Cảnh báo: 1.700 loài động vật bị tuyệt chủng sau 50 năm nữa
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 11:48, 11/03/2019
Theo tạp chí Nature Climate Change, con người càng mở rộng sử dụng đất, lãnh thổ dành cho hoạt động sống của động vật ngày càng bị thu hẹp. Có nguy cơ đến năm 2070, do hoạt động của con người, 1.700 loài lưỡng cư, chim và động vật có vú sẽ ở bên bờ vực tuyệt chủng.
Các chuyên gia môi trường ở Đại học Yale, Mỹ, đã đưa ra kết luận này khi phân tích thông tin về sự phân bố địa lý hiện tại của khoảng 19.400 loài trên toàn thế giới với những thay đổi trên Trái đất liên quan đến các hoạt động của con người .
Chuyên gia môi trường Walter Jetz nhận định rằng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học liên kết những xu hướng tương lai này với những hậu quả đối với sự đa dạng sinh học. Phân tích đó cho phép theo dõi các quyết định chính trị và kinh tế gây ra những thay đổi dẫn đến việc giảm môi trường sống của các loài sinh vật trên khắp thế giới. Nghiên cứu cho thấy rằng nếu xu hướng sử dụng đất của con người vẫn như hiện tại, nguy cơ tuyệt chủng của khoảng 1.700 loài trong 50 năm tới có khả năng tăng lên, các loài động vật sẽ mất khoảng 30 - 50% môi trường sống vào năm 2070. Danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng bao gồm 886 loài động vật lưỡng cư, 436 loài chim và 376 động vật có vú.
Đặc biệt đáng lo là số phận các loài ếch Oreophryne monticola ở Indonesia, dê Sudan và 2 loài chim Cichlocolaptes leucophrus ở Brazil và Limnornis curvirostris ở Argentina, Brazil và Uruguay. Theo các nhà sinh thái học, những loài này sẽ mất khoảng một nửa phạm vi địa lý hiện tại sau 50 năm.
Các loài động vật ở Trung và Đông Phi, Trung Mỹ, Nam Mỹ và Đông Nam Á sẽ bị mất môi trường sống lớn nhất và tăng nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, các chuyên gia phản đối quan niệm sai lầm rằng đây chỉ là vấn đề riêng của những quốc gia nằm ở các vùng đó.
Mất mát trong quần thể các loài có thể cản trở hoạt động của hệ sinh thái và chất lượng cuộc sống của con người. Mặc dù sự suy giảm đa dạng sinh học ở các vùng xa xôi của hành tinh có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến từng người chúng ta, nhưng hậu quả của nó đối với hoạt động của con người có thể ở cấp độ toàn cầu. Những mất mát này thường là do một số nhu cầu của con người, chẳng hạn như gỗ cứng nhiệt đới, dầu cọ hoặc đậu nành, khiến tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm.
Chẳng hạn, nạn phá rừng để tạo đồn điền được coi là một trong những mối đe dọa đối với động vật. Mới đây, nhu cầu cao về sầu riêng ở Trung Quốc đã gây ra một làn sóng chặt phá rừng mới ở Malaysia và số lượng đồn điền trồng cọ đang tăng lên để sản xuất dầu cọ giá rẻ cũng khiến diện tích rừng bị thu hẹp.
Vũ Trung Hương