Giá coban tăng cao sau khi Trung Quốc tích trữ kim loại hiếm này
Quốc tế - Ngày đăng : 14:08, 15/03/2021
Một tấn kim loại coban được bán với giá 53.000 USD vào tuần trước trên Sàn giao dịch kim loại London, mức cao nhất kể từ tháng 12.2018.
Đợt tăng giá bắt đầu vào cuối năm ngoái khi Cục Dự trữ nhà nước Trung Quốc công bố kế hoạch dự trữ coban sau sự bùng nổ doanh số từ việc bán xe điện ở Trung Quốc và châu Âu.
Một quốc gia đáng lẽ được hưởng lợi từ việc tăng giá là Cộng hòa Dân chủ Congo, nước sản xuất khoảng 2/3 lượng coban trên thế giới, nhưng tình trạng thiếu hụt nguồn cung do các vấn đề hậu cần và sự lo ngại về bất ổn chính trị đã gây tổn hại đến ngành công nghiệp ở nước này. Ngoài ra còn có những lo ngại đạo đức về việc khai thác coban, gồm cả các cáo buộc về việc sử dụng lao động trẻ em trong hầm mỏ.
Gregory Miller, một nhà phân tích tại Cơ quan Benchmark Mineral Intelligence ở London (Anh) cho biết tác động của đại dịch COVID-19 đã làm chậm quá trình vận chuyển hàng hóa qua chuỗi cung ứng, trong đó bao gồm cả Congo. Ông nói “các công ty Trung Quốc tiếp tục vận chuyển coban hydroxit từ châu Phi đến Trung Quốc, nhưng đã có sự chậm trễ khiến thị trường bị thắt chặt". Các nhà phân tích tại Benchmark Mineral Intelligence cho biết nhu cầu mạnh về coban gần đây được phản ánh trong số liệu sản xuất pin hồi tháng 1 của Trung Quốc, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái.
George Heppel, một nhà tư vấn cấp cao tại CRU Group ở London, cho biết thị trường coban có thể sẽ khá mong manh trong vòng 5 năm tới. Ông nói: “Cần có đủ nguyên liệu để cung cấp cho các nhà sản xuất pin và các công ty ô tô, nhưng điều đó phụ thuộc vào sự khởi động nhanh chóng của một số dự án khai thác ở Indonesia và Congo, vốn tồn tại nhiều rủi ro khác nhau. Trong khi Congo sẽ tiếp tục là trụ cột chính của thị trường coban do có trữ lượng lớn, chúng tôi đang chứng kiến sự đa dạng hóa từ tốn với nhiều nguồn cung đến từ các công ty ở Indonesia nói riêng”.
Các công ty Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào Congo. China Molybdenum, công ty sở hữu mỏ coban lớn thứ 2 thế giới có tên Tenke ở Congo, gần đây đã mua dự án mỏ coban Kisanfu từ Freeport McMoRan với giá 550 triệu đô la Mỹ. Các công ty Trung Quốc khác hoạt động tại Congo gồm Huayou Cobalt, Chengtun Mining, Wanbao và CNMC.
Trung Quốc là nhà nhập khẩu coban lớn nhất thế giới, mỗi năm mua khoảng 95.000 tấn coban. Lượng dự trữ coban toàn cầu ước tính vào khoảng 7 triệu tấn, khoảng một nửa trong số đó được khai thác tại Congo. Khoảng 70% coban khai thác trên toàn cầu được vận chuyển giữa Congo và Trung Quốc qua các cảng ở Nam Phi. Nhiều vấn đề đã nảy sinh vào tháng 1 vừa qua khi chính phủ Pretoria đóng cửa các cảng nói trên để ngăn chặn sự lây lan một chủng coronavirus mới. Sau đó tình hình dịu dần khi Nam Phi mở lại 20 cửa khẩu vào tháng trước.
Cơ quan Benchmark cho biết việc thiếu tàu để vận chuyển nguyên liệu, chi phí vận chuyển cao, công suất hạn chế tại các cảng và tình trạng thiếu xe tải ở Trung Quốc đã làm tăng thêm các vấn đề hậu cần. Ông Miller nói việc nới lỏng các hạn chế ở biên giới tại Nam Phi “sẽ là một cách để cải thiện lượng coban hydroxit ở Trung Quốc, nhưng chúng tôi dự đoán nguồn cung coban sẽ vẫn khan hiếm trong những tháng tới”.