Đến năm 2025, huy động thêm hàng trăm ngàn tỉ đồng cho ĐBSCL

Sự kiện - Ngày đăng : 14:44, 13/03/2021

Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu qua hơn 3 năm thực hiện đã tạo được những bước cơ sở đầu tiên.

Các mục tiêu, nhiệm vụ trong nghị quyết mang tính chiến lược, dài hạn. Điều này đặt ra vấn đề cần có một nguồn lực lớn để đảm bảo khối lượng lớn công việc đã đề ra.

anh-1-thu-tuong.jpg
Thủ tướng gửi lời cảm ơn người dân miền Tây đã cần cù lao động - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng cảm ơn người dân miền Tây Nam Bộ

Ngày 13.3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tổ chức tại TP.Cần Thơ.

Sau khi lắng nghe 13 ý kiến, Thủ tướng đã kết luận hội nghị, đánh giá cao nhiều ý kiến, báo cáo, tham luận hết sức sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm, đầy trăn trở, nhưng do thời gian có hạn, nhiều chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không có thời gian phát biểu. Thủ tướng thấy đó là tình cảm mà các đại biểu, cũng như người dân theo dõi trực tuyến hội nghị dành cho ĐBSCL.

Trong một thập niên qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, huy động nhiều nguồn lực để phát triển ĐBSCL trong bối cảnh vùng được dự báo chịu tác động nặng nề của BĐKH. Nghị quyết 120 của Chính phủ cũng trên tinh thần ấy. Không chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế, những giải pháp trong những năm qua còn thể hiện tình cảm, trách nhiệm của đồng bào cả nước với ĐBSCL.

Nhắc lại câu ca dao “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/Ăn gạo nhớ kẻ đâm xay giần sàng”, Thủ tướng gửi lời cảm ơn đến người dân miền Tây Nam Bộ đã cần cù lao động, làm ra các sản phẩm nông sản, bảo đảm an ninh lương thực.

Huy động nhiều nguồn lực để ĐBSCL cất cánh

Trước đó trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết tại Nghị quyết 120, Bộ KH-ĐT được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ. Trong thời gian tới, bộ sẽ kiến nghị để cụ thể hóa việc triển khai thực hiện quy hoạch vùng, việc sử dụng nguồn lực, phân bổ nguồn lực, xây dựng danh mục dự án có tính lan tỏa, động lực, các dự án đường ven biển ĐBSCL.

Về công tác quy hoạch, Bộ KH-ĐT đã phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, 13 địa phương vùng ĐBSCL, Ngân hàng Thế giới và đơn vị tư vấn nước ngoài tổ chức nhiều hoạt động lấy kiến rộng rãi, nhất là ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước am hiểu vùng ĐBSCL. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý có tính định hướng và xác đáng đối với quy hoạch vùng, Bộ đã hoàn thiện báo cáo quy hoạch, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và các tài liệu liên quan khác.

anh-3-huy-dong-von.jpg
Kế hoạch đầu tư 2021-2025 cho ĐBSCL - Ảnh: baochinhphu.vn

Đến nay báo cáo quy hoạch vùng đang ở bước cuối trình hội đồng thẩm định thông qua. Cùng với quy hoạch vùng, toàn bộ 13/13 địa phương trong vùng đang khẩn trương triển khai lập quy hoạch tỉnh nhằm cụ thể hóa quy hoạch vùng trong bối cảnh tổng thể, liên kết, đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Theo kế hoạch đã được phê duyệt, dự kiến đến hết năm 2022, toàn bộ địa phương trong vùng sẽ hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố quy hoạch tỉnh.

Về huy động nguồn lực, trên cơ sở kiến nghị của Bộ KH-ĐT, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 973 ngày 8.7.2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26 ngày 14.9.2020 về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025. Trong đó quy định các tiêu chí tính điểm của vùng ưu tiên cao hơn các vùng khác trong cả nước.

Trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước (NSNN) dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý dự kiến đạt khoảng 266.000 tỉ đồng, tăng 20% so với giai đoạn 2016-2020. Trong đó vốn ngân sách đối ứng địa phương là khoảng 162.000 tỉ đồng. Ngoài ra, vốn NSNN đầu tư qua một số bộ như GT-VT, NN-PTNT, Y tế... để triển khai các công trình dự án trong vùng đạt khoảng 121.000 tỉ đồng.

Tổng số vốn NSNN đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 của vùng khoảng 388.000 tỉ đồng. Với số vốn được bố trí như trên, sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm của vùng như: thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau; các tuyến đường giao thông có tính chất liên kết vùng và một số tuyến quốc lộ trong vùng.

Riêng đối với nguồn vốn ODA, để bổ sung thêm 2 tỉ USD trong giai đoạn 2021 - 2025 cho ĐBSCL theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại chỉ thị 23/CT-TTg, Bộ KH-ĐT đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu, xây dựng báo cáo đề xuất khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL, quy mô dự kiến 1,05 tỉ USD.

Với quy mô vốn này, sẽ hoàn thành được các công trình: đường ven biển đối với các tỉnh có biển từ Tiền Giang đến Kiên Giang; hồ trữ nước ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất vùng tứ giác Long Xuyên, một số công trình giao thông liên tỉnh có tính lan tỏa... Tuy nhiên số vốn trên mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu của các địa phương, chưa thể kết nối liên tục các tuyến ven biển, còn nhiều nơi như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau vẫn phải đi phà hoặc vòng sang cầu hiện hữu đã quá tải.

Do đó, để có thêm nguồn lực ngoài khoản vay của Ngân hàng Thế giới, Bộ KH-ĐT đã làm việc và nhận được nhiều đề xuất cung cấp khoản vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại của các đối tác phát triển.

ĐBSCL cần cơ chế đặc thù để phát triển

Theo Bộ KH-ĐT, hiện nay, hồ sơ đề xuất khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu cho ĐBSCL đã được bộ hoàn thiện và đã nhận được sự đồng thuận của các bộ và 13 tỉnh thành trong vùng. Tuy nhiên, việc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách nêu trên còn gặp một số vướng mắc, do chưa nhận được ý kiến đồng thuận của Bộ Tài chính.

anh-2-bo-truong-bo-khdt.jpg
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT- Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị -Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo ý kiến của Bộ Tài chính, các dự án tại các địa phương sử dụng vốn vay tại khoản hỗ trợ ngân sách trên thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, nên không thể cấp phát 100% vốn vay. Địa phương phải vay lại theo Nghị định số 97 về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

Bộ KH-ĐT nhận thấy, các địa phương vùng ĐBSCL đa phần khó khăn, ít có khả năng vay lại. Các dự án dự kiến triển khai là các dự án hạ tầng thiết yếu, đặc biệt quan trọng, nhưng không có khả năng thu hồi vốn, nên chưa có thể áp dụng cơ chế tại Nghị định số 97 của Chính phủ. Như vậy cần một cơ chế đặc thù, vượt trội cho nguồn vốn này để thực hiện được mục tiêu như kết luận tại các cuộc họp trước đây của Thủ tướng Chính phủ với ĐBSCL.

Ngoài ra, trong thời gian tới đây, Bộ KH-ĐT sẽ tích cực làm việc với các nhà tài trợ để huy động đủ số vốn 2 tỉ USD mà Chính phủ đã cam kết bổ sung thêm cho vùng ĐBSCL. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, ĐBSCL đã đạt được một số kết quả quan trọng. Nhưng mục tiêu và nhiệm vụ tiếp theo vẫn còn rất thách thức, đòi hỏi sự đồng thuận và quyết tâm cao của các bộ ngành, địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt và những quyết định chính xác, kịp thời của Chính phủ.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị một số nội dung quan trọng đối với vùng ĐBSCL. Một là về nguồn vốn ODA, kiến nghị Thủ tướng xem xét, đồng ý tiếp nhận 2 tỉ USD hỗ trợ thêm cho vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025, tăng thêm 950 triệu USD ngoài khoản 1,05 tỉ USD mà Ngân hàng Thế giới đã cam kết. Thực hiện cơ chế cấp phát 100% cho các địa phương trong vùng để hoàn thiện khép kín toàn bộ tuyến đường ven biển, hoàn thành các cầu lớn kết nối các địa phương trong vùng, các dự án thủy lợi liên kết vùng, một số trục giao thông động lực của vùng.

Hai là, về công tác quy hoạch, kiến nghị Thủ tướng giao Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch vùng xem xét, sớm tổ chức thẩm định quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 4.2021.

Ba là về phân bổ nguồn lực, các địa phương cần ưu tiên bố trí nguồn vốn đối ứng để triển khai các dự án có tính chất kết nối liên vùng, liên tỉnh, có tác động lan tỏa. Mở rộng không gian phát triển, tạo quỹ đất cho sản xuất kinh doanh, ưu tiên kết nối tuyến giao thông hành lang ven biển.

Nguyên Việt