Người lính Hàn Quốc đầu tiên chuyển giới qua đời kích ngòi nổ dư luận xứ Kim chi

Văn hóa - Ngày đăng : 14:21, 05/03/2021

Cái chết của Buyn Hee Soo đã dấy lên làn sóng đấu tranh cho người chuyển giới trước sự kỳ thị của xã hội và chính quyền Hàn Quốc bấy lâu nay.

Hãng thông tấn Yonhap cho biết Byun Hee Soo đã chết vào ngày 4.3 tại nhà riêng ở thành phố Cheongju, phía nam thủ đô Seoul.

Trước đó, một chuyên gia tư vấn tâm lý đã gọi điện tới cơ quan chức năng cho biết bà không liên lạc được với Byun từ hôm 28.2. Cảnh sát đang điều tra và chưa xác định được nguyên nhân tử vong.

Buyn Hee Soo năm nay 23 tuổi, nhập ngũ tự nguyện năm 2017 và đã phẫu thuật chuyển giới (từ nam thành nữ) ở Thái Lan năm 2019.

Cô trở thành người lính Hàn Quốc đầu tiên chuyển giới. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã xác định việc Byun loại bỏ bộ phận sinh dục nam là một yếu tố cho thấy khiếm khuyết về tinh thần và thể chất.

3109-1614831637189272827105.jpg
Trung sĩ chuyển giới Buyn Hee Soo - Ảnh: AFP 

Do vậy, cơ quan quốc phòng đã quyết định buộc Byun giải ngũ vào năm 2020. Hiện nay Hàn Quốc cấm người chuyển giới gia nhập quân đội, mà Byun là người lính đầu tiên phẫu thuật thay đổi giới tính khi còn tại ngũ.

Byun là một người luôn đấu tranh cho quyền lợi của người chuyển giới. Cô từng đưa ra một thách thức về mặt pháp lý mang tính bước ngoặt chống lại quân đội về việc bị trục xuất nêu trên. Tuy nhiên, đơn yêu cầu phục hồi chức vụ của cô đã bị từ chối vào tháng 7.

Trong một cuộc phỏng vấn trước đó, Byun cho biết cô muốn cho mọi người thấy rằng cô cũng có thể là một trong những người lính vĩ đại bảo vệ tổ quốc. “Tôi là một người lính của Hàn Quốc. Được phục vụ trong quân đội là ước mơ từ thời thơ ấu của tôi”.

“Không bàn về giới tính, tôi muốn chứng minh rằng tôi có thể là một người lính tuyệt vời để bảo vệ đất nước”, Buyn thổn thức nói. “Xin hãy cho tôi cơ hội”, Byun chia sẻ.

yonhap(1).jpeg
Cô bật khóc trong một cuộc phỏng vấn - Ảnh: AFP

Cái chết của Byun đã khơi lên những ý kiến trái chiều về việc đối xử với quân nhân và binh lính chuyển giới thuộc cộng đồng LGBT trong nước. “Toàn xã hội Hàn Quốc phải chịu trách nhiệm về cái chết của cô ấy (Buyn)”, một người viết trên nền tảng Daum, cổng thông tin lớn thứ 2 của Hàn Quốc.

Các nhóm nhân quyền quốc tế từng bày tỏ lo ngại về cách Hàn Quốc ứng xử với binh lính đồng tính. Những năm gần đây, quân đội Hàn Quốc vướng cáo buộc kỳ thị và tẩy chay người đồng tính. Họ thậm chí còn sử dụng ứng dụng hẹn hò để kiểm tra quân nhân đồng tính. Theo Tổ chức theo dõi nhân quyền, quân nhân có thể bị bắt và phạt tù cao nhất 2 năm nếu bị bắt gặp hành vi đồng tính trong quân ngũ.

“Chúng ta đã có thể cứu cô ấy (Buyn). Chúng ta đáng ra chỉ cần để cô ấy sống đúng với con người mình là được”, công tố viên Seo Ji Huyn của Hàn Quốc viết trên Facebook.

Nhiều nhà hoạt động xã hội đồng thời cảm ơn trung sĩ Buyn vì đã lên tiếng bảo vệ quyền của người chuyển giới trước sự kỳ thị của xã hội.

“Tôi thực sự xin lỗi vì chúng tôi đã thất bại trong việc bảo vệ cuộc sống mà bạn hằng mong muốn”, Jang Hye-young, một nhà lập pháp liên kết với đảng Công lý Hàn Quốc, viết trong một bài đăng trên Twitter.

Trước đó, vào tháng 12.2020, Ủy ban Nhân quyền quốc gia Hàn Quốc đã gọi quyết định buộc trung sĩ Buyn giải ngũ là không công bằng và khuyến nghị rằng họ nên phục hồi chức vụ cho cô.

Tại Hàn Quốc, do vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ Nho giáo nên con người nơi đây vẫn khá bảo thủ và đến nay họ vẫn dành cho cộng đồng giới tính thứ 3 cái nhìn vô cùng khắt khe. Hiện Hàn Quốc cũng không có luật chống phân biệt đối xử trong nước.

Chủ trương của chính phủ là không kỳ thị và kêu gọi mọi người chấp nhận sự đa dạng giới nhưng thực tế, cộng đồng LGBT ở xứ sở kim chi khẳng định họ không nhận được sự bảo vệ và tôn trọng nhất định trong cuộc sống hằng ngày.

Ở Hàn Quốc, người đồng tính bị gọi là dân thứ cấp. Chính vì vậy nên người dân nơi đây vốn bảo thủ nay lại càng không dám thể hiện chính mình, cứ thế mà giấu giếm giới tính thật để giữ các mối quan hệ xã hội và công việc.

Năm 2017, khảo sát của Ủy ban Nhân quyền quốc gia Hàn Quốc cho thấy có đến 92,6% người đồng tính cho biết họ cảm thấy lo sợ bị trở thành đối tượng bị xã hội ghét bỏ. Một khảo sát khác do Gallup thực hiện cùng năm cho ra kết quả 58% người Hàn phản đối hôn nhân đồng giới, 34% ý kiến ủng hộ và 8% bỏ phiếu trắng.

_99121625_p05p287k-1.jpg
Cuộc biểu tình chống hôn nhân đồng giới tại Hàn Quốc - Ảnh: Internet

Thậm chí việc kỳ thị người đồng tính còn cản trở cả việc kiểm soát COVID-19 tại Hàn Quốc. Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 ở khu phố Itaewon, những người đồng tính tại Hàn Quốc trở thành đối tượng bị đổ lỗi gây ra đợt bùng phát dịch bệnh mà nguyên nhân là vì tờ báo Kookmin Ilbo đã đăng thông tin một bệnh nhân được xác nhận nhiễm COVID-19 trong ổ dịch Itaewon đã tới 2 câu lạc bộ của cộng đồng LGBT. Nhanh chóng, người dân Hàn Quốc với tâm lý bảo thủ, kỳ thị người đồng tính đã lập tức đăng tải những bình luận phỉ báng, đổ lỗi cho cộng đồng này.

Trước tình trạng bị kỳ thị, nhiều người đồng tính Hàn Quốc đã gọi cho văn phòng của Nhóm vận động cho quyền của người đồng tính Chingusai và bày tỏ lo lắng vì có nguy cơ bị đuổi việc do có lui tới các hộp đêm ở Itaewon gần đây. Còn theo chính quyền thành phố Seoul, các nhà chức trách đã không thể tiếp cận hơn 3.000 người đã đến các hộp đêm ở Itaewon. Một phần nguyên nhân là vì họ muốn giấu mình khỏi sự kỳ thị.

2_1.jpg

Quan điểm về cộng đồng LGBT Hàn Quốc đã được cải thiện trong vài năm qua nhưng vẫn chưa thể xóa bỏ hoàn toàn những góc độ tiêu cực. Bằng chứng số lượng người tham dự buổi diễu hành của cộng đồng đồng tính mỗi năm lại càng gia tăng, dù ngay gần đó diễn ra cuộc biểu tình phản đối đồng tính. Không ít người chuyển giới thậm chí còn đến cùng bố mẹ cho thấy thế hệ lớn tuổi đang dần chấp nhận giới tính thứ 3.

_104469537_2ccbee44-c952-4352-a3c2-c2e82e1ef469.jpg

Trong ngành giải trí, một số ngôi sao đã có thể dũng cảm công khai mình là người LGBT. Nhưng với nhiều ngành nghề và công việc khác như chính trị gia, giám đốc doanh nghiệp, vẫn còn nhiều người không dám thừa nhận mình thuộc cộng đồng LGBT.

Đan Thuỳ