Samsung chuẩn bị xây nhà máy chip 17 tỉ USD ở Mỹ sau nhà vô địch thế giới từ Đài Loan

Thế giới số - Ngày đăng : 21:07, 03/03/2021

Bên cạnh thành phố Austin ở bang Texas, Samsung Electronics đang xem xét hai địa điểm ở bang Arizona và một địa điểm khác ở New York để xây nhà máy sản xuất chip mới trị giá 17 tỉ USD, theo các tài liệu nộp cho các quan chức bang Texas.

Khoảng 5,1 tỉ USD được chi cho xây dựng các tòa nhà và cải tạo bất động sản, 9,9 tỉ USD còn lại sẽ được dùng để đầu tư máy móc, trang thiết bị.

Theo Reuters, các tài liệu ngày 26.2 cũng ước tính việc giảm thuế liên quan đến nhà máy khoảng 1,48 tỉ USD trong vòng 20 năm từ quận Travis ở bang Texas và thành phố Austin.

Samsung đang đàm phán với các địa điểm tại Arizona và New York, với mỗi nơi cung cấp giảm thuế tài sản và các khoản trợ cấp đáng kể hoặc các khoản tín dụng thuế được hoàn lại để tài trợ cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng.

Nhà máy mới mà Samsung dự kiến ​​xây dựng sẽ sản xuất “các thiết bị logic tiên tiến” cho hoạt động kinh doanh hợp đồng sản xuất chip và có thể tạo ra 1.800 việc làm trong 10 năm, theo các tài liệu trước đó được nộp cho các quan chức bang Texas.

Samsung đã có một nhà máy sản xuất chip ở thành phố Austin. Đây là nhà máy do ảnh hưởng của cơn bão tuyết mùa đông gây ra vào tháng trước phải ngừng hoạt động và dự kiến ​​sẽ cần một vài tuần để tiếp tục sản xuất.

Các khách hàng Mỹ của Samsung cho hoạt động kinh doanh chip sản xuất theo hợp đồng gồm Tesla, Qualcomm và Nvidia.

Một phát ngôn viên của công ty Hàn Quốc nói với Reuters hôm thứ Tư rằng Samsung đang xem xét một số khả năng về việc mở rộng.

"Vì mối quan hệ bền chặt với cộng đồng địa phương và 25 năm sản xuất thành công tại Texas, Samsung Austin Semiconductor muốn tiếp tục đầu tư vào bang này", tài liệu của Samsung cho biết.

sau-nha-vo-dich-the-gioi-tu-dai-loan-samsung-chuan-bi-xay-nha-may-san-xuat-chip-o-my.jpg
Samsung đang chọn địa điểm ở Mỹ để xây nhà máy sản xuất chip 17 tỉ USD

Gần đây, chính quyền Joe Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các công nghệ tiên tiến, bao gồm công nghệ bán dẫn, ô tô điện tự lái, trí tuệ nhân tạo và kết nối mạng thế hệ tiếp theo.

Hôm 24.2, Tổng thống Biden ký một lệnh hành pháp để đẩy nhanh nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng cho chip và các sản phẩm quan trọng chiến lược khác mà ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc, với sự hợp tác của Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Lệnh sẽ chỉ đạo phát triển một chiến lược chuỗi cung ứng quốc gia, dự kiến ​​sẽ đưa ra các khuyến nghị cho các mạng lưới cung ứng ít bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn như thảm họa và các lệnh trừng phạt của các quốc gia không thân thiện. Các biện pháp sẽ tập trung vào chất bán dẫn, pin ô tô điện, đất hiếm và các sản phẩm y tế, theo trang Nikkei.

Lệnh nêu rõ rằng "làm việc với các đồng minh có thể dẫn đến chuỗi cung ứng bền vững và mạnh mẽ", cho thấy rằng các mối quan hệ quốc tế sẽ là trọng tâm của kế hoạch này.

Mỹ dự kiến ​​sẽ theo đuổi quan hệ đối tác với Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip cùng các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Úc, về đất hiếm.

Mỹ có kế hoạch chia sẻ thông tin với các đồng minh trên mạng lưới cung cấp các sản phẩm quan trọng và sẽ tìm cách thúc đẩy sản xuất bổ sung. Mỹ sẽ xem xét một khuôn khổ để chia sẻ nhanh chóng các mặt hàng này trong trường hợp khẩn cấp, cũng như thảo luận về việc đảm bảo kho dự trữ và năng lực sản xuất dự phòng. Các đối tác có thể được yêu cầu làm ăn ít hơn với Trung Quốc.

Vấn đề này càng trở nên cấp thiết hơn với sự thiếu hụt chip trong năm nay đã ảnh hưởng đặc biệt đến các nhà sản xuất ô tô.

Mỹ đã bắt đầu đặt nền móng từ mùa thu năm ngoái, kêu gọi các nền kinh tế giàu công nghệ hoặc tài nguyên có giá trị như Đài Loan, Nhật Bản và Úc, tham gia vào việc tháo gỡ chuỗi cung ứng từ Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Kinh đang âm ỉ.

Đài Loan đã phản ứng đặc biệt nhanh chóng. Các quan chức cấp cao của Mỹ và Đài Loan đã ký một biên bản ghi nhớ vào tháng 11.2020 để thúc đẩy hợp tác công nghệ trong 7 lĩnh vực, trong đó có chất bán dẫn và mạng không dây thế hệ thứ năm, cũng như "chuỗi cung ứng an toàn, bảo mật và đáng tin cậy".

Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC), nhà máy sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới ở Đài Loan, đã đồng ý xây dựng một nhà máy ở bang Arizona (Mỹ) vào mùa xuân năm ngoái, nơi có khả năng trở thành biểu tượng của mối quan hệ song phương này.

TSMC sẽ đầu tư 12 tỉ USD vào nhà máy, nơi sẽ sản xuất chất bán dẫn cho quân đội và dự kiến ​​đưa vào hoạt động vào năm 2024. Chính phủ Mỹ đang trợ cấp cho dự án này.

Nhân Hoàng