Người dân háo hức với mũi tiêm COVID-19 đầu tiên tại Hà Nội và Hải Dương
Thông tin Y học - Ngày đăng : 12:32, 08/03/2021
Đây là chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia phối hợp với hệ thống tiêm chủng VNVC bắt đầu thực hiện tiêm chủng vắc xin ở các tỉnh có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nhất.
7giờ 30 phút, những liều vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca đầu tiên từ VNVC đã được Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương tiếp nhận. Kho lạnh này đạt chuẩn GSP, có hệ thống theo dõi nhiệt độ bảo quản liên tục 24/24, được hệ thống máy chủ ghi nhận liên tục và báo động ngay khi nhiệt độ vượt ra khỏi giới hạn cho phép để nhân viên trực xử lý lập tức.
Tại Hà Nội, 100 cán bộ, nhân viên y tế được tiêm vắc xin COVID-19 đầu tiên tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đều là những người trực tiếp tiếp nhận, chăm sóc, điều trị hoặc có tiếp xúc với các nguồn nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Cụ thể là cán bộ trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân COVID-19 của Khoa Cấp cứu; Khoa Hồi sức tích cực; Khoa Nội tổng hợp; Khoa Vi rút ký sinh trùng; Khoa khám bệnh Kim Chung: Khoa Nhi; Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp; Khoa Viêm gan và các Khoa Cận lâm sàng: Khoa Dược; Khoa Chẩn đoán hình ảnh; Khoa Vi sinh và sinh học phân tử, Khoa Huyết học truyền máu; Khoa Gây mê và các phòng chức năng: Phòng Kế hoạch tổng hợp, Phòng Tài chính kế toán; Phòng Vật tư trang thiết bị y tế; Phòng Công tác xã hội; Phòng Tổ chức cán bộ; Phòng Công nghệ thông tin; Viện Đào tạo và nghiên cứu bệnh nhiệt đới...
Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương đã bố trí 3 bàn tiêm với đủ phương tiện, kỹ thuật cần thiết. Các nhân viên y tế được thông báo và khám sàng lọc trước khi tiêm. Người có dấu hiệu ho, sốt, khó thở sẽ không được sử dụng vaccine COVID-19.
TS.BS Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc trung tâm phòng chống dịch và tiêm chủng vắc xin Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, cả đợt này, bệnh viện sẽ tiêm cho 420 nhân viên y tế. Vì nguồn vắc xin hạn chế, còn phải phân bố nhiều tỉnh thành khác nên bệnh viện sẽ ưu tiên tiêm trước cho những người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 và một số nhân viên y tế làm nhiệm vụ khám sàng lọc cho bệnh nhân tại cơ sở Giải Phóng.
“Đối với chúng tôi, những người đầu tiên được tiêm vắc xin là niềm vinh dự rất lớn”, bác sĩ Điền nói.
Tại Hải Dương, các y bác sĩ hết sức háo hức với những mũi tiêm đầu tiên khi Hải Dương đang căng mình chống dịch. Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương tiến hành tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca cho 50 người và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành tiêm cho 30 người. Sau đó, tỉnh Hải Dương sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai tiêm đồng loạt tại các địa phương trong tỉnh. Theo quyết định của Bộ Y tế, tỉnh Hải Dương có 5 đơn vị (gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế thành phố Chí Linh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh) được phân bổ nguồn vắc xin AstraZeneca với tổng cộng 33.000 liều.
“Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ các kế hoạch và quy trình tiêm chủng tiêu chuẩn giống như các chương trình tiêm chủng lưu động khác mà chúng tôi đã tổ chức thực hiện trước đây. Tuy nhiên, hôm nay là một chiến dịch tiêm chủng lịch sử, hơn 5.000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế của VNVC tự hào là một phần của chiến dịch này. Chúng tôi sẽ luôn ý thức được trách nhiệm của mình và sẵn sàng cống hiến, phục vụ hết mình cho công tác phòng chống dịch và tiêm chủng vắc xin COVID-19 của Việt Nam”, bà Vũ Thu Hà – Giám đốc Cung ứng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC chia sẻ.
Bà Vũ Thu Hà cũng cho biết, tại mỗi điểm tiêm đều được bố trí khâu tiêm chủng theo quy tắc một chiều, áp dụng quy trình sàng lọc, phân luồng ngay từ khâu đón tiếp. Tất cả người dân đến tiêm đều được đo thân nhiệt, khu vực chờ tiêm được bố trí đảm bảo giãn cách, thực hiện khám sàng lọc và khai thác thông tin dịch tễ trước tiêm chủng. Ngoài ra còn có khu vực theo dõi và xử trí phản ứng sau tiêm với đầy đủ trang thiết bị theo tiêu chuẩn của cơ quan y tế. Toàn bộ các bác sĩ, nhân viên y tế của VNVC đều có chứng chỉ an toàn tiêm chủng, được đào tạo kiến thức và thực hành an toàn tiêm chủng, được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ như khẩu trang, nón che giọt bắn…
Theo Bộ Y tế, vắc xin là biện pháp phòng dịch thiết yếu, chủ động, hiệu quả, song không có vắc xin nào đạt hiệu quả phòng bệnh 100%, nhưng chắc chắn 100% người được tiêm vắc xin sẽ giảm nhẹ tình trạng bệnh nếu mắc phải.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính - Nguyên giám đốc bệnh viện bệnh nhiệt đới trung ương cho biết “Bất kỳ một loại thuốc hay hoá chất nào được đưa vào cơ thể đều có tác dụng phụ nhất định. Phổ biến nhất là đau tại chỗ tiêm, áp xe chỗ tiêm. Nặng nề nhất là sốc phản vệ. Kể cả kháng sinh khi tiêm vào cơ thể người cũng có thể sốc phản vệ. Tại mỗi cơ sở, chúng ta đều biết biến cố bất lợi đó, nên phải có chuẩn bị dụng cụ sẵn sàng, trước tiêm phải hỏi người được tiêm có tiền sử dị ứng, tiền sử phản vệ không, hãy sàng lọc thật kỹ vì mỗi loại thuốc, vắc xin đều có chống chỉ định. Qua các thử nghiệm tiêm trên thế giới, cũng đã thấy có hiệu quả đối với người trên 60 tuổi. Ít nhất 2/3 dân số tiêm thì có miễn dịch. Nếu tiêm đủ 2 mũi, thì tỷ lệ bảo vệ là 81%.”, GS Nguyễn Văn Kính cho biết.