Chương trình quân sự Mỹ thu hút sự theo dõi từ Trung Quốc

Chuyển động - Ngày đăng : 08:51, 10/03/2021

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn tin tiết lộ đội ngũ thiết kế máy bay Trung Quốc theo dõi sát sao bất cứ thông tin gì về Chương trình Chiếm ưu thế trên không thế hệ kế tiếp (NGAD) của Mỹ

Nếu được triển khai, NGAD sẽ tạo ra mạng lưới chiến đấu cơ, các phương tiện cảm biến và vũ khí tân tiến như máy bay không người lái hoạt động cùng nhau chứ không phải một nền tảng hay công nghệ vận hành đơn lẻ.

“Trung Quốc cũng lên kế hoạch phát triển máy bay thế hệ tiếp theo nhưng đến nay chỉ mới dành riêng cho không quân chứ không phải hải quân, mà họ gọi đây là máy bay nền tảng. Do thiếu tiêu chuẩn tham chiếu cùng các thông số liên quan mà quá trình phát triển máy bay nền tảng bị nghi ngờ”, theo nguồn tin.

Mỹ đến nay đã công bố 2 chương trình phát triển máy bay thế hệ tiếp theo: NGAD cho không quân và F/A-XX cho hải quân. Trong đó F/A-XX hướng đến cho ra đời chiến đấu cơ đủ sức thay thế F/A-18E/F Super Hornet hiện tại.

Tháng 9 năm ngoái, không quân Mỹ tiết lộ họ cho bay thử nghiệm một mô hình thuộc chương trình NGAD. Mỹ sẽ còn ra mắt một loại chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 nữa.

Phát biểu tại hội nghị chuyên đề của Hiệp hội Không quân Mỹ tuần trước, Tư lệnh Bộ Chỉ huy không quân Mỹ Mark Kelly tuyên bố nước này nếu muốn cạnh tranh với Trung Quốc thì phải sớm tung ra chiến đấu cơ thế hệ mới. “Tôi không rõ liệu Mỹ có đủ can đảm và tập trung để triển khai trước lúc quốc gia nào khác triển khai và sử dụng hay không”, Tư lệnh Kelly phát biểu.

message-editor_1600188060450-topshot1.jpg
Một mẫu thiết kế chiến đấu cơ thế hệ 6 của Northrop Grumman - Ảnh: The Drive

Nhà phân tích quân sự Chu Thần Minh cho rằng Trung Quốc sẽ rất mừng nếu Mỹ sớm ra mắt chiến đấu cơ phát triển bởi chương trình NGAD: “Trước khi đưa ra phương hướng phát triển máy bay mới, đội ngũ thiết kế cần nắm rõ thông số của máy bay đối thủ - đặc biệt là Mỹ - chẳng hạn như tầm hoạt động, tốc độ, độ cao tối đa, khả năng đánh một chọi một”.

Ông Chu dẫn ví dụ quá trình chiến đấu cơ tàng hình J-20 diễn ra rất suôn sẻ nhờ sao chép F-22 Raptor của Mỹ. F-22 Raptor đi vào hoạt động năm 2005, J-20 ra mắt năm 2011 và chính thức gia nhập không quân năm 2017. Do Trung Quốc không đủ khả năng chế tạo động cơ hiện đại WS-15 nên J-20 vẫn sử dụng AL-31F của Nga hoặc WS-10C tự sản xuất.

Chuyên gia Steve Burgess thuộc trường Chiến tranh Không quân Mỹ (AWC) cho biết NGAD đặt mục tiêu phát triển chiến đấu cơ mới phục vụ cho thập niên 2020 để củng cố vị thế dẫn đầu về quân sự cũng như nới rộng khoảng cách với Trung Quốc về vũ khí.

“Vấn đề thiết kế động cơ sẽ tiếp tục kìm hãm chương trình phát triển máy bay thế hệ kế tiếp mà Trung Quốc theo đuổi”, theo chuyên gia Burgess.

Phía Mỹ cũng có vấn đề của riêng mình: Giới lập pháp Mỹ hỗ trợ tài chính rất hạn chế cho không quân, còn Lầu Năm Góc thời gian qua tập trung cho F-35 Lightning do tốn ít chi phí hơn F-22. Trong khi đó Trung Quốc không tiếc tiền chi cho mảng này.

Cẩm Bình