Vì sao tam thất có thể 'đội lốt' sâm Ngọc Linh?
Thông tin Y học - Ngày đăng : 06:38, 09/03/2021
Sâm Ngọc Linh được gọi là “Quốc bảo” của Việt Nam, được phân bố ở khu vực rừng núi cao ở Kon Tum và Quảng Nam. Tại Kon Tum, huyện Đắk Tô là cửa ngõ trước khi đi lên vùng núi Ngọc Linh - nơi đây được xem là thủ phủ của sâm Ngọc Linh.
Sâm Ngọc Linh rất có giá trị, mỗi kg có giá từ hàng chục đến cả trăm triệu đồng (tùy loại). Thời gian qua rất nhiều tư thương đã thu gom các loại củ như tam thất, điền trúc, rất giống sâm Ngọc Linh để "đội lốt" sâm Ngọc Linh bán kiểm lời.
Vào ngày 1.3 vừa qua, một vụ việc gây xôn xao dư luận đó là lực lượng quản lý thị trường Kon Tum đã vây bắt một vụ vận chuyển các loại củ rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum được ngụy trang trong các thùng hoa phong lan trước khi "đội lốt" Sâm Ngọc Linh để bán cho người tiêu dùng.
Cụ thể, lực lượng chức năng đã phát hiện xe khách chạy từ phía Bắc vào, khi đến địa bàn huyện Đắk Tô đã bỏ xuống 3 thùng xốp, bên ngoài ghi "hoa phong lan Đắk Tô" và không có địa chỉ người gửi, người nhận. Kiểm tra 3 thùng xốp, lực lượng chức năng phát hiện có 2 kg củ và 12kg lá rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum. Trong số hàng trên, có 2 củ lớn (kèm lá) nặng gần 3 lạng/củ. Còn lại là các củ nhỏ.
Lãnh đạo lực lượng quản lý thị trường Kon Tum cho biết: "Đây là các loại củ từ các tỉnh miền núi phía Bắc vận chuyển đưa vào địa bàn huyện Đăk Tô đội lốt sâm Ngọc Linh Kon Tum để lừa bán cho người tiêu dùng".
Sự việc trên đã khiến nhiều người lo lắng và băn khoăn làm sao có thể mua được sâm Ngọc Linh thật?. Trao đổi với PV Một Thế Giới về vấn đề này, ông Chu Hoàng Thịnh - người có kinh nghiệm gần 20 năm bào chế các loại thuốc đông y cho biết, hiện nay sâm Ngọc Linh được làm giả rất nhiều từ các loại củ như củ tam thất.
Sâm Ngọc Linh thật ở các vùng như Quảng Nam, Kon Tum... có chất lượng rất tốt vì có lượng đất dày và độ cao lý tưởng. Trên thị trường để mua được sâm Ngọc Linh thật, anh cho biết nên chọn những cây tươi có cành lá, không nên mua củ đã sơ chế.
Khi đã sơ chế thì sâm Ngọc Linh rất giống của tam thất nhưng để ý kỹ thì thấy vấu mắt của hai loại củ này rất khác nhau. Mắt của củ tam thất mọc nối tiếp nhau, còn lá thì có răng cưa rất nhọn và sắc.
Trong khi đó, lá sâm Ngọc Linh thật không có răng cưa, trên mặt lá sẽ có lớp phấn tơ. Đó là đặc thù của cây sâm nhưng lá tam thất lại không có lông. Ngoài ra, mắt của sâm Ngọc Linh thật mọc vòng quanh thân và mọc so le nhau, không mọc nối tiếp giống như củ tam thất.
"Sâm Ngọc Linh thật có tuổi thọ rất dài lên tới 20 năm, nhưng củ chỉ dài khoảng 20 phân. Đó là những củ có chất lượng rất cao. Hiện nay, người ta cũng nuôi cấy mô sâm Ngọc Linh rất nhiều. Họ thường cắt từng mắt ra để nuôi thành một cây, nhân sâm quan trọng nhất là dễ cây. Tuy nhiên, chất lượng củ sâm nuôi cấy sẽ không cao bằng để mọc tự nhiên.", ông Chu Hoàng Thịnh cho hay.
Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế, thân và rễ của sâm Ngọc Linh có tới 52 saponin, một thành phần quan trọng chứa nhiều dưỡng chất. Trong khi đó, sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật Bản chỉ có 26 saponin.
Với những thành phần trên, sâm Ngọc Linh có tác dụng chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống oxy hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan, gia tăng sức đề kháng, tăng thị lực, giúp ăn ngon, ngủ tốt, cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh và suy nhược sinh dục, nâng cao huyết áp người bị huyết áp thấp.
Sâm Ngọc Linh còn được gọi là sâm Việt Nam, sâm K5, sâm Trúc, được dược sĩ Đào Kim Long phát hiện vào năm 1973 trên núi Ngọc Linh. Đây là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Các nhà nghiên cứu đánh giá sâm Ngọc Linh là loại sâm tốt nhất thế giới hiện nay. | |