Đại dương bị đầu độc, một nửa số cá voi sát thủ sẽ chết

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 20:16, 28/09/2018

Một nửa số cá voi sát thủ sống trong môi trường tự nhiên sẽ chết vì đại dương bị đầu độc trong vài chục năm tới đây.
Cá voi sát thủ dễ tuyệt chủng vì đứng đầu chuỗi thức ăn tự nhiên - Ảnh: Metro

Polychlorinated biphenyls (PCBs) trước đây được sử dụng để chế tạo các linh kiện điện và nhựa là một trong những chất độc nhất đang làm ô nhiễm đại dương. Bất chấp việc chất này đã bị cấm sử dụng trong công nghiệp, tồn dư của nó trong đại dương trên toàn cầu vẫn rất lớn.

Theo nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học quốc tế thì với nồng độ của PCBs trong nước biển như hiện nay thì trong 30 đến 50 năm tới khoảng 50% cá voi sát thủ còn sống sẽ bị giết.

Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science, số lượng quần thể cá voi sát thủ hiện nay chỉ còn 10/19 quần thể được điều tra. Những nhóm cá voi được điều tra sống tại các khu vực đại dương bị ô nhiễm từ Anh, Brazil và Eo biển Gibraltar đặc biệt nguy cấp hơn khi hiếm có cá voi sát thủ mới nào được sinh ra trong những khu vực này.

Bất chấp lệnh cấm sử dụng PCBs trên toàn cầu 30 năm trước, "cá voi sát thủ là minh chứng cho sự rắc rối mà những hợp chất này mang lại", các tác giả nghiên cứu khẳng định.

Lý do chính khiến cá voi sát thủ biển chịu nhiều tác động bởi sự ô nhiễm nước biển là vì chúng đứng đầu trong chuỗi thức ăn. Độc chất ngấm vào người cá voi sát thủ khi chúng ăn hải cẩu hoặc các động vật khác.

Sau đó, một hàm lượng lớn PCBs vẫn tồn tại trong mô của chúng và cá voi sát thủ mẹ truyền lại độc chất này cho con của chúng thông qua sữa mẹ. Hiện một số cá voi sát thủ có nồng độ PCB cao tới 1.300 mg/kg, trong khi các nghiên cứu trước đây cho thấy chỉ cần 50mg là đủ để vô sinh và tổn thương nghiêm trọng hệ thống miễn dịch của động vật.

Thiên Hà (theo Metro)