Cứu cụ ông U80 thoát khỏi đột quỵ cầm chắc tử vong

Thông tin Y học - Ngày đăng : 18:18, 12/03/2021

Cụ ông bị chóng mặt, tê yếu nửa người bên phải,trước nguy cơ bị đột quỵ dễ bị tử vong đã được cứu sống một cách ngoạn mục.

Cụ ông T.V.B (75 tuổi, ngụ tại Bến Tre) từng có di chứng nhồi máu não và các bệnh lý kèm theo như: tim thiếu máu cục bộ, thoái hóa khớp, viêm dạ dày, tăng lipid máu… Nhiều năm qua cụ B. đã điều trị tại nhiều bệnh viện ở địa phương, nhưng tình trạng bệnh vẫn không được cải thiện.

Mới đây, bất ngờ cụ B. bị chóng mặt, tê yếu nửa người bên phải, người nhà liền chuyển đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cấp cứu.

giai-cuu-cu-ong-u80-thoat-khoi-dot-quy-trong-gang-tac-hinh-anh(1).png
Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã hồi phục và tỉnh táo - Ảnh: BVCC

Tại đây, các bác sĩ phát hiện cụ B. bị hẹp mạch máu lên não, động mạch cảnh trong trái hẹp nặng (90%), động mạch cảnh trong phải hẹp 40%. Bệnh nhân đứng trước tình trạng rất nguy hiểm, gây đột quỵ và tử vong cao.

BSCK2 Cao Minh Thông (Khoa Ngoại tim mạch, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn) cho biết: để giải quyết tình trạng của người bệnh, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật bóc lớp nội mạc động mạch cảnh trong trái. Đây là phương pháp phẫu thuật hiệu quả nhằm xử lý tốt bệnh lý hẹp động mạch cảnh, với ưu điểm về thời gian phẫu thuật nhanh, người bệnh có thể xuất viện sớm.

giai-cuu-cu-ong-u80-thoat-khoi-dot-quy-trong-gang-tac-hinh-anh-2.png
Kết quả chụp MRI cho thấy cụ ông bị tắc động mạch cảnh - Ảnh: BVCC

“Trong quá trình phẫu thuật, chúng tôi phát hiện nhiều mảng xơ vữa, dễ vỡ trong vùng mạch máu hẹp. Nhiều mảng xơ vữa trong thành mạch máu khiến đường kính lưu thông hẹp chỉ còn 1mm, gần như đã tắc hoàn toàn (ở người bình thường đường kính lưu thông là 15mm). Đây là trường hợp vô cùng nguy hiểm, nếu không được thông tắc sẽ dẫn đến nguy cơ nhồi máu não tái phát, thậm chí gây ra tử vong cho người bệnh”, bác sĩ Thông nói.

Bác sĩ Thông cho biết ca phẫu thuật kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ. Sau phẫu thuật cụ B. đã tỉnh táo, nhận biết được người thân. “Đến hôm nay (12.3), thể trạng bệnh nhân đã phục hồi tốt, tình trạng tê yếu một bên giảm dần, cánh tay bên tê yếu trước đây bắt đầu có thể cử động nhẹ nhàng, hồi phục sức cơ như tay kia nên đã được cho xuất viện”, bác sĩ Thông thông tin thêm.

giai-cuu-cu-ong-u80-thoat-khoi-dot-quy-trong-gang-tac-hinh-anh-1.png
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật bóc lớp nội mạc động mạch cảnh trong trái - Ảnh: BVCC

Dù được xuất viện, nhưng theo bác sĩ Thông, do bệnh nhân bị hẹp cả động mạch cảnh trong phải ở mức 40%, nên phải tiếp tục theo dõi trong thời gian tới nhằm ngăn ngừa tình trạng tái phát, cải thiện và nâng cao chất lượng sống của người bệnh.

“Những người có tiền sử tai biến mạch máu não, xơ vữa động mạch, bệnh lý đái tháo đường, mỡ máu, tăng huyết áp nên tiến hành tầm soát định kỳ mỗi năm các mạch máu lên não. Người bệnh nên siêu âm mạch cảnh để phát hiện mảng xơ vữa. Từ việc phát hiện mảng xơ vữa, các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tính chất, tiên lượng mảng xơ vữa, xác định mức độ hẹp và tắc động mạch cảnh, để có kế hoạch điều trị, xử lý nhồi máu não từ giai đoạn sớm, ngăn ngừa sự tái phát và tiến triển thành đột quỵ”, bác sĩ Thông khuyến cáo.

Hồ Quang