Người biểu tình treo trang phục, đồ lót phụ nữ trên đường cản bước tiến cảnh sát, lính Myanmar
Quốc tế - Ngày đăng : 19:25, 06/03/2021
Trang phục truyền thống của người Myanmar (longyi) được treo trên dây, thậm chí đồ lót của phụ nữ cũng được sử dụng.
"Lý do tại sao chúng tôi treo longyi trên khắp các đường phố là chúng tôi có niềm tin truyền thống rằng nếu đi qua bên dưới một longyi thì có thể đánh mất vận may của mình. Thế hệ trẻ ngày nay không còn tin vào điều đó nữa nhưng những người lính vẫn còn và đó là điểm yếu của họ. Vì vậy, chúng tôi có thể có thêm thời gian để chạy nếu họ tiến về phía chúng tôi trong trường hợp khẩn cấp", một người biểu tình 20 tuổi nói nhưng từ chối nêu tên
vì sợ sự trả thù.
Các video trên mạng xã hội cho thấy cảnh sát dỡ bỏ dây treo quần áo phụ nữ trước khi vượt qua. Theo truyền thống Myanmar, việc đi bộ bên dưới những vật dụng dùng để che vùng kín của phụ nữ không chỉ là xui xẻo mà còn khiến đàn ông bực bội.
Reuters không thể liên lạc với cảnh sát để đưa ra bình luận.
Trong hơn 1 tháng qua, hàng trăm ngàn người đã biểu tình trên khắp Myanmar chống lại cuộc đảo chính quân sự ngày 1.2 và vụ bắt giữ nhà lãnh đạo được bầu là Aung San Suu Kyi cùng hàng trăm người khác. Gần 60 người biểu tình đã thiệt mạng bởi lực lượng an ninh.
Những dây treo quần áo không ngăn được cảnh sát sử dụng hơi cay, đạn cao su và lựu đạn gây choáng. Một số người biểu tình đã bị giết bởi đạn thật. Quân đội cho biết họ đã kiềm chế phản ứng lại các cuộc biểu tình.
Quân đội lật đổ chính quyền với cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 mà đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi giành chiến thắng. Ủy ban bầu cử Myanmar đã bác bỏ cáo buộc này.
Các thành viên NLD trước nguy cơ bị chính quyền quân sự buộc tội phản quốc
The Global New Light of Myanmar, tờ báo nhà nước đóng vai trò là cơ quan ngôn luận của chính phủ, đăng thông báo chính thức tuyên bố Ủy ban Đại diện cho Quốc hội Myanmar (Ủy ban Đại diện cho Nghị viện Liên minh - CRPH) là bất hợp pháp.
CRPH chủ yếu gồm các thành viên của NLD được bầu vào Quốc hội trong chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11.2020 và tự mô tả mình là "chính phủ lâm thời".
Đảng do bà Aung San Suu Kyi (người từng là nhà lãnh đạo trên thực tế từ năm 2016 với vị trí cố vấn nhà nước đặc biệt) đứng đầu đã thành lập CRPH nhưng bị bãi bỏ bởi Hội đồng Hành chính Nhà nước. Hội đồng Hành chính Nhà nước là tên chính thức của quân đội Myanmar nắm quyền sau cuộc đảo chính.
Lời cảnh báo rằng những người cố gắng hành động "giống như các tổ chức hành chính công" vi phạm Mục 122 của Bộ luật hình sự "về tội phản quốc, sẽ bị trừng phạt tử hình, chung thân hoặc 22 năm tù".
Trong động thái nhằm phản đối chính quyền quân sự, CRPH hôm 2.3 đã bổ nhiệm 9 quyền bộ trưởng, bao gồm cả ngoại trưởng, vị trí mà bà Suu Kyi đảm nhiệm trước đó.
Daw Zin Mar Aung, nghị sĩ trúng cử vào Hạ viện Myanmar sau cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái, được ược CRPH bầu làm Bộ trưởng Ngoại giao.
Quyết định của CRPH vấp phải sự phản đối của chính quyền quân sự do Thống tướng Min Aung Hlaing đứng đầu.