pháp các bang ở Mỹ, thu hút sự ủng hộ của lưỡng đảng, mặc dù vẫn chưa có biện pháp toàn quốc nào có hiệu lực. 

Thụy Điển đã tiến xa hơn hầu hết các nước EU, họ giúp cho việc sửa chữa và phụ tùng phải chịu thuế giá trị gia tăng thấp hơn. 

Chỉ thị thiết kế sinh thái của EU - trong đó yêu cầu "Quyền sửa chữa" là một phần - cũng sẽ sửa đổi các nhãn năng lượng hiện có mô tả mức độ tiêu thụ điện của máy giặt và các thiết bị gia dụng khác. Thang đo bảy bước mới từ A đến G sẽ đi kèm với mã QR nhằm cung cấp cho người tiêu dùng thông tin thêm, chẳng hạn như âm lượng của các thiết bị. 

Luật "Quyền sửa chữa" cũng được ủng hộ xuyên suốt Đại Tây Dương. Năm 2019, California trở thành bang thứ 18 đề xuất luật tương tự nhằm giúp các công ty như Apple dễ dàng sửa chữa hơn cho người dùng nếu sản phẩm gặp sự cố.

Hoàng Phương