Nhiều bệnh nhân đột quỵ nặng được cứu sống nhờ nhập viện kịp thời
Kinh nghiệm y học - Ngày đăng : 11:21, 08/03/2021
Khoảng thời gian giúp bệnh nhân đột quỵ có khả năng phục hồi tốt được gọi là “thời gian vàng”, tính từ lúc người bệnh bắt đầu có những dấu hiệu của bệnh đến thời điểm 3 - 6 giờ sau đó.
Sáng 8.3, BSCK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVCT) cho biết bệnh viện mới đây đã cùng lúc triển khai 2 ê kíp can thiệp cứu sống 2 bệnh nhân đột quỵ nặng có chỉ định can thiệp tái thông mạch máu não bị tắc.
Bệnh nhân Lâm Ngọc V. (51 tuổi, ngụ Q.Ninh kiều, Cần Thơ). Khoảng 16 giờ ngày 27.2, bà V. đột ngột nói khó, liệt nửa người phải. Bệnh nhân nhập viện lúc 19 giờ 20 ngày 27.2 - tức cách lúc khởi phát triệu chứng khoảng 3 tiếng 20 phút. Tình trạng lúc nhập viện: bệnh nhân mở mắt không tiếp xúc, liệt nặng nửa người phải, mất ngôn ngữ toàn bộ (không hiểu y lệnh bác sĩ, không nói được).
Nhận định đây là biểu hiện của bệnh lý đột quỵ cấp, các bác sĩ cấp cứu đã nhanh chóng báo động mã cấp cứu đột quỵ và sau 5 phút bác sĩ chuyên về đột quỵ đã có mặt. Bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính sọ não và mạch máu não, phát hiện bị tắc động mạch não giữa bên trái (là nhánh động mạch chính cung cấp máu cho phần lớn nửa bán cầu đại não). Bệnh nhân có chỉ định can thiệp nội mạch lấy huyết khối, ê kíp can thiệp do BS Trịnh Thành Tính tiến hành can thiệp cấp cứu.
Sau 1 giờ can thiệp, mạch máu não bệnh nhân được tái thông hoàn toàn. Trong lúc ê kíp bắt đầu can thiệp bệnh nhân V., khoa cấp cứu tiếp tục nhận bệnh nhân nam Nguyễn Văn H. (68 tuổi, ngụ H.Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) vào viện do đột ngột liệt tứ chi, méo miệng, không nhận ra người thân. Bệnh nhân nhập viện cách lúc khởi phát triệu chứng khoảng 5 giờ 30 phút.
Chụp cắt lớp vi tính sọ não và mạch máu não, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có hẹp nặng động mạch thân nền. Bệnh nhân có chỉ định can thiệp cấp cứu. Nhóm can thiệp thứ 2 do BSCK1 Trần Công Khánh được triển khai. Sau 1 giờ can thiệp, động mạch thân nền của bệnh nhân đã được tái thông hoàn toàn. Hiện tại, sau 9 ngày điều trị, cả hai bệnh nhân tri giác cải thiện tốt, sức cơ cải thiện, dự kiến cùng ra viện vào ngày 9.3.
Hôm qua 7.3 cũng thêm 2 tình huống tương tự, 2 ê kíp can thiệp được huy động để cấp cứu cho 2 bệnh nhân đột quỵ. Sau can thiệp, cả hai bệnh nhân đều được cải thiện và đang tiếp tục được điều trị tích cực tại khoa đột quỵ.
Theo TSBS Hà Tấn Đức - Trưởng khoa Đột quỵ của bệnh viện: “Đột quỵ là bệnh gây tử vong đứng thứ 3 trong số những nguyên nhân gây tử vong, và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế. Đây là căn bệnh nguy hiểm tới tính mạng và để lại di chứng nặng nề nếu không kịp thời phát hiện và nhanh chóng xử trí đặc hiệu. Đột quỵ làm cho phần não bị thiếu oxy, tế bào não bắt đầu tổn thương chỉ sau vài phút.
Sau khi đột quỵ xảy ra, mỗi phút trôi qua sẽ có gần 2 triệu tế bào não bị hư hại. Chính vì vậy, người bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt và biện pháp điều trị hiệu quả, nhất là “tái tưới máu cho não”. Khoảng thời gian giúp bệnh nhân đột quỵ có khả năng phục hồi tốt được gọi là “thời gian vàng”, nó được tính từ lúc người bệnh bắt đầu có những dấu hiệu của bệnh đến thời điểm sau từ 3 - 6 giờ. Mục đích của điều trị đột quỵ não là giảm tỷ lệ tử vong và hạn chế tối đa mức độ tàn phế”.