Bị cấm biểu tình, hơn 1 triệu người Myanmar ở Thái Lan bất lực khi quân đội đàn áp đồng bào
Quốc tế - Ngày đăng : 14:01, 12/03/2021
Hơn 1 triệu công nhân Myanmar sống ở Thái Lan đang bất lực khi quân đội gia tăng bạo lực tại quê hương để cố gắng phá vỡ phong trào bất tuân dân sự.
Theo Bộ Lao động Thái Lan, đã có 2,5 triệu lao động nhập cư đăng ký tại vương quốc này vào cuối năm 2020. Trong số đó, hơn 1 triệu người đến từ Myanmar, khiến Thái Lan trở thành nơi có cộng đồng người Myanmar xa xứ lớn nhất trên thế giới.
Cũng có hàng ngàn người khác không có giấy tờ tùy thân, theo Mạng lưới Bảo hộ Lao động. Những người lao động nhập cư từ Myanmar thường làm những công việc mà hầu hết người Thái tránh vì tính khó khăn, bẩn thỉu hoặc mức lương thấp.
"Tôi rất tức giận với chính quyền", Japan Kyanphar, công nhân nhập cư từ bang Mon, Myanmar nói với trang Nikkei vào cuối tháng 2.2021. Anh đã làm việc tại một công ty thủy sản của Thái Lan ở tỉnh Samut Sakhon trong 20 năm qua.
"Tôi ghét cuộc đảo chính vì nó đang kéo đất nước tôi lùi lại 30 năm trước, nhưng tôi không biết mình có thể làm gì để giúp người dân của mình", Japan Kyanphar nói.
Sau cuộc đảo chính, Japan Kyanphar đã xuống đường cùng hàng trăm công nhân nhập cư ở tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan để thể hiện tình đoàn kết với phong trào bất tuân dân sự ở Myanmar. Họ đập bình ồn ào, hy vọng thu hút sự chú ý của quốc tế và bày tỏ sự phản đối cuộc đảo chính, song cuộc biểu tình chỉ kéo dài khoảng 10 phút.
Japan Kyanphar nói: “Chúng tôi không thể làm gì hơn vì chính quyền Thái Lan cảnh báo chúng tôi không tổ chức các cuộc biểu tình có thể gây căng thẳng quốc tế”.
Chính phủ Thái Lan mong muốn cộng đồng Myanmar bình tĩnh, không can dự vào bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng xấu đến quan hệ hai nước. Các nhà chức trách cũng lo lắng để tránh bất kỳ tia lửa nào có thể kích hoạt các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm ngoái
tái diễn ở Thái Lan.
Không có thông báo nào được đưa ra để cấm các cuộc biểu tình về Myanmar một cách rõ ràng, nhưng các hạn chế về đại dịch COVID-19 với việc tụ tập đã được viện dẫn để giữ cho các cuộc biểu tình trong tầm kiểm soát.
Hôm 2.2, một ngày sau cuộc đảo chính của Thống tướng Myanmar - Min Aung Hlaing, hàng trăm người biểu tình đã tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Myanmar ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan. Cầm các biểu ngữ và vẫy tay, họ yêu cầu thả Aung San Suu Kyi, lãnh đạo của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), người đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11.2020. Những người biểu tình đã giải tán một cách hòa bình sau vài giờ.
Nang Kham Saung, nữ sinh viên 29 tuổi đến từ Myanmar đang theo học chương trình MBA ở Đại học Mahidol (Thái Lan), cho biết: “Chúng tôi được thông báo rằng nên ngừng biểu tình sau vài giờ, nếu không, chúng tôi sẽ phá bỏ sắc lệnh khẩn cấp vẫn còn áp dụng để kiềm chế đại dịch COVID-19”.
"Không ai muốn bị bắt, kể cả tôi. Tôi vẫn muốn học và không muốn có bất kỳ rắc rối nào trong cuộc sống của mình. Vì vậy, tôi đã phải ngừng phản đối dù rất tức giận và rất muốn làm một cái gì đó để giúp đất nước mình", cô nói.
Tại tỉnh Tak (Thái Lan) giáp với Myanmar, Thống đốc Pongrat Piromrat nói với Nikkei rằng khoảng 10 sinh viên và công nhân Myanmar đã tụ tập để phản đối. Họ được yêu cầu không lặp lại cuộc biểu tình để tránh làm tổn hại quan hệ giữa Thái Lan với Myanmar.
Ông Pongrat Piromrat nói: “Họ khá ngoan và chúng tôi không cần phải sử dụng bất kỳ hành động nghiêm khắc nào hơn với họ. Họ biết rằng phải tuân thủ luật pháp Thái Lan".
Nhiều công nhân bị mắc kẹt ở Thái Lan trong bất lực cảm thấy cuộc đảo chính đã bóp chết triển vọng cải thiện kinh tế của Myanmar. Nam Kham Saung hy vọng tấm bằng MBA sẽ là chìa khóa cho cuộc sống tốt đẹp hơn khi về quê. Cô đã tiết kiệm được thêm tiền khi làm thông dịch viên tiếng Trung và dự định bắt đầu kinh doanh riêng ở thành phố Yangon lớn nhất Myanmar. Nam Kham Saung nói: “Cuộc đảo chính sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế. Sẽ không có cơ hội để tôi mở công việc kinh doanh mà tôi mơ ước".
"Người Myanmar sống bất hợp pháp ở đây có nỗi sợ hãi khủng khiếp khi bị chính quyền Thái Lan bắt giữ và đánh đập. Hầu hết trong số họ không biết tiếng Thái Lan hoặc luật pháp Thái Lan", Patima Tungpuchayakul (39 tuổi), đồng sáng lập Mạng lưới Bảo vệ Lao động năm 2004, nói với Nikkei.
Patima Tungpuchayakul đã tận tâm giúp đỡ những người lao động nhập cư. Cô cho biết ngày càng có nhiều người Thái Lan biết tiếng Myanmar theo dõi các diễn biến trên Facebook, nhưng càng học, họ càng tức giận và tuyệt vọng.
Áp lực đang tăng lên để phát triển một mạng lưới hỗ trợ. Doanh nhân 28 tuổi điều hành một nhà hàng Myanmar truyền thống ở Bangkok, đã phát động chiến dịch trên Facebook để quyên góp tiền hỗ trợ người dân Myanmar.
"Chúng tôi đã yêu cầu quyên góp 100 baht (3,3 USD) từ khoảng 20.000 người. Chúng tôi có thể nhận được khoảng 2 triệu baht để giúp hỗ trợ những người trong phong trào bất tuân dân sự", anh nói.
Anh từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết, đặc biệt là về việc gửi tiền vào Myanmar, vì sợ bị chính quyền Thái Lan điều tra.
Tuy nhiên, những người buôn bán, kinh doanh ở biên giới với Myanmar nói rằng số tiền này có khả năng được chuyển vào nước này bằng tiền mặt để phân phối. Một doanh nhân ở thành phố Chiang Rai giao dịch tại biên giới khoảng 50 triệu baht mỗi ngày nói: “Chuyển 2 hoặc 3 triệu baht tiền mặt sẽ không thu hút nhiều sự chú ý”.
Hôm 11.3, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã đưa ra một tuyên bố về tình hình: "Với tư cách là một nước láng giềng có chung đường biên giới dài, với việc các dân tộc Myanmar và Thái Lan có mối quan hệ tương tác chặt chẽ trên nhiều phương diện, Thái Lan tiếp tục theo dõi những diễn biến ở Myanmar bằng nhiều nhiều sự quan tâm. Cũng như các quốc gia khác, chúng tôi rất đau buồn trước những thiệt hại về nhân mạng và đau khổ của người dân Myanmar do bạo lực ngày càng leo thang trong nước".