Trung Quốc thay đổi quy trình chọn thủ tướng, cơ hội cho người trung thành với ông Tập Cận Bình

Quốc tế - Ngày đăng : 10:53, 11/03/2021

Với việc Thủ tướng Lý Khắc Cường hết nhiệm kỳ vào năm 2023, đây là thời gian chạy đua để bổ nhiệm người kế nhiệm.
trung-quoc-thay-doi-viec-lua-chon-thu-tuong-mo-duong-cho-nguoi-trung-thanh-voi-ong-tap2.jpg
Nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ kết thúc vào tháng 3.2023

Khi thời gian không còn nhiều cho nhóm ứng cử viên trung thành với Chủ tịch Tập Cận Bình, Quốc hội Trung Quốc sẽ thay đổi một quy trình lựa chọn chính trị sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến vị trí quyền lực thứ hai của đất nước từng do ông Chu Ân Lai nắm giữ.

Quốc hội Trung Quốc (Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc hay NPC) dự kiến ​​sẽ thông qua luật vào 11.3 sẽ cho phép một quy trình linh hoạt hơn để bổ nhiệm hoặc cách chức các phó thủ tướng, nhóm nhân tài mà từ đó thường được chọn làm thủ tướng.

Luật hiện hành yêu cầu việc bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm các phó thủ tướng phải được thông qua bởi Quốc hội, thường chỉ triệu tập mỗi năm một lần. Dự luật sẽ cho phép các quyết định như vậy được đưa ra bởi Ủy ban thường vụ của cơ quan lập pháp, họp hai tháng một lần.

Điều đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc lựa chọn các thủ tướng trong tương lai, bao gồm cả người kế nhiệm đương kim Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Hiến pháp của Trung Quốc giới hạn các thủ tướng trong hai nhiệm kỳ liên tiếp và ông Lý Khắc Cường sẽ rời chức vụ này vào tháng 3.2023. Thủ tướng Lý Khắc Cường được đồn đại có quan hệ xấu với ông Tập Cận Bình và điều này cho phép Chủ tịch Trung Quốc có cơ hội chọn một người trung thành vào vị trí số 2 của đất nước.

Quan chức tiếp theo đảm nhận vị trí này sẽ được xác định tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (tổ chức 5 năm một lần) vào mùa thu 2022.

Thủ tướng Trung Quốc chỉ đạo và giám sát công việc của Quốc vụ viện, cơ quan hành chính hàng đầu nước, và nắm quyền chủ yếu về chính sách kinh tế. Các thủ tướng trong quá khứ đã đóng những vai trò nổi bật, chẳng hạn Chu Ân Lai (nhà quản lý có năng lực ủng hộ Chủ tịch Mao Trạch Đông khi đó) và Chu Dung Cơ (làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước dưới thời Chủ tịch Giang Trạch Dân).

trung-quoc-thay-doi-viec-lua-chon-thu-tuong-mo-duong-cho-nguoi-trung-thanh-voi-ong-tap.jpg
Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa hiện là sự lựa chọn khả thi cho nhiệm kỳ Thủ tướng Trung Quốc tiếp theo

Trong số 4 phó thủ tướng hiện tại, ba người đã gần hoặc đã đến tuổi nghỉ hưu không chính thức của đảng là 68 với các quan chức hàng đầu.

Điều đó chỉ khiến Phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa, người liên kết với Đoàn Thanh niên Cộng sản - tổ chức chính trị hùng mạnh và là đối thủ của ông Tập Cận Bình - là sự lựa chọn khả thi duy nhất. Ông Lý Khắc Cường cũng thuộc phe này.

Với tư chất thông minh, cần cù và tháo vát, Hồ Xuân Hoa được nguyên Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình) gửi gắm hay còn gọi là “bổ nhiệm cách đời” theo thông lệ xưa nay của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hồ Xuân Hoa cũng được Thủ tướng Lý Khắc Cường rất quý mến.

Nếu ông Tập Cận Bình muốn đưa một ứng viên được lựa chọn kỹ lưỡng của mình vào vai trò này thì quan chức đó trước tiên sẽ cần một thời gian làm phó thủ tướng để tích lũy kinh nghiệm. Song sẽ không có đủ thời gian cho việc này trước đại hội đảng trừ khi luật được thay đổi để cho phép bổ nhiệm ai đó giữa các phiên NPC.

Ấn bản hôm Thứ ba của Văn Hối Nhật báo, tờ báo hàng đầu Hồng Kông, đã đề cập đến ông Hồ Xuân Hoa như người kế nhiệm tiềm năng của Thủ tướng Lý Khắc Cường, nhưng cũng lưu ý khả năng các quan chức cấp cao trong khu vực được coi là thân cận với ông Tập Cận Bình sẽ được đề cử cho các chức vụ phó thủ tướng trước đại hội đảng.

Danh sách này bao gồm Lý Cường (Bí thư Thành ủy thành phố Thượng Hải), Lý Hi (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông) và Trần Mẫn Nhĩ (Bí thư thành ủy thành phố Trùng Khánh).

trung-quoc-thay-doi-viec-lua-chon-thu-tuong-mo-duong-cho-nguoi-trung-thanh-voi-ong-tap22.jpg
Trần Mẫn Nhĩ, đồng minh của ông Tập Cận Bình, được coi là phó thủ tướng tiềm năng

Việc Lật Chiến Thư, một trong những đồng minh thân cận nhất của ông Tập Cận Bình, đứng đầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội càng làm tăng thêm suy đoán này.

Trong khi đó, Hồ Xuân Hoa phải đối mặt với những sóng gió chính trị gay gắt. Các nhà chức trách năm ngoái đã phát hiện ra tham nhũng trong ngành công nghiệp than ở Nội Mông, nơi ông Hồ Xuân Hoa giữ chức bí thư từ năm 2009 đến 2012 và chính phủ của ông Tập Cận Bình thề sẽ điều tra hành vi bị cáo cuộc sai trái 2 thập kỷ trong khu vực.

Trong cuộc gặp hôm 5.3 của phái đoàn Nội Mông với Quốc hội, ông Tập Cận Bình nói rằng chính phủ sẽ chấm dứt nạn tham nhũng. Nếu những nhân vật thân cận với Hồ Xuân Hoa bị cuốn vào cuộc đàn áp, ông ta có thể phải đối mặt với bất lợi lớn trong cuộc đua giành vị trí thủ tướng.

Nhân Hoàng