Trung Quốc muốn làm hòa với Ấn Độ và Nhật Bản về tranh chấp lãnh thổ
Quốc tế - Ngày đăng : 11:52, 08/03/2021
Trước những lo ngại từ phía Nhật Bản về luật mới của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1.2 cho phép hải cảnh sử dụng “tất cả biện pháp cần thiết”, trong đó có quyền sử dụng vũ lực để chống lại tàu nước ngoài nhằm vào tàu các nước khác ở khu vực mà Bắc Kinh “tuyên bố chủ quyền”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định đây chỉ là "luật nội địa thông thường" không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào.
"Chìa khóa của quan hệ Trung - Nhật là phải kiên trì và không để những sự kiện ngắn hạn gây ra gián đoạn", ông Vương nói trong cuộc họp báo bên lề Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (quốc hội) ở Bắc Kinh hôm 7.3.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết Trung - Nhật có thể hỗ trợ lẫn nhau trong việc đăng cai Thế vận hội (Olympic). Tokyo hiện đang chịu áp lực về quyết định tổ chức Olympic vào mùa hè bất chấp đại dịch, trong khi Bắc Kinh phải đối mặt với lời kêu gọi tẩy chay kế hoạch đăng cai Thế vận hội mùa đông vào năm 2022 do bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương.
“Mối quan hệ Trung - Nhật được cải thiện sẽ có lợi cho cả nhân dân của hai nước cũng như sự ổn định và hòa bình của khu vực. Nó không nên được coi là lẽ đương nhiên và chúng ta nên trân trọng nó”, ông Vương Nghị nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Trung Quốc cũng bày tỏ hy vọng giải quyết căng thẳng với Ấn Độ khi hai bên đang nỗ lực thương lượng để thoát khỏi tình trạng căng thẳng dọc biên giới Himalaya sau 9 tháng xảy ra xung đột khiến binh lính cả hai nước thiệt mạng.
“Trung Quốc và Ấn Độ nên là bạn bè và đối tác thay vì các mối đe dọa và đối thủ cạnh tranh. Chúng ta nên giúp xây dựng lẫn nhau”, ông Vương nói.
Những bình luận trên của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden phát đi tín hiệu rằng Washington sẽ tăng cường an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và làm mới quan hệ đồng minh với các cường quốc châu Á, một động thái mà giới chuyên gia cho rằng để kiềm tỏa Trung Quốc.
Wang Ping, nhà nghiên cứu về quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết: “Sự ổn định của quan hệ Trung - Nhật có tầm quan trọng lớn đối với Trung Quốc.
Còn Lian Degui, chuyên gia về các vấn đề Nhật Bản tại Đại học Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, nhận định chính quyền Biden sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ của Nhật Bản về các vấn đề như nhân quyền, Hồng Kông, Đài Loan. “Điều này sẽ tạo ra những khó khăn trong quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản và rất nhiều thách thức kèm theo”, Lian nói.
Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách tại Ấn Độ, cho rằng những bình luận của Ngoại trưởng Vương Nghị đang thể hiện nỗ lực của Bắc Kinh trong việc giảm sự đối đầu trực tiếp với New Delhi.
“Trung Quốc đang cố ý tìm cách xoa dịu cuộc đối đầu quân sự với Ấn Độ tại nhiều điểm biên giới bởi vì họ đã gây chiến với rất nhiều nước trong khu vực lân cận thông qua các hành động gây hấn của mình”, Chellaney nói.
Tuy nhiên, Madhav Das Nalapat, giám đốc Khoa Địa chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Manipal (Ấn Độ), cho rằng sẽ không có bất kỳ tiến triển đáng kể nào giữa Trung - Ấn nếu các vấn đề biên giới không được giải quyết.
Trung Quốc kêu gọi ASEAN hợp tác hơn nữa
Cũng trong buổi họp báo hôm 7.3, Ngoại trưởng Vương Nghị đã hối thúc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hợp tác hơn nữa với Bắc Kinh dù lúc này Trung Quốc đang tiến hành tập trận dài 1 tháng trên Biển Đông.
Quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc cho biết, sau 30 năm thiết lập đối thoại, Trung Quốc và ASEAN đã chứng kiến sự chia sẻ niềm tin, hỗ trợ lẫn nhau và đoàn kết khi khó khăn. Trên cơ sở này, Bắc Kinh mong muốn xây dựng một cộng đồng gần gũi hơn với ASEAN, hướng tới cùng chia sẻ tương lai và hợp tác sâu rộng trong 30 năm tiếp theo. Ông Vương cũng khẳng định Trung Quốc sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại với các quốc gia Đông Nam Á và đề nghị giúp đỡ trong việc tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19.
Theo Ngoại trưởng Vương Nghị, Trung Quốc và ASEAN đã đạt được hiểu biết chung về duy trì hòa bình và ổn định ở các vùng biển tranh chấp. Đáng chú ý, ông Vương cũng kêu gọi ASEAN "loại bỏ những thứ làm sao nhãng” và thúc đẩy các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm xây dựng sự đồng thuận, tăng cường tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác và duy trì ổn định chung ở Biển Đông".
Dù đang thúc đẩy các cuộc đàm phán với ASEAN để xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, Trung Quốc vẫn ngang nhiên tiến hành tập trận 1 tháng ở vùng biển chiến lược này.
Theo thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc, cuộc tập trận quân sự được tổ chức trong khu vực có bán kính 5km ở phía tây bán đảo Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông từ ngày 1 tới 31.3. Họ cảnh báo tàu bè không đi vào khu vực này suốt tháng 3. Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Mỹ và nhiều nước đồng minh như Pháp, Anh… đang tiến hành các hoạt động quân sự hướng đến khu vực Biển Đông nơi Trung Quốc đơn phương tuyên bố gần 90 % chủ quyền.