Lãnh đạo Cần Thơ nói về việc dự chi gần 30 tỉ đồng diệt chuột trong 5 năm

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 21:40, 17/03/2021

Sau khi dư luận có nhiều ý kiến khác nhau về kế hoạch phòng chống chuột trong 5 năm với số tiền gần 30 tỉ đồng ở Cần Thơ, UBND TP này đã lên tiếng giải thích.

Chiều 17.3, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ đã tổ chức cuộc họp nhanh với các đơn vị tham mưu cũng như các đơn vị tham gia triển khai kế hoạch phòng chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP.

anh-1-chuot.jpg
Người dân ĐBSCL bắt chuột làm thức ăn - Ảnh: H.H

Diện tích đất chuột gây hại đang gia tăng

Tại cuộc họp, ông Hè cho biết, tình hình chuột gây hại ở TP.Cần Thơ còn nhiều nên phải chủ động các giải pháp phòng. Ngoài ra, thời gian qua trên địa bàn TP.Cần Thơ đã xảy ra tình trạng người dân diệt chuột bằng thuốc hóa học pha nhớt gây ô nhiễm môi trường, sử dụng điện làm chết người. Do đó cần phải hướng dẫn, tập huấn người dân diệt chuột hiệu quả hơn.

Theo đó, ông Hè chỉ đạo các đơn vị có liên quan phải phối hợp diệt chuột theo hướng sinh học, không gây hại cho môi trường và bảo vệ mùa màng tốt nhất. Ngoài ra, ông Hè cũng chỉ đạo các ngành chức năng phải tăng cường tuyên truyền cho bà con nông dân nắm và hiểu rõ mục đích, tác dụng của kế hoạch.

Về kính phí thực hiện kế hoạch diệt chuột 30 tỉ đồng, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ nói: "Đây là kế hoạch dự kiến hỗ trợ khi có tình huống xảy ra. Cụ thể như hỗ trợ về bẫy chuột, thuốc sinh học trên diện tích có nguy cơ bị chuột gây hại nếu có.

Kế hoạch bao giờ chúng ta cũng có dự trù kinh phí, trong đó ngân sách là 22,5 tỉ đồng và còn lại là vốn đối ứng nông dân. Nếu chủ động phòng ngừa thì thiệt hại sẽ ít hơn".

Ông Hè cũng cho biết, tuy kế hoạch phòng chống chuột gây hại, bảo vệ sản xuất trồng trọt là riêng nhưng khi triển khai phải đảm bảo lồng ghép với các chương trình, dự án khác. Và quan trọng hơn hết nó góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức của người dân.

Theo báo cáo giải trình kế hoạch diệt chuột, bảo vệ sản xuất trồng trọt trong giai đoạn 2021-2025 của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ, từ năm 2016 đến năm 2020, tổng diện tích chuột gây hại lúa là 19.415 ha.

Tình hình chuột hại lúa vẫn tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2016 là 3.456 ha, năm 2017 là 3.196 ha, năm 2018 là 3.550 ha, năm 2019 là 4.756 ha, năm 2020 là 4.457 ha (chiếm 2-3% diện tích sản xuất lúa).

anh-2-chuot.jpg
Tình hình chuột gây hại cho cây trồng ở Cần Thơ ngày càng gia tăng - Ảnh: H.H

Hiện nay tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt làm nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước, mưa trái mùa xuất hiện tạo điều kiện thuận lợi cho chuột phát triển và sinh sôi, gia tăng từ vụ này sang vụ khác. Bên cạnh đó, thời gian gần đây bà con nông dân sản xuất nông nghiệp ngày càng đa dạng, canh tác xen canh, gối vụ có xu hướng tăng... tạo điều kiện thuận lợi cho chuột phát triển và gia tăng diện tích gây hại.

Căn cứ chỉ thị số 9864/CT-BNN-BVTV ngày 19.12.2018 của Bộ NN&PTNT, thực hiện văn bản chỉ đạo số 4446/UBND-KT ngày 28.12.2018 của UBND TP.Cần Thơ về việc tăng cường công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt, trên cơ sở tình hình thực trạng, kết hợp với các thông tin dự báo về diễn biến điều kiện thời tiết khô hạn kéo dài, diễn biến dịch hại, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch phòng chống chuột, bảo vệ sản xuất trồng trọt trong giai đoạn 2021-2025.

Cũng theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ, kế hoạch diệt chuột trong 5 năm tới dựa trên cơ sở kịch bản dự báo chuột gây hại khoảng 5% diện tích gieo trồng. Diện tích cần phòng trừ chuột hàng năm dự kiến 11.200 ha đối với cây lúa và 1.000 ha đối với cây ăn quả.

Nông dân nói gì về kế hoạch diệt chuột?

Trước đó, lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ đã ký kế hoạch phòng chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP. Theo đó, tổng số tiền thực hiện kế hoạch diệt chuột trên là gần 30 tỉ đồng. Trong đó hơn 22,5 tỉ đồng là vốn đề xuất ngân sách TP, số còn lại là vốn đối ứng của nông dân.

Tìm hiểu thực tế tại một số địa phương, đại diện một tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao ở H.Thới Lai, TP.Cần Thơ cho hay, đầu năm ngoái, tình trạng chuột gây hại lúa thực tế có xảy ra, có hộ dân thiệt hại gần như hoàn toàn.

Sau đó người dân đã chủ động mua bẫy chuột cũng như áp dụng các giải pháp bảo vệ khác. Kết quả, cuối năm và vụ đông xuân 2020-2021, tỉ lệ lúa bị thiệt hại rất thấp, không đáng kể, số lượng chuột trên đồng cũng còn rất ít. Nói về việc tập huấn "phương pháp phòng chống chuột", vị này nói không cần bởi người dân đã ý thức rất cao và có kinh nghiệm trong việc này.

Giám đốc 1 HTX ở H.Cờ Đỏ TP.Cần Thơ cũng cho hay, đầu năm 2020, một số diện tích lúa của người dân trong hợp tác xã bị chuột gây hại khoảng 30%. Sau đó, người dân đã chủ động phòng trừ nên hiện nay tình trạng này không còn nhiều. “Việc mở lớp tập huấn phòng, trừ diệt chuột cho nông dân thì nên tiến hành, nhưng phải hay và hiệu quả hơn cách mà người dân đang làm”, ông nói.

Nguyên Việt