Bài cuối: Thủy lợi ĐBSCL, đừng cố kiểm soát mặn-ngọt khi người dân chưa đồng thuận
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 10:58, 02/10/2018
Bài 1: Băn khoăn từ dự án thủy lợi nghìn tỉ Cái Lớn - Cái Bé
Bài 2: Giới khoa học lo ngại dự án sẽ làm hàng triệu hộ dân miền Tây bị ảnh hưởng
Bài 3: Dự án cống ngăn mặn là trái với Nghị quyết 120 của Chính phủ?
Bài 4: Cần đánh giá khách quan tác động tiêu cực từ các dự án thủy lợi ở ĐBSCL
Bài học chưa xa
Hàng chục năm trước, chủ trương bao đê, kiểm soát mặn-ngọt ở vùng ĐBSCL đã được thực hiện. Khởi điểm là con đê biển từ Tiền Giang đến Cà Mau, vừa giữ rừng phòng hộ, vừa tận dụng kiểm soát mặn-ngọt khi cần.
Song song đó là dự án “Ngọt hóa bán đảo Cà Mau” được triển khai. Ngành nông nghiệp muốn rằng, khi nước mặn từ biển tràn vào, họ chỉ cần đóng cống là giữ được nước ngọt, ngăn nước mặn, để nông dân trồng lúa.
Nhưng khoảng năm 1994, nhiều người dân ở H.Đầm Dơi (Cà Mau) đã phá đập, dẫn nước mặn về vuông nuôi tôm. Họ thấy trồng lúa cứ è ạch mãi chẳng giàu, trong khi chỉ cần trúng một vụ tôm là đổi đời. Và nhiều người đồng lòng phá đập, dẫn nước mặn vào tràn đồng.
Con tôm đã giúp nhiều người vùng nước mặn làm giàu - Ảnh: Hàm Yên
Con tôm xuất khẩu được, nên thay vì thứ chẳng đáng giá như trước đây, giờ đã giúp họ làm giàu. Sau đó, thậm chí nhiều cán bộ, đảng viên phải nhận kỷ luật, vì cũng… tham gia phá đập, dẫn nước mặn về đất mình để nuôi tôm.
Sau Đầm Dơi, “phong trào” phá đập ngăn mặn dần lan ra các huyện khác vào năm 1995-1996, rồi lan đến tận Bạc Liêu. Đỉnh điểm là năm 1998, hàng trăm người dân đồng loạt đổ xô đến phá tan đập Láng Trâm ở Giá Rai, ngay khi các cống ngăn mặn của chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau bắt đầu vận hành, từ Sóc Trăng xuống.
Chính quyền địa phương ra sức ngăn chặn, sửa lại đập, thì người dân kéo đến… phá nữa, bởi cái nhìn giữa chính quyền địa phương và người dân khác nhau. Chính quyền địa phương cho rằng nước mặn khiến dân không thể trồng lúa được, là “kẻ thù”. Trong khi đó dân cho rằng chính quyền địa phương cản nước mặn là cản ước vọng làm giàu bằng con tôm của họ.
Khoảng năm 2006-2012, “phong trào” phá đập tạm lắng. Nguyên do là lúc đó dịch bệnh đốm trắng hoành hành, người nuôi tôm trắng tay, sổ đỏ phải thế chấp cho ngân hàng. Đến sau năm 2012, phong trào nuôi tôm mới rầm rộ trở lại, và người dân cẩn trọng hơn, nuôi 1 vụ tôm, 1 vụ lúa, tận dụng chính quy luật thiên nhiên- mùa bị xâm ngập mặn, mùa ngọt.
Kết quả là sau đó nhiều cống được mở suốt, nước mặn hay ngọt đều có thể đi qua. Và ngành nông nghiệp thất thủ, đành “co cụm” về, cố gắng ngăn mặn ở các cống trên quốc lộ 1A, buông lỏng các cống ven biển. Nhưng giờ, nhiều cống cũng nằm trơ, mở suốt…
Vẫn cố “đẻ ra” dự án ngăn mặn?
Và lần này, dự án thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé, được nhiều người ví là nỗ lực cuối cùng của ngành nông nghiệp trong việc kiểm soát mặn ngọt, sau khi dự án đê biển và ngọt hóa bán đảo Cà Mau thất bại. Đáng lẽ, phải suy nghĩ vì sao các dự án này thất bại, thì ngành nông nghiệp vẫn “co cụm” về định kiểm soát mặn ở Kiên Giang?
Nghêu cũng là loại đặc sản nước mặn - Ảnh: Hồ Hùng
“Bài toán sản xuất có hiệu quả, sinh kế và đời sống người dân ổn định, môi trường được bảo vệ trong đồng lũ nửa kín Tây Nam sông Hậu, trũng treo U Minh và trũng trung tâm bán đảo Cà Mau phải nằm trong dự án tái cơ cấu nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ và chủ trương liên kết vùng ở ĐBSCL. Không thể để dự án Cái Lớn-Cái Bé đi vào thực hiện, buộc tái cơ cấu nông nghiệp phải “đồng bộ hóa” với nó!”, GS-TS Nguyễn Ngọc Trân khẳng định.
Tức phải thay đổi tư duy, xem nước mặn là tài nguyên, quy hoạch vùng theo chính đặc thù thiên nhiên mà lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi. Đừng tự quy hoạch hệ thống thủy lợi rồi buộc dân phải chuyển đổi sản xuất theo. Bài học “phá đập” vẫn còn đó!
Việc xây cống Cái Lớn-Cái Bé trong lúc này là chưa cần thiết! Thích nghi mặn khu vực này nên làm bằng cách chọn giống chịu mặn + kỹ thuật canh tác + quản lý đồng ruộng phù hợp cho từng tiểu vùng sinh thái + hệ thống cảnh báo mặn sớm. Đừng bỏ hàng ngàn tỉ đồng cho dự án mà chưa ai dám đứng ra khẳng định hiệu quả và xin chịu trách nhiệm!
Hồ Hùng