Dùng vi khuẩn xua đuổi muỗi
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 20:20, 22/01/2019
Hiệu quả xua đuổi côn trùng thậm chí còn cao hơn so với các loại thuốc đang phổ biến như dietitoluamide (DEET) và icaridin.
Loài vi khuẩn Xenorhabdus budapestensis được các nhà vi trùng học Hungary phân lập vào năm 2005 từ loài giun Steinernema bicornutum sống ký sinh trong cơ thể côn trùng, được thu thập tại thành phố Subotica của Serbia. Đó chính là loài vi khuẩn tiêu diệt côn trùng bằng cách phá hủy các tế bào và ngăn chặn phản ứng miễn dịch của côn trùng.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi thử nghiệm cho muỗi ăn trong phòng thí nghiệm, muỗi đã từ chối thức ăn nếu có trộn hợp chất do loài vi khuẩn này tiết ra. Thử nghiệm được thực hiện bằng cách sử dụng màng mô được tẩm các chất xua đuổi muỗi (chất chuyển hóa của vi khuẩn, DETA hoặc icaridine) hoặc là nước lã thông thường.
Muỗi có nửa giờ để ăn, sau đó các nhà khoa học đã đếm được bao nhiêu phần trăm muỗi đã ăn một chất tổng hợp tương tự máu.
Trong một thử nghiệm đối chứng dùng nước lã trộn vào thức ăn, muỗi cho thấy sự thèm ăn, nhưng khi trộn hợp chất do loài vi khuẩn Xenorhabdus budapestensis tiết ra thì chúng sợ và không động đến thức ăn. Hơn nữa, để đạt được hiệu quả xua đuổi muỗi, chỉ cần hợp chất do vi khuẩn tiết ra ít hơn 8 lần so với icaridine và ít hơn 3 lần so với DETA.
Điều rất đáng chú ý, đây là lần đầu tiên hợp chất do vi khuẩn tiết ra được sử dụng làm nguồn thuốc chống côn trùng.
Phương pháp khối phổ đã chỉ ra rằng hỗn hợp 2 chất do vi khuẩn Xenorhabdus budapestensis tiết ra đã phát huy tác dụng, các nhà khoa học có kế hoạch kiểm tra tác dụng này đối với ve và các loài côn trùng khác.
Vũ Trung Hương