ĐH Bách khoa TP.HCM kết luận về sai sót của 'GS trẻ nhất VN'
Giáo dục - Ngày đăng : 12:26, 18/03/2021
Sáng 18.3 Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã có thông tin phản hồi về sai sót trong công bố quốc tế của GS Phan Thanh Sơn Nam, Trưởng khoa Kỹ thuật Hóa học.
Theo đó, ngày 15.3.2021 vừa qua, Hội đồng khoa học khoa Kỹ thuật Hóa học đã có buổi họp với sự tham dự của lãnh đạo trường. Tại đây, GS Sơn Nam đã có các ý kiến chính thức, đồng thời nhận được nhiều ý kiến góp ý của các thầy cô giáo trong Hội đồng khoa học Khoa kỹ thuật Hóa học.
Nội dung cuộc họp kết luận như sau: Trong một số bài báo khoa học của nhóm nghiên cứu do GS Phan Thanh Sơn Nam đứng đầu đã xảy ra tình trạng một số dữ liệu (cụ thể là ảnh phổ) của bài báo sau có sự trùng lặp với bài báo trước. Các dữ liệu này đều do chính nhóm nghiên cứu thực hiện trong thời gian dài.
Thứ hai, nhóm nghiên cứu bao gồm nhiều thành viên, đóng các vai trò khác nhau từ tiến hành thực nghiệm, thu thập, sắp xếp dữ liệu và GS Sơn Nam trong vai trò trưởng nhóm nghiên cứu sẽ kiểm tra lần cuối trước khi công bố. Trong quá trình thực hiện, vẫn còn xảy ra sai sót với quy trình này.
Kết luận thứ ba, đây là sai sót khoa học, cần được chỉnh sửa theo quy trình của các tạp chí.
Theo nhà trường, nhóm nghiên cứu đã có những biện pháp khắc phục sai sót ngay khi phát hiện. Cụ thể: Chủ động liên hệ với Ban biên tập các tạp chí đã xuất bản về sai sót và đã được chấp nhận cho chỉnh sửa. Nhóm nghiên cứu đang tiến hành kiểm tra, thu thập lại dữ liệu để chỉnh sửa các nội dung sớm nhất có thể.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đang tiến hành rà soát tổng thể các bài báo đã xuất bản của nhóm để đảm bảo chất lượng và tính chính xác của các công bố, khi phát hiện có sai sót thì liên hệ với Ban biên tập các tạp chí để chỉnh sửa theo quy trình của tạp chí.
Nhóm nghiên cứu đã cải tiến, thay đổi kịp thời và phù hợp trong quy trình xây dựng kế hoạch, thực hiện và thẩm duyệt các nội dung nghiên cứu trước khi công bố. Cụ thể tăng cường các tiến sĩ để kiểm tra kỹ hơn và kiểm tra chéo dữ liệu giữa các nhóm nhỏ trong nhóm nghiên cứu.
Về phía Trường ĐH Bách khoa, để tránh các sai sót có thể xảy ra với các nhóm, các cá nhân trong nghiên cứu, trường đề nghị các nhóm nghiên cứu, các thầy cô giáo trong toàn trường chủ động rà soát các công bố khoa học và quy trình thực hiện và công bố nghiên cứu để tránh tối đa các sai sót có thể xảy ra. Nếu có phát hiện sai sót, cần nhanh chóng công bố và thực hiện chỉnh sửa sớm nhất có thể theo quy trình của tạp chí.
Tăng cường thêm việc xây dựng và củng cố các quy định, quy trình về công bố khoa học các cấp: Hội nghị khoa học, trích dẫn, xuất bản… Đẩy mạnh tổ chức các khóa học, môn học, tọa đàm chuyên sâu về phương pháp nghiên cứu khoa học cho các sinh viên, học viên và các thầy cô giáo để đảm bảo thực hiện tốt các nội dung khoa học đa dạng trong trường.
Trước đó, trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia đăng tải bài viết có nội dung tố GSTS Phan Thanh Sơn Nam "gian lận kết quả nghiên cứu" bằng cách tái sử dụng cùng một ảnh phổ cho nhiều bài báo quốc tế khác nhau.
Hiện trên Wikipedia còn tồn tại bài viết là phiên bản ghi ngày 27.2.2021 (gian lận khoa học), trong đó có đoạn: "Phan Thanh Sơn Nam đã công bố sử dụng ba loại xúc tác khác nhau có thành phần chung là đồng để tiến hành cùng một phản ứng. Kết quả là trong cả ba bài báo, tác giả cùng sử dụng một bộ phổ. Hành động tương tự như trên đã được sử dụng một cách có hệ thống trong hầu hết các kết quả công bố, gây ra lo ngại về tính trung thực và đạo đức khoa học của nhóm nghiên cứu của Phan Thanh Sơn Nam, đặt ra câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của tòa soạn đăng báo cũng như người bình duyệt".
Trang này cũng dẫn ra một loạt bài báo của nhóm nghiên cứu Phan Thanh Sơn Nam và cho biết gian lận về sử dụng cùng một kết quả phổ cộng hưởng từ của cùng một lần đo cho nhiều kết quả khác nhau còn được tìm thấy trong các bài báo này từ năm 2014 - 2020.
Hôm 8.3, GSTS Phan Thanh Sơn Nam cũng đã "đăng đàn" xác nhận và xin lỗi công khai về sai sót này và cho biết một số công bố của nhóm nghiên cứu xảy ra tình trạng phần phụ lục (SI) của bài báo có một số phổ NMR giống với NMR trong phần phụ lục của bài khác của chính nhóm này.