Nếu Trump còn là Tổng thống Mỹ, ông sẽ nghĩ sao về cuộc đảo chính tại Myanmar?
Góc nhìn - Ngày đăng : 12:53, 08/03/2021
Sau khi quân đội Myanmar tiến hành đảo chính, lật đổ chính quyền dân sự do đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, Mỹ đã có phản ứng. Chính quyền Tổng thống Joe Biden có một số động thái đáng chú ý như sau:
Bộ Tài chính Mỹ ngày 11.2 thông báo các biện pháp trừng phạt mới sẽ nhắm vào những quan chức quân sự hàng đầu Myanmar, những người đã ra lệnh thực hiện vụ đảo chính hôm 1.2.
"Bộ Tài chính xác định 10 quan chức quân sự, cả tại vị lẫn đã về hưu, chịu trách nhiệm cho cuộc đảo chính ngày 1/2/2021 hoặc có liên quan đến chính quyền quân sự Myanmar", Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố.
Trong danh sách trừng phạt Mỹ mới đưa ra có tên Thống tướng Min Aung Hlaing, cấp phó của ông, Soe Win, cùng 4 thành viên khác thuộc Hội đồng Quản lý Nhà nước Myanmar.
Hôm 22.2, Mỹ công bố lệnh trừng phạt nhằm vào tư lệnh không quân Myanmar Maung Maung Kyaw và tướng Moe Myint Tun, hai thành viên trong Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar
Động thái trên sẽ ngăn các tướng lĩnh Myanmar tiếp cận trong các quỹ của chính phủ nước này tại Mỹ (hơn một tỉ USD). Các biện pháp trừng phạt cũng tác động tới Tập đoàn Myanmar Ruby và Myanmar Imperial Jade, các doanh nghiệp do chính quyền kiểm soát.
Cuối tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đã thêm vào “Danh sách thực thể” của mình bốn tổ chức của Myanmar, bao gồm Bộ Quốc phòng và Nội vụ, Tổng công ty Kinh tế Myanmar (MEC) và Myanmar Economic Holding (MEHL).
Bộ Thương mại Mỹ cũng lưu ý rằng họ đã chuyển Myanmar vào “Nhóm quốc gia D:1”, trong đó đặt ra các hạn chế bổ sung đối với xuất khẩu sang quốc gia Đông Nam Á này, đặc biệt nhấn mạnh đến hạn chế xuất khẩu với các bên có yếu tố liên quan đến quân sự.
Tuy nhiên, phản ứng của Mỹ dưới hình thức trừng phạt kinh tế vẫn chưa làm nhiều người hài lòng và cho rằng chính quyền Biden quá mềm yếu. Có những ý kiến cho rằng nếu cựu Tổng thống Donald Trump còn tại vị thì với tính cách mạnh mẽ của mình, ông Trump có thể trừng phạt nặng tay khiến giới quân sự Myanmar không thể cư xử với người biểu tình như hiện giờ.
Nhưng báo chí phương Tây lại không cho rằng như vậy. Thậm chí, nhiều báo phương Tây coi chính Trump là cảm hứng cho các tướng Myanmar đảo chính.
Trên Time of India, nhà báo Nayan Chanda viết: "Nhiều tuần sau khi Tổng thống Donald Trump cố gắng truyền cảm hứng cho một cuộc nổi dậy chống lại Quốc hội để hủy bỏ cuộc bầu cử hợp pháp mà ông đã thua, các tướng lĩnh ở Myanmar đã tìm cách bắt chước phương pháp tương tự, coi cuộc bầu cử (hồi tháng 11) một hành vi gian lận của NLD giáng đòn tấn công vào đảng được quân đội hậu thuẫn".
Còn phóng viên Donie O’Sullivan của CNN hồi cuối tháng đã mạo hiểm đến California và tiếp xúc với nhóm QAnon, những người tin rằng Trump sẽ trở lại Nhà Trắng rất sớm sau một cuộc đảo chính quân sự mà họ hoàn toàn ủng hộ.
“Toàn bộ chuyện này với Biden… ông ấy giống như một tổng thống bù nhìn. Quân đội vẫn phụ trách. Tình hình sẽ giống như Myanmar… Quân đội đang thực hiện cuộc điều tra của riêng họ. Và vào đúng thời điểm, họ sẽ khôi phục nền cộng hòa với Trump là tổng thống”, một phụ nữ lên tiếng.
O’Sullivan hỏi những người tham dự khác liệu họ có muốn thấy Biden bị quân đội dùng bạo lực phế truất hay không, một người đàn ông trả lời: “Hoàn toàn có thể”.
Hồi đầu tháng 2, trang Business Insider viết:
“Khi người Mỹ thức dậy với tin tức về một cuộc đảo chính quân sự, có thể tưởng tượng rằng nhiều người nghĩ mình đang được xem phiên bản mới cuộc lật đổ một chính phủ dân sự chỉ vài tuần sau một cuộc nổi dậy bạo lực tại Điện Capitol.
Các tướng lĩnh của Myanmar được cho là tiến cuộc đảo chính dựa trên những lý do kỳ lạ tương tự như nỗ lực của cựu Tổng thống Donald Trump nhằm lật ngược cuộc bầu cử Mỹ năm 2020: những tuyên bố vô căn cứ về hành vi gian lận cử tri".
"Sẽ không ngạc nhiên nếu các tướng lĩnh ở Myanmar nhìn thấy những cáo buộc sai trái của Trump về gian lận lan rộng sau cuộc bầu cử và quyết định sử dụng một cách tiếp cận tương tự như một cái cớ cho điều mà họ đã định làm: nắm quyền", Brian Klaas, một nhà chính trị. nhà khoa học tại Đại học College London phân tích. "Bằng cách đó, Trump đã mang đến cho những kẻ coi thường luật pháp trên toàn thế giới những liều thuốc hùng biện mới để biện minh cho những hành động độc đoán của họ".
"Mặc dù có một số điểm tương đồng với những tuyên bố không có cơ sở về hành vi gian lận cử tri ở Mỹ, cuộc đảo chính ở Myanmar nên được xem là xuất phát từ bối cảnh trong nước của chính nước này", Lucas Myers, một cộng sự của Chương trình Châu Á của Trung tâm Wilson phân tích. "Nó cho thấy một cách chắc chắn tình trạng bấp bênh của quá trình chuyển đổi dân chủ đang gặp khó khăn ở Myanmar và việc dân chủ hóa đã thực sự bị hạn chế như thế nào".
Do vậy, giả sử như ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ nhờ lật ngược kết quả bầu cử với sự ủng hộ của người biểu tình quanh Điện Capitol, thật khó để nghĩ xem ông sẽ ứng xử ra sao trước cuộc đảo chính quan sự ở Myanmar.