Cà Mau: Trăn trở Tân Ân

Thông tin và phát triển - Ngày đăng : 17:15, 10/03/2021

Tỷ lệ hộ nghèo cao, người dân bỏ đi làm ăn xa còn nhiều, dân địa phương sinh sống bằng nghề bắt ốc hoặc làm thuê làm mướn... nên đời sống kinh tế - xã hội ở xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) còn rất nhiều khó khăn. Để xã phát triển, vươn mình thì địa phương cần nhiều sự quan tâm hơn nữa từ cấp trên.

Khó khăn đủ đường

Tân Ân là xã đảo, được bao bọc bởi những cánh rừng đước bạt ngàn và biển cả mênh mông. Nhìn từ trung tâm hành chính H.Ngọc Hiển ở trên cao thì Tân Ân như một ốc đảo. Kinh tế của người dân chủ yếu là đánh bắt ngoài biển và nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo ở xã còn cao.

Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp các ngành, cùng sự đồng thuận, quyết tâm cao của tập thể cán bộ lãnh đạo xã và người dân địa phương, đã có định hướng đưa Tân Ân khởi sắc vươn lên. Xã đã cụ thể hóa bằng nhiều nghị quyết, chương trình hành động để thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt. Song, do đặc thù là xã đảo, dân còn nghèo, tình trạng người dân bỏ đi làm ăn xa còn nhiều..., tất cả đã khiến lãnh đạo địa phương đau đầu trong việc “gỡ rối” kinh tế.

1ctubndxatanantrinhthanhtrung10032021.jpg
Ông Trịnh Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Tân Ân luôn trăn trở việc làm sao đưa địa phương thoát khỏi cuộc sống đói nghèo - Ảnh: Trần Khải

Ông Trịnh Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Tân Ân bộc bạch: “Dân địa phương mình còn rất nghèo, họ sinh sống bằng nghề làm thuê, đi biển, bắt ba khía, ốc len là chủ yếu nên thu nhập chẳng có là bao. Những năm gần đây sản lượng thủy sản từ đánh bắt biển khá bấp bênh, chủ yếu theo mùa vụ nên không có đóng góp gì nhiều cho nền kinh tế địa phương. Chúng tôi đã trăn trở rất nhiều và cũng đã kiến nghị, xin chủ trương từ cấp trên để tìm nguồn chuyển đổi ngành nghề cho người dân trong phát triển sản xuất. Có như vậy, thì mới mong Tân Ân vươn mình được”.

Theo ông Trung, mặc dù trên địa bàn xã Tân Ân có bố trí khu vực tái định cư để di dời người dân sống ở khu vực ven biển vào ở nhằm ổn định cuộc sống nhưng việc này chưa mang lại hiệu quả. Vì nhiều lý do như thiếu tư liệu sản xuất, người dân không có nghề nghiệp ổn định… nên nhiều hộ đóng cửa hoặc bán nhà đi nơi khác làm ăn, kiếm sống.

2duongsaotananduocquantamdautu10032021.jpg
Đường sá ở Tân Ân đã được quan tâm đầu tư - Ảnh: Trần Khải

“Những khu tái định cư trên địa bàn xã chưa phát huy được hiệu quả. Đa số người dân vào đây ở đều thuộc diện nghèo khó, sống bằng nghề đánh bắt biển. Khi được bố trí chỗ ở thì họ phải bỏ nghề biển nhưng lại không có việc làm tại nơi ở mới. Từ đó, do không chịu được đói nghèo nên người thì bán nhà đi nơi khác tìm kế sinh nhai, người thì đóng cửa tha hương cầu thực. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của địa phương”, ông Trung chia sẻ.

3caurachgocgiuptananxoatheocdao10032021.jpg
Cầu Rạch Gốc được xây dựng đã giúp xã Tân Ân xóa thế ốc đảo - Ảnh: Trần Khải

Đâu là giải phát căn cơ?

Ông Tô Trí Dũng, Trưởng ban Công tác mặt trận ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân tâm sự: “Muốn địa phương phát triển, trước hết chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Bây giờ, một bộ phận hộ nghèo không chịu phấn đấu vươn lên mà còn trông chờ vào Nhà nước, bởi nghèo thì có đầy đủ chế độ cứu trợ nên họ cứ “tha hồ” nghèo. Họ chẳng sợ đói vì có Nhà nước nuôi, chứ phấn đấu thoát nghèo thì mất nguồn hỗ trợ. Có những hộ nghèo tờ mờ sáng đã nhậu rồi, nghèo mà nhậu bia, mồi sang trọng thì đâm ra nợ. Thử hỏi như vậy làm sao xã phát triển được?”.

4nhungcannhahoangtanoxatanan10032021.jpg
Những căn nhà vắng chủ hoang tàn mọc đầy cỏ dại - Ảnh: Trần Khải

Nói về giải pháp để vực dậy nền kinh tế địa phương, Chủ tịch UBND xã Tân Ân Trịnh Thành Trung cho biết ông và chính quyền xã đã có hướng đề xuất với cấp trên xin tỉnh hỗ trợ nguồn vốn khoa học công nghệ để phân bổ cho người dân trồng rau màu, nuôi cá nước ngọt…, để phát triển sản xuất.

“Rau màu tiêu thụ trên địa bàn H.Ngọc Hiển hầu như được tiểu thương nhập về chứ ở huyện không có nguồn cung. Còn cá nước ngọt thì rất ít người nuôi nên nhu cầu tăng cao. Xuất phát từ thực tế đó, tôi nảy ra ý tưởng xin chủ trương hỗ trợ vốn cho người dân trồng màu, nuôi cá để ổn định kinh tế gia đình. Khu vực các ấp Ô Rô, Rạch Gốc, Xẻo Mắm đất trống còn nhiều nên thích hợp để triển khai. Nhu cầu tiêu thụ rau màu sạch hằng ngày trên địa bàn H.Ngọc Hiển rất lớn. Hiện chỉ thiếu nguồn cung cấp thôi”, ông Trung nói.

5nhieunhadongcuadochunhadixakiemsongoxatanan10032021.jpg
Nhiều ngôi nhà đóng cửa vì chủ nhà bỏ quê đi làm ăn xa - Ảnh: Trần Khải

Hiện nay, hạ tầng giao thông ở Tân Ân cơ bản được đầu tư, xây dựng đạt tiêu chuẩn, nhất là từ khi có cầu Rạch Gốc thì việc đi lại, giao thương dễ dàng, thuận tiện hơn trước nhiều. Vì vậy, để xã đảo Tân Ân phát triển thì hơn lúc nào hết các ban, ngành cấp trên cần quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ cho địa phương hơn nữa trong việc kêu gọi, thu hút nhà đầu tư vào địa phương; hỗ trợ các vấn đề chính sách, vay vốn để thực hiện các mô hình có hiệu quả... Có như vậy thì Tân Ân mới giải quyết được nhu cầu việc làm tại chỗ, không còn cảnh người dân bỏ quê mà tha hương kiếm sống.

6nguoidanmuusinhbangnghebatoclenbakhia10032021.jpg
Người dân mưu sinh bằng nghề bắt ốc len, ba khía trong rừng - Ảnh: Trần Khải

“Nguồn nhân lực ở xã không thiếu, mỗi cán bộ, đảng viên đều xông xáo, nhiệt huyết và sục sôi ý chí cống hiến, đóng góp cho địa phương vươn lên. Tuy nhiên, bấy nhiêu đó là chưa đủ, chúng tôi rất cần cấp trên quan tâm, tạo điều kiện cho địa phương hơn nữa, nhất là các nguồn vốn dành cho thúc đẩy sự phát triển sản xuất”, ông Trung tâm tư.

Trần Khải