Vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:02, 16/03/2021
Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) trích dẫn thông tin từ Phòng Sở hữu trí tuệ, Cục Công nghiệp thực phẩm (FIAB), Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản thông báo vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật.
Nhờ vị trí vùng trồng vải nằm ở “phần lõm” của cánh cung Đông Triều, ít chịu ảnh hưởng của mưa bão lớn, kết hợp với kỹ thuật canh tác truyền thống khoanh (siết) cành để kích thích ra hoa của người dân, vải thiều Lục Ngạn mang trong mình những đặc tính đặc trưng nhất.
Cụ thể, vải thiều Lục Ngạn quả to, vị ngọt đậm hơn so với vải tại các vùng canh tác khác của Việt Nam; trọng lượng nặng hơn ít nhất 10%, giá trị Brix trung bình cao hơn khoảng 2 - 3% so với vải thiều ở các vùng canh tác khác ở Việt Nam; hàm lượng đường tổng trung bình cao hơn khoảng 2-5%.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang, toàn huyện Lục Ngạn hiện có hơn 15 nghìn ha vải thiều, tập trung tại các xã Hồng Giang, Tân Sơn, Quý Sơn, Giáp Sơn… Trong đó, nhiều diện tích sản xuất theo quy trình GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ giúp sản phẩm vừa có mã đẹp, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Từ năm 2017, vải thiều Lục Ngạn có một vị trí khác biệt khi trở thành 1 trong 3 sản phẩm của Việt Nam bên cạnh thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Ma Thuật được lựa chọn để đăng ký bảo hộ tại Nhật Bản trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN Việt Nam) và Cục Công nghiệp thực phẩm (Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản). Mục đích là để quảng bá chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đến người tiêu dùng Nhật Bản.