Mỹ kêu gọi các nước lên án hành động bạo lực của quân đội Myanmar sau vụ ‘biểu tình đẫm máu’

Quốc tế - Ngày đăng : 13:18, 04/03/2021

Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ sự kinh hoàng sau ngày biểu tình đẫm máu ở Myanmar và đang cân nhắc mở rộng biện pháp trừng phạt các lãnh đạo quân sự của nước này.

"Washington kinh hoàng và chấn động khi chứng kiến cảnh bạo lực khủng khiếp đối với người dân Myanmar chỉ vì họ đứng lên kêu gọi hòa bình nhằm khôi phục chính quyền dân sự", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price phát biểu tại cuộc họp báo hôm 3.3.

Theo ông Price, Mỹ đang đề nghị "tất cả các nước cùng lên án hành động bạo lực" của quân đội Myanmar đối với người dân đồng thời "truy cứu trách nhiệm của quân đội về những hành động dẫn đến thiệt hại tính mạng rất nhiều người” ở quốc gia Đông Nam Á này.

etplxpnxuacvbix.jpg
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price - Ảnh: AP

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ cũng cho biết Washington đang xem xét mở rộng biện pháp trừng phạt lãnh đạo quân sự Myanmar và sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác quan trọng để hướng tới mục tiêu tìm cách khôi phục chính phủ dân cử.

“Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho một nhà báo của hãng thông tấn AP (Mỹ) cùng 5 phóng viên khác, những người đã bị bắt với cáo buộc tội vi phạm luật trật tự công cộng. Washington vô cùng lo ngại khi các vụ tấn công và bắt giữ các nhà báo, phóng viên ngày càng tăng", ông Price nói.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra sau khi làn sóng biểu tình ở Myanmar đã trải qua "ngày đẫm máu" nhất vào hôm 3.3 khi 38 người biểu tình bị lực lượng an ninh bắn chết. Đến nay, ước tính khoảng 50 người biểu tình đã thiệt mạng kể từ sau cuộc đảo chính. Liên Hợp Quốc cho biết có hơn 1.200 người đã bị bắt và tung tích nhiều người trong số họ đến nay vẫn là bí ẩn.

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener gọi 3.3 là "ngày đẫm máu nhất". Burgener cho biết bà đã cảnh báo với Phó tổng tư lệnh Myanmar Soe Win rằng quân đội có khả năng phải đối mặt với các biện pháp mạnh từ một số quốc gia, đồng thời bị cô lập.

"Họ đã trả lời rằng đã quen với các lệnh trừng phạt, và sẽ vẫn vượt qua. Khi tôi cảnh báo rằng họ (chính quyền quân sự) sẽ bị cô lập, họ lại phản hồi rằng họ phải học cách bước tiếp chỉ với vài người bạn”, bà Burgener nói với phóng viên.

799333.jpg
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener - Ảnh: LHQ

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ họp kín để thảo luận tình hình Myanmar trong ngày 5.3. Trong khi đó, đại diện Liên minh châu Âu (EU) cho rằng vụ xả súng vào dân thường không mang vũ khí là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, cáo buộc quân đội Myanmar đẩy mạnh "đàn áp" truyền thông khi ngày càng nhiều nhà báo bị bắt giữ, bị khống chế và buộc tội.

Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 hành viên đã bày tỏ lo ngại vì tình trạng khẩn cấp tại Myanmar nhưng không lên án cuộc đảo chính hồi tháng trước do sự phản đối của Nga và Trung Quốc, những bên coi diễn biến này là vấn đề nội bộ của Myanmar.

Người Myanmar tiếp tục biểu tình sau “ngày đẫm máu”

Dù nhiều người thiệt mạng trong các cuộc trấn áp của quân đội, các nhà hoạt động Myanmar vẫn tuyên bố họ sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc biểu tình.

my-1614790443110.jpg
Người biểu tình nằm sát xuống đất sau khi cảnh sát xả súng vào giải tán đám đông tại thành phố Mandalay, Myanmar ngày 3.3 - Reuters

"Dẫu biết có thể bị bắn chết bằng đạn thật, nhưng cũng chẳng có lý do gì nếu sống sót dưới một chính quyền bị quân đội kiểm soát, vậy nên chúng tôi chọn con đường nguy hiểm này để giải thoát. Chúng tôi sẽ đứng lên chiến đấu bằng mọi giá. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là xóa bỏ chế độ này", nhà hoạt động Maung Saungkha nói với Reuters hôm 4.3.

Người đàn ông trên nói thêm rằng Ủy ban Tổng đình công Các dân tộc đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc biểu tình cùng ngày nhưng không cho biết cụ thể. Trong khi đó các bài đăng trên mạng xã hội từ những người biểu tình khác cũng cho biết ít nhất 2 cuộc biểu tình cũng được lên kế hoạch tại các khu vực ở thành phố Yangon, cố đô của Myanmar trong hôm nay.

skynews-myanmar-protest-coup_5291095.jpg
Người biểu tình Myanmar đụng độ lực lượng an ninh hôm 3.3 - Ảnh: Reuters

Quyền đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc bất ngờ từ chức

Hãng thông tấn AP (Mỹ) dẫn các nguồn thạo tin cho biết, quyền đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Tin Maung Naing hôm 3.3 đã thông báo trên tài khoản Facebook cá nhân về quyết định từ chức, song không nêu rõ lý do.

Trong thông báo, ông Naing khẳng định trước giờ vẫn là một công chức tận tụy phụng sự đất nước mà ông yêu mến suốt 30 năm qua, nhưng do những tình huống không thể tránh khỏi nên ông buộc phải từ chức. Phái đoàn của Myanmar tại Liên Hợp Quốc cũng như đại diện của Liên Hợp Quốc hiện chưa phản hồi trước yêu cầu bình luận trước diễn biến trên.

myanmar-01-1614831689667.jpg
Phó đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Tin Maung Naing - Ảnh: Bộ Ngoại giao Myanmar

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều tranh cãi về việc ai mới thực sự là người đại diện cho Myanmar tại Liên Hợp Quốc sau cuộc đảo chính ngày 1.2. Ông Naing là cấp phó của đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun, nhưng đã được Bộ Ngoại giao Myanmar - dưới sự chỉ đạo của chính quyền quân sự - bổ nhiệm làm đại sứ thay cho ông Kyaw Moe Tun vì bài phát biểu bị coi là "phản quốc" tại Liên Hợp Quốc.

Cụ thể, trong bài phát biểu tuần trước, ông Kyaw Moe Tun kêu gọi các nước hành động mạnh mẽ để chống lại chính quyền quân sự Myanmar, lên án cuộc đảo chính và kêu gọi khôi phục nền dân chủ cho Myanmar.

mon-ton.png
Ông Kyaw Moe Tun, người bị chính quyền quân sự Myanmar cách chức đại sứ vì bài phát biểu bị coi là "phản quốc" tại Liên Hợp Quốc - Ảnh: LHQ

Mặc dù bị chính quyền quân sự cách chức, ông Kyaw Moe Tun đã gửi một lá thư cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Volkan Bozkir và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 2.3, khẳng định ông vẫn là đại diện hợp pháp của Myanmar tại Liên Hợp Quốc, bất chấp quyết định của chính phủ quân đội.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield sau đó tuyên bố vẫn công nhận ông Kyaw Moe Tun, trong khi Liên Hợp Quốc khẳng định mọi thách thức nhằm vào vị trí của ông phải được giải quyết tại ủy ban chứng nhận của cơ quan này.

Myanmar hiện rơi vào khủng hoảng sau khi quân đội đảo chính hôm 1.2, bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng nhiều lãnh đạo chính quyền dân sự. Kể từ đó, hàng trăm nghìn người trên khắp Myanmar đã xuống đường biểu tình để phản đối đảo chính. Nhiều quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ, Anh, Canada và Liên minh châu Âu (EU), tuyên bố đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền quân sự Myanmar kể từ vụ đảo chính.

Hoàng Vũ