Phúc thẩm vụ Đồng Tâm: VKS đề nghị y án đối với các bị cáo
Sự kiện - Ngày đăng : 10:02, 09/03/2021
Sáng 9.3, đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội đã tiến hành luận tội và đề nghị mức án đối với 6 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội).
Trong số 6 bị cáo đã có đơn kháng cáo, các bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Quốc Tiến đều đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét các tình tiết trong vụ án nhằm giảm nhẹ hình phạt cho mình. Riêng bị cáo Bùi Thị Nối không đồng ý với phán quyết của bản án sơ thẩm nên đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét lại cho mình.
Qua phần xét hỏi công khai tại phiên tòa, đại diện VKS nhận thấy hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm đến tính mạng của người khác… Cụ thể, các bị cáo này thường xuyên lôi kéo, kích động quần chúng nhân dân khiếu kiện phức tạp về việc quản lý, sử dụng đất của chính quyền xã Đồng Tâm; sử dụng mạng xã hội tuyên truyền đất đồng Sênh là của xã Đồng Tâm; đồng thời kêu gọi người dân xã Đồng Tâm “đấu tranh để giữ đất”.
Ngoài ra, từ năm 2017 đến đầu năm 2020, ông Lê Đình Kình đã chỉ đạo “Tổ Đồng thuận” và nhiều người gây ra nhiều vụ việc phức tạp đến an ninh, trật tự địa bàn.
Khi biết thông tin Công an Hà Nội phối hợp với Quân chủng Phòng không – Không quân (Bộ Quốc phòng) triển khai bảo vệ lực lượng thi công xây dựng tường rào Sân bay Miếu Môn trên đất đồng Sênh, ông Lê Đình Kình đã cùng các bị cáo góp tiền mua lựu đạn, làm bom xăng, mua tuýp sắt có gắn dao bầu và liềm, nhặt gạch đá, làm bùi nhùi, mua pháo… nhằm tấn công lực lượng chức năng.
Ngày 9.1.2020, khi lực lượng Công an đến chốt cổng làng thôn Hoành, xã Đồng Tâm (cách nhà ông Kình khoảng 50 mét) để bảo vệ mục tiêu theo kế hoạch, đã bị các bị cáo dùng bom xăng, lựu đạn, hung khí tấn công. Trong quá trình kiên quyết trấn áp hành vi đặc biệt nguy hiểm của các bị cáo, 3 cán bộ chiến sỹ công an đã hy sinh.
Theo đại diện VKS, trong vụ án này, cần có bản án nghiêm minh đối với người cầm đầu nhưng cũng có tính nhân văn đối với những người bị lôi kéo thực hiện hành vi phạm tội. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Công đã thừa nhận hành vi sai phạm nhưng khẳng định không chủ mưu, cầm đầu; các bị cáo còn lại cơ bản thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Trên cơ sở tài liệu cũng như quá trình xét hỏi công khai, VKS nhận thấy bị cáo Công đã kích động, lôi kéo những bị cáo khác tham gia. Tại phiên tòa, bị cáo Công đã thành khẩn nhưng với tính chất tội phạm cũng như hậu quả nghiêm trọng xảy ra, VKS thấy chưa có căn cứ giảm nhẹ.
Bị cáo Doanh là người thực hiện hành vi tích cực nhưng theo VKS, bị cáo tuổi còn trẻ, bị chi phối bởi ông Lê Đình Kình nên Tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo mức án chung thân là phù hợp…
Đối với các bị cáo còn lạị phạm tội “Giết người”, theo VKS, bản án sơ thẩm đã thể hiện được tính nghiêm minh; tại phiên phúc thẩm, các bị cáo không đưa ra được những tình tiết giảm nhẹ mới nên VKS thấy mức án tại bản án sơ thẩm đối với các bị cáo là phù hợp.
Theo VKS, hành vi của các bị cáo là có tổ chức, giết nhiều người, giết người đang thi hành công vụ nên mức án sơ thẩm đối với các bị cáo là phù hợp; VKS đề nghị giữ nguyên mức án sơ thẩm đối với các bị cáo.
Đối với bị cáo Bùi Thị Nối, qua phân tích tại phiên tòa, VKS nhận thấy bị cáo đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình; tuy nhiên bị cáo Nối phạm tội với vai trò tích cực, tại thời điểm này bị cáo cũng chưa xuất trình được thêm các chứng cứ mới nên bản án sơ thẩm đối với bị cáo là phù hợp.
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức bị tuyên mức án tử hình về tội “Giết người”, bị cáo Lê Đình Doanh bị tuyên mức án chung thân; Bùi Viết Hiểu 16 năm tù; Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù cùng về tội danh trên. Riêng bị cáo Bùi Thị Nối bị Tòa sơ thẩm tuyên phạt 6 năm tù về tội “Chống người thi hành công vụ”.