Hơn 70 người chết khi biểu tình chống đảo chính, Mỹ - Ấn - Úc - Nhật thề khôi phục nền dân chủ ở Myanmar
Quốc tế - Ngày đăng : 16:47, 13/03/2021
Một nhân chứng nói với Reuters rằng 3 người đã thiệt mạng và một số người bị thương khi cảnh sát nổ súng vào cuộc biểu tình tại thành phố Mandalay lớn thứ hai Myanmar.
Truyền thông đưa tin một người khác bị giết ở thị trấn trung tâm Pyay và hai người chết trong vụ cảnh sát nổ súng ở thành phố Yangon lớn nhất Myanmar.
“Lực lượng an ninh ban đầu đã chặn xe cứu thương tiếp cận những người bị thương và chỉ cho phép sau đó. Vào thời điểm họ cho phép, một trong những người bị thương trở nên nguy kịch và anh ta sau đó đã chết", người biểu tình 23 tuổi ở Pyay nói với Reuters, yêu cầu giấu tên vì sợ bị trả thù.
Các nhà lãnh đạo của Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản tuyên bố sẽ làm việc cùng nhau để khôi phục nền dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á này.
Hơn 70 người đã thiệt mạng ở Myanmar trong các cuộc biểu tình lan rộng chống lại cuộc đảo chính của quân đội hôm 1.2, nhóm vận động của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết.
Các cuộc biểu tình hôm 13.3 nổ ra sau khi các áp phích lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội kêu gọi mọi người đánh dấu ngày giỗ của Phone Maw, người bị lực lượng an ninh bắn chết vào năm 1988 bên trong khuôn viên Học viện Công nghệ Rangoon.
Vụ nổ súng vào Phone Maw và một sinh viên khác chết vài tuần sau đó đã gây ra các cuộc biểu tình rộng rãi chống lại chính quyền quân sự được gọi là chiến dịch 8-8-88 vì chúng đạt đỉnh điểm vào tháng 8.1988. Ước tính có khoảng 3.000 người thiệt mạng khi quân đội dập tắt cuộc nổi dậy, vào thời điểm thách thức lớn nhất với sự cai trị của quân đội có từ năm 1962.
Bà Aung San Suu Kyi nổi lên như một biểu tượng dân chủ trong suốt phong trào và bị quản thúc tại gia trong gần hai thập kỷ.
Aung San Suu Kyi được trả tự do vào năm 2008 khi quân đội bắt đầu cải cách dân chủ; đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử vào năm 2015 và một lần nữa vào tháng 11.2029.
Ngày 1.2.2021, các tướng lĩnh Myanmar đã lật đổ chính phủ dân sự và bắt giam Suu Kyi cùng nhiều đồng nghiệp trong nội các của bà, tuyên bố có gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11.2020.
Cuộc đảo chính ở Myanmar, nơi quân đội có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, là thử nghiệm lớn đầu tiên với Tổng thống Joe Biden.
Chính quyền Biden đã đánh dấu cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Nhật Bản và Úc hôm 12.3, hội nghị thượng đỉnh chính thức đầu tiên của nhóm được gọi là Bộ tứ kim cương (Quad), như một phần của nỗ lực thể hiện cam kết mới của Mỹ với an ninh khu vực.
“Là những người ủng hộ lâu dài của Myanmar và người dân nước này, chúng tôi nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải khôi phục nền dân chủ và ưu tiên tăng cường khả năng phục hồi dân chủ”, bốn nhà lãnh đạo cho biết trong một tuyên bố do Nhà Trắng công bố.
Phát ngôn viên của quân đội Myanmar đã không trả lời các cuộc điện thoại từ Reuters để tìm kiếm bình luận.
Điều tra viên nhân quyền của Liên Hợp Quốc - Thomas Andrews hôm 12.3 đã bác bỏ những bình luận "vô lý" của một quan chức cấp cao Myanmar rằng các nhà chức trách đang thực hiện "sự kiềm chế tối đa".
Phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva, ông kêu gọi một cách tiếp cận thống nhất để "tước bỏ cảm giác không bị trừng phạt của quân đội".
Hôm 12.3, Hàn Quốc đã cảnh báo công dân của mình ở Myanmar rời khỏi nước này, nói rằng "căng thẳng chính trị, bất ổn đang lan rộng kể từ khi quân đội tiếp quản và mức độ bạo lực đang gia tăng".
Hàn Quốc cho biết sẽ đình chỉ trao đổi quốc phòng và xem xét lại viện trợ phát triển cho Myanmar vì bạo lực.
Điện Kremlin cho biết Nga, quốc gia có quan hệ chặt chẽ với quân đội Myanmar, lo ngại về tình hình bạo lực gia tăng và đang phân tích xem liệu có nên đình chỉ hợp tác quân sự-kỹ thuật hay không.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời Người phát ngôn Điện Kremlin - Dmitry Peskov cho biết: “Chúng tôi đánh giá tình hình là đáng báo động và chúng tôi lo ngại về thông tin về số lượng thương vong dân sự ngày càng tăng”.
Bộ ngoại giao Ba Lan nói một nhà báo nước này đã bị bắt trong tuần qua tại Myanmar. Đây là phóng viên nước ngoài thứ hai bị giam giữ. Một nhà báo Nhật Bản đã bị giam giữ trong thời gian ngắn khi đưa tin về một cuộc biểu tình.
Nhà hoạt động địa phương Salai Lian nói cảnh sát chống bạo động và binh lính có vũ trang đã ập vào Bệnh viện đa khoa ở thành phố Hakha, phía tây bang Chin, buộc tất cả 30 bệnh nhân và nhân viên y tế phải rời đi.
Các binh sĩ đã chiếm đóng các bệnh viện và trường đại học trên khắp Myanmar khi cố gắng dập tắt phong trào bất tuân dân sự được khởi động từ các nhân viên chính phủ, bác sĩ và giáo viên nhưng đã mở rộng thành cuộc tổng đình công làm tê liệt nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.
Tối 12.3, những đám đông lớn tụ tập vào buổi tối. Ở Yangon, họ thắp nến theo hình dạng của cái chào bằng ba ngón tay, biểu tượng của phong trào, trong khi các nhà sư mặc áo cà sa tập trung bên ngoài một ngôi chùa ở miền bắc Sagaing.