Việt Nam nằm trong các quốc gia có chất lượng không khí kém
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 20:05, 27/11/2018
Ngày 27.11 tại Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác phát triển Đức GIZ – do Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức (BMU) ủy nhiệm, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) tổ chức Hội thảo “Tăng cường vai trò và kết nối hợp tác cải thiện chất lượng không khí cho TP.Hà Nội”.
Theo Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có 7 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, 92% dân số thế giới đang hít bầu không khí không trong lành. Việt Nam nằm trong các quốc gia có chất lượng không khí kém trên thế giới, trong đó ô nhiễm bụi là vấn đề nổi cộm.
Ở Hà Nội, theo thống kê năm 2018, dân số khoảng 8 triệu người, 6 triệu xe gắn máy, 600 ngàn ôtô, và sự bùng phát các công trình xây dựng do quá trình đô thị hóa nhanh, cùng với việc tiêu thụ 40 triệu Kwh điện và hàng triệu lít xăng dầu mỗi ngày… đã gây ra nguồn phát thải khí nhà kính, gây biến đổi khí hậu và làm suy giảm chất lượng không khí của thành phố.
Trước thực trạng đó, UBND TP.Hà Nội đã triển khai một số hành động nhằm tăng cường quản lý chất lượng không khí như thực hiện Chương trình Một triệu Cây xanh, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, thiết lập các trạm quan trắc không khí và đăng tải thông tin trên trang web chính thức, nhằm đánh giá chất lượng không khí và có những cảnh báo cho người dân…
Bà Lưu Thị Thanh Chi phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: BTC
Tuy nhiên, theo bà Lưu Thị Thanh Chi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, công tác quản lý môi trường thành phố vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể như việc triển khai các dự án đầu tư cho xử lý ô nhiễm môi trường còn chậm; hoạt động quan trắc và kiểm soát nguồn thải còn yếu; ý thức chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức và cá nhân còn thấp; công nghệ sản xuất còn lạc hậu... do đó đã ảnh hưởng đến chất lượng môi trường chung của thành phố.
Bên cạnh đó, bà Lưu Thị Thanh Chi cũng chỉ ra rằng, quá trình đô thị hóa nhanh, cùng với sự gia tăng dân số cơ học, số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng mạnh... đã gây ra ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi và tiếng ồn.
Công tác cải thiện chất lượng không khí nói riêng và công tác bảo vệ môi trường nói chung luôn đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành mạnh mẽ và dài hạn của chính quyền các cấp, các cơ quan nghiên cứu, tổ chức dân sự - xã hội và cộng đồng.
Thu Anh