Làm thẻ căn cước: Ghi tôn giáo là phật giáo phải có giấy chứng nhận?
Sự kiện - Ngày đăng : 09:25, 17/03/2021
Trước thông tin này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lên tiếng cho biết, những ngày qua, nhiều địa phương gấp rút triển khai cấp thẻ căn cước công dân có gắn chip cho người dân.
Trong thời gian vừa qua, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự có nhận được phản ánh, kiến nghị của một số ban trị sự về việc một số phật tử khi đi làm thẻ căn cước công dân đăng ký mục tôn giáo là Phật giáo nhưng không được cơ quan cấp chấp nhận.
Về việc này, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị Ban Hướng dẫn phật tử Trung ương, Ban Trị sự (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) các tỉnh, thành phố khẩn trương phổ biến tới trụ trì các chùa, cơ sở tự viện hướng dẫn phật tử khi đi đăng ký làm thẻ căn cước công dân phải mang theo Giấy chứng nhận phật tử, Giấy chứng nhận quy y tam bảo... cho người có niềm tin, tín ngưỡng và yêu mến đạo Phật.
"Đây là nhiệm vụ thiết thực, quan trọng, là trách nhiệm của các cấp Giáo hội, của trụ trì các chùa, cơ sở tự viện, và trách nhiệm của mỗi phật tử đối với sự hưng long của đạo pháp, sự phát triển của Phật giáo", Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh.
Trong khi đó, nhiều vị thầy của các ngôi chùa thời gian qua đã lên tiếng mong người dân hãy đăng ký vào mục tôn giáo là Phật giáo khi đi làm thẻ căn cước công dân gắn chip. Điều này đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều phật tử trên cả nước.
Trao đổi với PV Một Thế Giới về vấn đề này, sư thầy trụ trì của một ngôi chùa ở Hà Nội cho rằng: Là phật tử thì hãy kê khai là Phật giáo trong thẻ căn cước công dân. Thầy nói rằng, quý phật tử khi đi làm lại thẻ căn cước công dân mới trên 63 tỉnh thành khắp cả nước, hãy mạnh dạn kê khai và kiểm tra xác nhận lại ở mục Tôn giáo là Phật giáo trước khi ký xác nhận vào tờ khai xác nhận thông tin. Đây là quyền tự do tín ngưỡng của mỗi công dân được pháp luật bảo vệ và đây cũng là trách nhiệm của mỗi phật tử đối với sự phát triển Phật giáo của Việt Nam.
"Đối với những phật tử vừa mới được quy y tam bảo, hoặc những phật tử đã quy y tam bảo, hoặc gia đình ba mẹ theo đạo Phật, nhưng vì lý do nào đó mà trước đây chưa kê khai tôn giáo là Phật giáo thì nhân khi làm lại thẻ căn cước công dân mới có gắn chip hãy kê khai ở mục Tôn giáo là Phật giáo", vị sư thầy nhấn mạnh.
Thủ tục làm thẻ căn cước
Từ tháng 1.2021, các tỉnh thành triển khai cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử trên toàn quốc. Các đơn vị công an tiến hành cấp tại chỗ và lưu động đảm bảo mục tiêu đến tháng 7.2021 cả nước sẽ cấp được 50 triệu thẻ. CCCD mẫu mới gắn chip điện tử có nhiều ưu điểm về bảo mật, lưu trữ thông tin, tạo thuận lợi và tiện ích cho người sử dụng...
Theo quy định, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên đã đăng ký thường trú thì được cấp thẻ CCCD. Người bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình thì vẫn được cấp thẻ nhưng phải có người đại diện hợp pháp.
Thời hạn sử dụng của CMND là 15 năm kể từ ngày cấp, còn đối với thẻ CCCD (cả mã vạch và gắn chip điện tử) sau lần cấp đầu tiên công dân phải đổi khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi, và trên 60 tuổi thì không phải đổi nữa.
Để được cấp CCCD hợp lệ, mọi người phải bổ sung đầy đủ các trường hợp thông tin bắt buộc trong sổ hộ khẩu, nhất là thông tin về ngày tháng năm sinh, nguyên quán, dân tộc, quốc tịch... Vì vậy cần kiểm tra, đối chiếu thông tin trong sổ hộ khẩu, nếu chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác, cần liên hệ cơ quan công an nơi làm thủ tục đăng ký thường trú để điều chỉnh, bổ sung trước khi đi làm CCCD.
Lệ phí cấp thẻ CCCD thực hiện theo thông tư 112. Lệ phí cấp CCCD gắn chip từ ngày 1.1 đến hết ngày 30.6.2021 là 15.000 đồng/thẻ, từ ngày 1.7 trở đi là 30.000 đồng/thẻ. Thông tư này cũng quy định có 6 trường hợp miễn hoặc không phải nộp lệ phí làm thẻ CCCD.