Thêm 38 người biểu tình và 1 cảnh sát Myanmar thiệt mạng, nhiều nhà máy Trung Quốc bị đốt cháy

Quốc tế - Ngày đăng : 22:00, 14/03/2021

Truyền thông địa phương cho biết ít nhất 22 người biểu tình Myanmar bị giết ở ngoại ô thành phố Yangon.

Các lực lượng an ninh đã giết chết ít nhất 22 người biểu tình ở một vùng ngoại ô công nghiệp nghèo nàn của thành phố Yangon lớn nhất hôm 14.3 và ít nhất 16 người ở các vùng khác của đất nước, theo truyền thông địa phương.

Đài truyền hình nhà nước Myanmar - MRTV cho biết một cảnh sát đã bị giết trong ngày đẫm máu của cuộc biểu tình chống đảo chính.

Thật là kinh khủng. Mọi người đã bị bắn trước mắt tôi. Nó sẽ không bao giờ phai mờ trong ký ức của tôi”, một phóng viên ảnh tại hiện trường cho biết.

Đại sứ quán Trung Quốc kêu gọi Myanmar bảo vệ tài sản và công dân của mình sau khi cho biết các nhà máy may mặc do Trung Quốc tài trợ bị đốt cháy bởi những kẻ tấn công không rõ danh tính. Nhiều nhân viên Trung Quốc đã bị thương và mắc kẹt trong các cuộc tấn công đốt phá này.

Các cuộc biểu tình hiện đã bước sang tuần thứ 6 kể từ khi quân đội Myanmar lật đổ nhà lãnh đạo đắc cử Aung San Suu Kyi và khiến đất nước Đông Nam Á rơi vào tình trạng hỗn loạn, với nền kinh tế bị tê liệt bởi các cuộc đình công của những người chống đảo chính.

Lực lượng an ninh đã nổ súng vào những người biểu tình ở quận Hlaingthaya của thành phố Yangon, một vùng ngoại ô nghèo nàn, nơi sinh sống của những người di cư từ khắp đất nước. Những làn khói đen bốc lên nghi ngút cả khu vực. Trang Myanmar Now cho biết ít nhất 22 người biểu tình đã thiệt mạng, theo bệnh viện địa phương và một nhân viên cứu hộ.

Một quan chức từ Bệnh viện Hlaingthaya cho biết số người chết và số người bị thương vẫn đang đến”, trích báo cáo. Các phương tiện truyền thông Myanmar khác thậm chí còn đưa ra số thương vong cao hơn.

Đài truyền hình Myawadday do quân đội điều hành cho biết lực lượng an ninh đã hành động sau khi 4 nhà máy may mặc và một nhà máy phân bón bốc cháy với khoảng 2.000 người đã ngăn xe chữa cháy tiếp cận họ.

MRTV cho biết thiết quân luật đã được áp dụng trong khu vực. Phát ngôn viên của quân đội đã không trả lời các cuộc gọi yêu cầu bình luận.

Tiến sĩ Sasa, đại diện của các nhà lập pháp được bầu từ hội đồng bị quân đội lật đổ, đã kêu gọi người dân trong khu vực đoàn kết.

Ông nói: “Những thủ phạm, những kẻ tấn công, kẻ thù của người dân Myanmar, SAC (Hội đồng Hành chính Nhà nước) xấu xa sẽ phải chịu trách nhiệm cho từng giọt máu đổ ra”.

17-nguoi-bieu-tinh-va-1-canh-sat-myanmar-thiet-mang(1).jpg
Một người biểu tình đi trên con phố đầy túi nước dùng để chống hơi cay, trong cuộc biểu tình chống đảo chính tại ngã ba Hledan ở Yangon hôm 14.3
17-nguoi-bieu-tinh-va-1-canh-sat-myanmar-thiet-mang2.jpg
Một người đàn ông sử dụng súng cao su trong lúc lực lượng an ninh đàn áp chống đảo chính
17-nguoi-bieu-tinh-va-1-canh-sat-myanmar-thiet-mang22.jpg
17-nguoi-bieu-tinh-va-1-canh-sat-myanmar-thiet-mang222.jpg
Nhiều người tham gia cuộc biểu tình tại ngã ba Hledan

Myanmar Now dẫn lời người dân cho biết 3 nhà máy đã bốc cháy ở Hlaingthaya. Không rõ trong số đó có các nhà máy may mặc do Trung Quốc tài trợ mà kênh tin tức CGTN cho biết đã bị đốt cháy hay không.

CGTN dẫn lời Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar kêu gọi hỗ trợ: “Trung Quốc kêu gọi Myanmar thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn nữa để ngăn chặn mọi hành vi bạo lực, trừng phạt thủ phạm theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của các công ty lẫn nhân viên Trung Quốc tại Myanmar”.

Theo CGTN, thủ phạm vẫn chưa được xác định.

Những người phản đối cuộc đảo chính đã chỉ trích Trung Quốc không ra tay mạnh mẽ hơn để chống lại việc quân đội tiếp quản chính quyền như các nước phương Tây đã làm. Trung Quốc nói rằng ưu tiên là ổn định và đó là chuyện nội bộ của Myanmar.

Lãnh đạo cuộc biểu tình Ei Thinzar Maung đăng trên Facebook: "Nếu muốn kinh doanh ở Myanmar ổn định thì hãy tôn trọng người dân Myanmar".

Ngoài Hlaingthaya, ít nhất 16 trường hợp tử vong đã được báo cáo ở những nơi khác của Myanmar vào Chủ nhật, bao gồm cả ở thành phố Mandalay thứ hai Myanmar và Bago, nơi MRTV thông báo một cảnh sát đã chết vì vết thương ở ngực sau cuộc đối đầu với người biểu tình.

Anh ta là cảnh sát thứ hai được báo cáo đã chết trong các cuộc biểu tình.

Đến nay 126 người chết kể từ khi có các cuộc biểu tình phản đối quân đội Myanmar nắm chính quyền. Nhóm vận động của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị tiết lộ hơn 2.150 người đã bị bắt.

Bạo lực xảy ra một ngày sau khi Mahn Win Khaing Than (người được Ủy ban đại diện Hạ viện Myanmar được  bổ nhiệm làm quyền Phó tổng thống Myanmar thay mặt Tổng thống Win Myint và cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi) tuyên bố chính phủ dân sự sẽ tìm cách trao cho người dân quyền hợp pháp để tự vệ.

Bà Suu Kyi sẽ trở lại tòa án vào ngày 15.3 và phải đối mặt với ít nhất 4 tội danh, trong đó có nhập khẩu bất hợp pháp 6 bộ đàm và vi phạm các hạn chế về coronavirus.

Quân đội Myanmar đã nắm quyền sau khi cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử ngày 8.11.2020 mà đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi giành chiến thắng. Quân đội Myanmar hứa sẽ tổ chức cuộc bầu cử mới và trao quyền cho người chiến thắng nhưng chưa ấn định ngày.

Christine Schraner Burgener, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Myanmar, đã lên án điều mà bà gọi là "sự tàn bạo đang diễn ra".

Christine Schraner Burgener cho biết bà đã “đích thân nghe được những lời kể đau lòng từ những người ở Myanmar về những vụ giết người, ngược đãi người biểu tình và tra tấn tù nhân vào cuối tuần qua”.

Christine Schraner Burgener nói việc đàn áp làm suy yếu triển vọng hòa bình và ổn định, kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ người dân Myanmar và nguyện vọng dân chủ của họ.

Nước Anh bày tỏ sự kinh hoàng trước việc lực lượng an ninh sử dụng vũ lực với những người vô tội ở Hlaingthaya và nơi khác.

Chúng tôi kêu gọi chấm dứt ngay bạo lực này và yêu cầu chế độ quân sự trao lại quyền lực cho những người được người dân Myanmar bầu chọn một cách dân chủ”, Đại sứ Anh - Dan Chugg nói.

Nhân Hoàng/ảnh: Reuters