Chính biến ở Myanmar tác động gì đến môi trường và hệ sinh thái?

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:56, 09/03/2021

Việc quân đội Myanmar đảo chính có nguy cơ hủy hoại vĩnh viễn môi trường quý giá của quốc gia Đông Nam Á cũng như làm tổn hại cho những người sống dựa vào nó.

Myanmar là quốc gia nổi tiếng về đa dạng sinh học và cũng là nơi cư trú của khoảng 230 loài động thực vật bị đe dọa trên toàn cầu. Trong nhiều năm, các nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia Đông Nam Á này đã bị khai thác rất nhiều để theo đuổi tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, khai thác gỗ, săn bắn và đánh cá ồ ạt đã tạo ra các vấn đề môi trường nghiêm trọng.

Sau khi chuyển đổi sang chính quyền dân sự vào năm 2011, các nỗ lực bảo tồn môi trường đã được triển khai rộng rãi. Chính phủ dân sự cho phép các nhà hoạt động môi trường, nghiên cứu trong và ngoài nước làm việc ở Myanmar, từ cấp địa phương đến cấp trung ương, giúp quản lý các khu bảo tồn. Tuy nhiên, việc quân đội đảo chính nắm chính quyền ở Myanmar thời gian qua, có thể khiến công việc quan trọng này không được duy trì.

Một viên ngọc sinh thái

Các thung lũng rừng ở Myanmar là nơi sinh sống của hổ, voi và các loài động vật quý hiếm khác. Đất nước này có khu bảo tồn hổ lớn nhất thế giới và là nơi sinh sống của các loài linh trưởng mới gồm khỉ mũi hếch Myanmar và khỉ voọc Popa.

file-20210219-14-a21emj.jpg
Hổ là một trong những loài dễ bị tổn thương của Myanmar - Ảnh: AP

Sông Ayeyarwady chảy từ bắc xuống nam, cung cấp cho một vùng phù sa rộng lớn, hình thành nên trung tâm nông nghiệp và là huyết mạch của Myanmar.

Các bờ biển, đảo biển, thảm cỏ biển, rạn san hô và rừng ngập mặn của Myanmar cũng được coi là quan trọng đối với thế giới trong vai trò bảo vệ bờ biển khỏi bão và lưu trữ carbon dioxide (cacbonic), giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Một quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh

Kể từ thời điểm độc lập khỏi sự cai trị của Anh vào năm 1948, nhiều nhóm dân tộc của Myanmar đã rơi vào các cuộc nội chiến. Cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên là trọng tâm của những cuộc xung đột vũ trang này.

Myanmar bị cô lập từ năm 1962 cho đến năm 2011. Trong thời gian này, quân đội và các nhóm vũ trang khác đã khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Phúc lợi xã hội bị bỏ qua, đồng nghĩa với việc những công dân dễ bị tổn thương buộc phải khai thác thêm các nguồn tài nguyên thiên nhiên để tồn tại.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), từ năm 1990 đến năm 2015, độ che phủ rừng của Myanmar giảm với tốc độ trung bình 1,2% một năm. Bên cạnh đó việc đánh bắt quá mức đã dẫn tới trữ lượng cá của Myanmar giảm tới 90% kể từ năm 1980.

Việc tàn phá hàng loạt các khu rừng ngập mặn dọc theo đường bờ biển đã khiến cho Myanmar dễ bị tổn thương hơn trước các cơn bão. Điều này góp phần làm trầm trọng thêm tác hại của cơn bão Nargis năm 2008, khiến khoảng 150.000 người thiệt mạng và tàn phá Myanmar.

Đây là cơn bão gây thiệt hại về nhân mạng lớn nhất ở Myanmar, cũng như là cơn bão có tên gây chết chóc đứng thứ hai sau bão Nina. Tính cả những cơn bão không được đặt tên, Nargis là cơn bão gây chết chóc thứ sáu trong lịch sử thế giới. Nargis là cơn bão nhiệt đới đầu tiên gây hại cho quốc gia này kể từ bão Mala (cơn bão này mạnh hơn nhưng gây thiệt hại không lớn) đổ bộ vào trong năm 2006.

Liên Hiệp Quốc ước tính trong báo cáo rằng 1,5 triệu người đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão này. Các nhân viên cứu trợ quốc tế kết luận thêm rằng từ 2 tới 3 triệu người mất nhà cửa, tình trạng tồi tệ nhất trong lịch sử của Myanmar, ngang với trận sóng thần tại Ấn Độ Dương năm 2004.

file-20210219-26-1lyd3gq.jpg
Phần lớn diện tích Myanmar đã được khai phá cho nông nghiệp - Ảnh: Shutterstock

Con đường dân sự gập ghềnh

Dưới sự cai trị dân sự của nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi, một số chính sách bảo vệ môi trường đã được thực hiện. Tuy nhiên, hiện chúng mới chỉ đang ở giai đoạn đầu và vẫn còn tồn tại những thách thức lớn.

Sự mở cửa của Myanmar đã cho phép các cơ quan quốc tế như Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức viện trợ hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các dự án phát triển cộng đồng. Những dự án này rất quan trọng, bởi vì sự tàn phá môi trường ở Myanmar, cũng như ở các quốc gia đang phát triển khác, có liên quan chặt chẽ đến tình trạng nghèo đói.

Quá trình chuyển đổi dân chủ cũng tạo điều kiện cho các tổ chức phi chính phủ có thể thiết lập các chương trình để lập hồ sơ, hiểu và hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học, phối hợp chặt chẽ với các cộng đồng địa phương. Động thái này đã mở đường các dự án quan trọng ​​về bảo tồn biển được quản lý tại địa phương.

file-20210219-21-dg8jyf.jpg
Myanmar dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi chưa giải quyết được các vấn đề môi trường - Ảnh: Kyodo

Tuy nhiên, các vấn đề chính trị và xã hội mang tính hệ thống ở Myanmar đã tác động và làm suy giảm tới những lợi ích về môi trường. Ngay cả dưới chế độ dân sự, tình trạng tham nhũng dai dẳng trong lĩnh vực thủy sản của Myanmar tiếp tay cho tội phạm nghề cá phát triển mạnh, làm suy yếu các nỗ lực bảo tồn.

Khu bảo tồn động vật hoang dã Meinmahla Kyun ở vùng châu thổ Ayerwaddy là một ví dụ điển hình khác về sự quản lý lỏng lẻo dưới chế độ dân chủ. Khu bảo tồn này vốn được bảo vệ hợp pháp để bảo tồn môi trường sống ngập mặn quan trọng, nơi sinh sống của một số loài như cá sấu, mèo câu cá, dơi, cua và chim. Nhưng các biện pháp bảo tồn được thực thi một cách yếu ớt trong khi nhu cầu của người dân địa phương để kiếm kế sinh nhai từ đánh bắt và khai thác gỗ ngày càng tăng.

Để giải quyết vấn đề này, các nhóm bảo tồn đã giúp phát triển một kế hoạch quản lý 5 năm bao gồm tuần tra khu bảo tồn và các hoạt động tạo thu nhập quy mô nhỏ như làm vườn và du lịch sinh thái. Nhưng nếu không có đủ nguồn lực cùng việc thực thi pháp luật hiệu quả, kế hoạch sẽ không được thực hiện đầy đủ và hoạt động bất hợp pháp trong khu bảo tồn vẫn thường xuyên tái diễn.

Nhiều việc phải làm

Nhiều người Myanmar muốn kiếm kế sinh nhai không làm tổn hại đến thiên nhiên, nhưng để đạt được điều này đòi hỏi một lượng lớn kinh phí mà cho đến nay vẫn chưa được nhà nước đáp ứng.

Đáng chú ý, các quốc gia viện trợ cho Myanmar hiện đang xem xét lại các chương trình viện trợ của họ sau khi quân đội nắm chính quyền. Chuyên gia môi trường SiuSue Mark nhận định, có thể hiểu rằng cộng đồng viện trợ quốc tế muốn tách mình khỏi chế độ quân sự, nhưng điều quan trọng là các chương trình phát triển và bảo tồn phải tiếp tục được tài trợ. Về lâu dài, sẽ cần ưu tiên tài trợ cho bảo tồn dựa vào cộng đồng và quan hệ đối tác khoa học ở Myanmar.

Theo ông Mark, ngay cả khi Myanmar quay trở lại một chính phủ dân sự, cũng sẽ cần phải có sự thay đổi đáng kể về công cuộc bảo vệ môi trường. Myanmar rõ ràng đang ở ngã rẽ đáng lo ngại. Nhưng với những điều kiện chính trị phù hợp, cùng sự hỗ trợ đầy đủ của quốc tế, Myanmar có thể tạo tiền lệ cho các quốc gia đang phát triển trên thế giới: cho thấy cách một quốc gia đa dạng về sinh học, giàu tài nguyên có thể bảo tồn thiên nhiên trong khi vẫn cung cấp đủ sinh kế cho người dân.

Hoàng Vũ