Bộ Công Thương lên tiếng về trách nhiệm trong vụ buôn bán xăng giả 'khủng'
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:40, 12/03/2021
Trả lời câu hỏi của PV về trách nhiệm của Bộ Công Thương trong vụ buôn bán xăng giả khủng ở Đồng Nai tại cuộc họp báo chiều nay 12.3, ông Trần Duy - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết hiện nay, hoạt động kinh doanh xăng dầu chịu ảnh hưởng của nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật đầu tư, Luật chất lượng sản phẩm, Luật giá, Luật hải quan, Luật cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Nghị định 83... cùng với đó là nhiều cơ quan như: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học Công nghệ...
Ông Đông cho rằng: Trách nhiệm của Bộ Công Thương liên quan nhiều nhất đến Nghị định 83, Luật chất lượng sản phẩm. Còn Bộ Khoa học Công nghệ được phân công và chịu trách nhiệm về chất lượng, số lượng, pha chế... Các địa phương có trách nhiệm giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, chất lượng xăng dầu của các thương nhân xăng dầu trên địa bàn của mình.
Cụ thể, theo Nghị định 83, Bộ Công Thương có 3 trách nhiệm chính là: Điều hành giá và giám sát việc thực hiện điều hành giá đối với các thương nhân xăng dầu; Đảm bảo nguồn cung cho sản xuất và kinh doanh xăng dầu; Cuối cùng là phát triển hệ thống phân phối cho sản xuất và tiêu dùng.
"Chúng tôi thấy rằng thời gian qua theo chức năng nhiệm vụ trong Nghị định 83, Bộ Công Thương đã thi hành và thực hiện tốt các trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, trong quá trình giám sát, chúng tôi có nhận thấy một số thương nhân kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu, có biểu hiện, vi phạm theo Nghị định 83. Ví dụ như liên quan tới việc duy trì để được cấp giấy chứng nhận hoạt động kinh doanh xăng dầu, hay là những quy định pháp luật khác, những quy định khác về chất lượng, pha chế...", ông Đông nói.
Theo ông, Bộ Công Thương luôn yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo, thực thi pháp luật đầy đủ trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Cụ thể là Bộ thường xuyên có văn bản yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo trách nhiệm trong cung ứng, tiêu dùng và sản xuất. Bên cạnh đó là thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh xăng dầu, trong đó có những vấn đề về duy trì điều kiện đầu tư kinh doanh hay phát triển hệ thống để phục vụ cho tiêu dùng sản xuất.
Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước khẳng định: "Bộ thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan như: Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính... phối hợp để sao cho quản lý thật tốt phòng chống gian lận thương mại như giám sát các hoạt động kinh doanh của các thương nhân kinh doanh xăng dầu. Đến nay, chúng tôi đã có kết quả kiểm tra sơ bộ đợt 1 và sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền trên tinh thần xử lý nghiêm các thương nhân kinh doanh xăng dầu vi phạm Nghị định 83 và vi phạm theo những kiến nghị của cơ quan chuyên ngành".
Về việc hoàn thiện cơ sở pháp lý của Nghị định 83 trong thời gian tới, ông Đông cho biết hiện Bộ Công Thương đã xin ý kiến Chính phủ và hy vọng đây là bước cuối cùng để Nghị định 83 sửa đổi kinh doanh xăng dầu sẽ được thông qua. Ban soạn thảo đã soạn những bất cập để đưa vào sửa đổi như: vấn đề chất lượng, pha chế... xăng dầu vì bây giờ mặt hàng này đã trở nên rất quan trọng và có nhiều doanh nghiệp tham gia "sân chơi".
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết đã kiểm tra khoảng 10 doanh nghiệp là những thương nhân đầu mối, phân phối nằm trong danh sách kiểm tra. Đây đều là những doanh nghiệp có "dấu hiệu", "hiện tượng" vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu như: không đảm bảo điều kiện kinh doanh xăng dầu theo nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, buôn lậu, mua bán hóa đơn.
"Vì vậy, Bộ Công thương hiện đang kiểm tra, hậu kiểm hoạt động kinh doanh xăng dầu. Dự kiến có 4-5 doanh nghiệp bị rút giấy phép trong tổng số hơn 10 doanh nghiệp hậu kiểm", vị này cho hay.
Như Một Thế Giới đã đưa tin trước đó, Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ vợ chồng trùm xăng giả trong đường dây 2,7 triệu lít. Công an Đồng Nai đã phát hiện Lê Thanh Tú (sinh năm 1966) cùng vợ là Trần Thị Thanh Vân (sinh năm 1968), cùng trú tại 161A, khu phố 1, phường Linh Trung, TP.Thủ Đức, TP.HCM là giám đốc và quản lý điều hành của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vân Trúc đã mua xăng nhập lậu, xăng giả của Phan Thanh Hữu và Nguyễn Hữu Tứ (hai kẻ cầm đầu), sau đó phân phối ra thị trường để tiêu thụ. Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vân Trúc có trụ sở chính tại số 71/1G, khu phố Đồng An 2, phường Bình Hòa, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, Lê Thanh Tú và Trần Thị Thanh Vân đã thành lập thêm 11 chi nhánh của Công ty Vân Trúc tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương. Lê Thanh Tú và Trần Thị Thanh Vân đã xây dựng 1 bến thủy nội địa có thể tiếp nhận tàu thủy chở xăng với tải trọng 1.000 tấn, sử dụng 4 tàu có tải trọng từ 400 đến 1.000 tấn để vận chuyển xăng nhập lậu, xăng giả; 1 kho với 7 bồn chứa, tổng dung tích khoảng 4,5 triệu lít. Không chỉ tiêu thụ tại các cây xăng của Công ty Vân Trúc, Lê Thanh Tú và Trần Thị Thanh Vân đã phân phối xăng nhập lậu, xăng giả cho các cây xăng tại các tỉnh phía nam. Trung bình mỗi ngày, Lê Thanh Tú và Trần Thị Thanh Vân đã đưa ra thị trường tiêu thụ trên 500.000 lít xăng nhập lậu, xăng giả. Trên cơ sở chứng cứ, tài liệu thu thập được, sáng 9.3, Đại tá Vũ Hồng Văn - Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đã thi hành lệnh bắt tạm giam với Lê Thanh Tú và Trần Thị Thanh Vân về tội Buôn lậu quy định tại Điều 188, Bộ luật Hình sự và đã di lý số đối tượng này về Công an Đồng Nai để phục vụ công tác điều tra. Tang vật thu giữ gồm: 4 tàu tải trọng từ 400 đến 1.000 tấn, 5 xe bồn dung tích 20 - 25 m3, 1 ô tô, 21 CPU, 1 laptop, 21 ĐTDĐ, 10 đầu thu camera, hơn 1,2 tỉ đồng, 15 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 1,7 kg chất bột tạo màu mà các đối tượng sử dụng để pha chế xăng giả, niêm phong 38 bồn chứa xăng và 39 thùng hồ sơ, tài liệu có liên quan. | |