Tàu Starship SN10 của SpaceX phát nổ sau khi hạ cánh thành công

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 08:40, 04/03/2021

Tàu vũ trụ Starship SN10 đã hạ cánh thành công sau chuyến bay thử nghiệm ở độ cao lớn vào ngày 3.3. Tuy nhiên, con tàu đã phát nổ sau khi hạ cánh khoảng 8 phút.

Video chuyến bay thử nghiệm của tàu Starship SN10 - Nguồn: SpaceX

Tàu vũ trụ Starship SN10 cất cánh vào lúc 18 giờ 15 phút ngày 3.3 (giờ địa phương) từ cơ sở của SpaceX ở gần làng Boca Chica, phía nam Texas. Vụ phóng diễn ra muộn hơn một chút so với kế hoạch. Starship SN10 ban đầu dự kiến được phóng lúc 15 giờ 14 phút nhưng bị hủy bỏ sau khi hệ thống con tàu phát hiện điều bất thường khi đánh lửa động cơ. 

Con tàu đã đạt độ cao hơn 10 km, thực hiện một số thao tác phức tạp trên không và hạ cánh an toàn sau 6 phút 20 giây sau khi cất cánh. Tuy nhiên, Starship SN10 đã bất ngờ phát nổ trên bệ hạ cánh vào lúc 18 giờ 30 phút.

Đây là chuyến bay thử nghiệm độ cao lớn thứ ba của nguyên mẫu Starship nhưng là chuyến bay đầu tiên hạ cánh thành công. Hai phiên bản trước là SN8 và SN9, đã bay rất tốt trong các cuộc thử nghiệm lần lượt vào ngày 9.12.2020 và 2.2.2021, nhưng cả hai đều tiếp đất quá nhanh nên phát nổ và biến thành cầu lửa lớn.

Video SN10 hạ cánh thành công và bất ngờ phát nổ - Nguồn: Space.com

SpaceX đang hướng tới việc ra mắt tàu vũ trụ Starship cuối cùng thông qua một loạt các nguyên mẫu ngày càng phức tạp. Những phiên bản Starship trước đó là Starhopper, SN5 và SN6 đã bay đến độ cao 150 m. Cả 3 con tàu đều khá đơn giản với hình dáng giống kho chứa ngũ cốc và chỉ trang bị một động cơ Raptor thế hệ mới của SpaceX.

Trong khi đó, các nguyên mẫu SN8, SN9 và SN10 đều sử dụng 3 động cơ Raptor, có chóp mũi và cánh tà dọc thân để điều hướng, kiểm soát khí động học nên bay cao hơn nhiều. Starship SN8 từng đạt đến độ cao 12,5 km trong chuyến bay thử nghiệm trước đó.

dong-co.jpg
Các nguyên mẫu SN8, SN9 và SN10 đều sử dụng 3 động cơ Raptor, có chóp mũi và cánh tà dọc thân để điều hướng

SpaceX đang phát triển tàu Starship để chở người và hàng hóa lên Mặt trăng, sao Hỏa và các điểm đến khác trong không gian. Hệ thống vận chuyển bao gồm 2 bộ phận được thiết kế để có thể tái sử dụng hoàn toàn. Đó là tàu vũ trụ bằng thép không gỉ cao 50 mét được gọi là Starship và tên lửa khổng lồ Super Heavy.

Mẫu tàu Starship cuối cùng sẽ có 6 động cơ Raptor và đủ mạnh để phóng lên Mặt trăng và sao Hỏa. Tuy nhiên, con tàu sẽ cần tên lửa đẩy Super Heavy để thoát khỏi lực hấp dẫn của Trái đất. Super Heavy được lắp 30 động cơ Raptor sẽ hạ cánh xuống Trái đất ngay sau khi phóng Starship lên quỹ đạo. Theo thiết kế, tàu Starship có thể chở 100 người vào không gian cùng lúc với khoang điều áp có thể tích khoảng 1.000 m3.

sn81.jpg
SpaceX đang phát triển tàu Starship để chở người và hàng hóa lên Mặt trăng, sao Hỏa và các điểm đến khác trong không gian

Theo SpaceX, Starship sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ ở nhiều điểm đến khác nhau nếu tất cả diễn ra theo đúng kế hoạch. Công ty này cũng có kế hoạch loại bỏ dần các phần cứng không gian vũ trụ khác theo thời gian và giao tất cả các nhiệm vụ cho Starship và Super Heavy.

Tỉ phú người Nhật Yusaku Maezawa đã đặt lịch bay quanh Mặt trăng bằng tàu Starship vào năm 2023. Starship cũng là ứng cử viên cho chương trình Artemis nhằm đưa phi hành gia NASA trở lại Mặt trăng vào năm 2024 và thiết lập sự hiện diện thường xuyên của con người trên vệ tinh tự nhiên này.

SpaceX đang cố gắng đáp ứng khung thời gian trên bằng cách phát triển nhanh các nguyên mẫu và bay thử thường xuyên tại cơ sở ở nam Texas.

Long Hải