Sử dụng hệ thống CNTT, quét QR Code đi đôi với chiến lược phòng chống dịch bệnh tổng thể
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 13:17, 03/03/2021
Theo đại diện Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT), có 3 bước mấu chốt quan trọng của chiến dịch phòng chống dịch. Trước hết là cần làm chặt việc xét nghiệm COVID-19 với những người có triệu chứng đến các cơ sở y tế, các cơ sở y tế báo cáo hằng ngày, sử dụng hệ thống CNTT để theo dõi, giám sát. Bên cạnh đó là giám sát việc ra vào của người dân, bằng cách quét QR Code bắt buộc tại các địa điểm công cộng.
Một bước quan trọng nữa phải kể đến chính là truy vết người nhiễm, nghi nhiễm dịch bệnh theo phương pháp kết hợp truyền thống và ứng dụng Bluezone.
Cụ thể, khi phát hiện ra ca nhiễm, dùng cách truyền thống để khoanh vùng những người gần nhất (gia đình, bạn bè) mà trường hợp F0 có thể nhớ được ngay; sau đó truy vết bằng lịch sử tiếp xúc từ Bluezone của F0 và những người đã bị khoanh vùng. Với cách này, danh sách các trường hợp thuộc diện phải cách ly sẽ ít hơn rất nhiều so với chỉ thực hiện truy vết theo cách truyền thống.
“Sắp tới, Bộ TT-TT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tại Hải Dương để triển khai ngay chiến dịch này. Cùng với đó, Bộ cũng sẽ nghiên cứu khả năng nhân rộng để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch và tăng cường năng lực ứng phó của các địa phương đối với các nguy cơ bùng phát dịch trở lại”, đại diện Cục Tin học hóa cho hay.
Theo nhóm phát triển Bluezone của Bkav, hiện có hơn 30 triệu người dùng Bluezone đã có thể khai báo y tế trực tuyến ngay trên ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone. Sau khi kê khai, thông tin dữ liệu sẽ được hệ thống cập nhật về các trung tâm chống dịch và cơ quan y tế của Việt Nam để được quản lý một cách nhanh chóng và chính xác nhất. Để khai báo y tế, người dùng chỉ cần vào ứng dụng, bấm tab khai báo y tế và cung cấp các thông tin dịch tễ.
Trước đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 đã thống nhất đề nghị Chính phủ quy định bắt buộc khai báo y tế toàn dân; yêu cầu, tất cả những người đi qua vùng dịch và đi từ vùng dịch về phải khai báo y tế.
Bên cạnh việc khai báo y tế, Bluezone cũng được bổ sung thêm các tính năng như gửi phản ánh, người dân có thể thông qua đó phản ánh thông tin đến cơ quan chức năng về các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Trong thời gian tới, Bluezone sẽ hoàn thiện tính năng check mã QR để người dân có thể check-in, check-out tại các địa điểm công cộng và giám sát tiêm chủng.
Theo thống kê, kể từ ngày 27.1 cho đến nay, số lượt cài đặt ứng dụng Bluezone của cả nước đã liên tục tăng nhanh; đến chiều 28.2 tổng số lượt tải ứng dụng Bluezone đã đạt trên 29,9 triệu lượt, tăng 6,2 triệu lượt so với thời điểm cuối tháng 12.2020.
Bluezone là ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần người nhiễm, nghi nhiễm COVID-19 do các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển, đã được Bộ Y tế và Bộ TT-TT cho ra mắt từ ngày 18.4.2020 nhằm góp phần bảo vệ cộng đồng trước đại dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Đại diện Cục Tin học hóa cũng nhấn mạnh thông qua việc giám sát lịch sử tiếp xúc gần người nhiễm, nghi nhiễm dịch bệnh bằng ứng dụng Bluezone không những sẽ giúp xã hội duy trì hoạt động mà từ đó còn hình thành khả năng miễn dịch số cho xã hội, giảm thiểu tình huống phải cách ly cả tòa nhà, trường học, bệnh viện... khi phát hiện trường hợp nhiễm, nghi nhiễm dịch.