Mỹ, Anh chỉ trích Trung Quốc thay đổi hệ thống bầu cử Hồng Kông
Quốc tế - Ngày đăng : 09:54, 12/03/2021
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 11.3, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: trong cuộc gặp các nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc vào ngày 18 và 19 tháng này tại Alaska, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan sẽ "không ngần ngại" nêu lên các vấn đề Hồng Kông, Đài Loan cho tới các quan ngại của Mỹ về mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung.
Đề cập đến việc Trung Quốc thay đổi hệ thống bầu cử của Hồng Kông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price coi động thái ấy "tấn công trực tiếp lên nền tự trị, các quyền tự do và tiến trình dân chủ của Hồng Kông".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói những đề xuất để thay đổi hệ thống bầu cử Hồng Kông càng làm xói mòn hơn nữa lòng tin của quốc tế đối với Trung Quốc. “Đây là bước đi mới nhất của Bắc Kinh nhằm xóa bỏ không gian cho các cuộc tranh luận dân chủ ở Hồng Kông”, ông Raab nói.
Những bình luận trên được đưa ra sau khi Quốc hội Trung Quốc ngày 11.3 thông qua dự thảo quyết định thay đổi hệ thống bầu cử Hồng Kông, giảm hơn nữa những đại diện dân chủ trong các định chế của thành phố và áp dụng cơ chế sàng lọc ứng viên trung thành với Bắc Kinh.
2.895 đại biểu quốc hội Trung Quốc đã bỏ phiếu tán thành quyết định trao quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội soạn thảo nội dung sửa đổi với Phụ lục I và II của Luật Cơ bản Hồng Kông, vốn được coi như "tiểu hiến pháp" của đặc khu. Có một đại biểu bỏ phiếu trắng đối với quyết định này.
"Quyết định này nhằm đặt quyền điều hành thành phố một cách chắc chắn vào tay các lực lượng yêu nước và yêu Hồng Kông", Vương Thần, phát ngôn viên của Quốc hội Trung Quốc cho hay.
Văn phòng Liên lạc, cơ quan đại diện của Bắc Kinh tại Hồng Kông, cho biết trong một tuyên bố: “Chính quyền trung ương có ý tốt”.
“Chúng tôi mong muốn tất cả các thành phần trong cộng đồng và công chúng hãy làm chủ công việc sửa đổi luật và đưa ra các đề xuất, hầu tập hợp năng lượng chung dưới ngọn cờ của lòng yêu nước và tình yêu đối với Hông Kông”, Văn phòng liên lạc nêu trong một tuyên bố.
Dù các điều khoản mới của Phụ lục I và II của Luật Cơ bản Hồng Kông quy định về hệ thống bầu cử ở đặc khu chưa được công bố rõ ràng, quyết định này sẽ mở đường cho "hệ thống sàng lọc" các ứng viên với tiêu chí "lòng yêu nước" trong tiến trình bầu cử ở đặc khu của Trung Quốc.
Giới phân tích nhận định, điều kiện về “lòng yêu nước” làm tăng nguy cơ các chính trị gia sẽ bắt đầu cạnh tranh xem ai trung thành hơn với Bắc Kinh, thay vì ai có ý tưởng hay hơn về cách quản lý Hồng Kông.
Theo nhiều chuyên gia, động thái mới nhất này là một phần trong các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm củng cố "gọng kìm" kiểm soát với đặc khu Hồng Kông, một trung tâm tài chính quốc tế, sau khi áp dụng luật an ninh quốc gia vào tháng 6 năm ngoái.
Trước đó luật an ninh quốc gia bị dư luận coi là công cụ để “trấn áp” giới bất đồng chính kiến, một phản ứng của Bắc Kinh trước các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông hồi năm 2019. Kể từ đó, hầu hết các chính trị gia và nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng đều đã bị tống vào tù hoặc phải lưu vong.