Chủ tịch TP.HCM lo ngại việc đẩy giá đất do đề án 5 huyện lên quận

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:40, 18/03/2021

Chủ tịch TP.HCM – Nguyễn Thành Phong bày tỏ điều này tại hội nghị UBND TP.HCM phê duyệt kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của Sở Nội vụ diễn ra sáng 18.3.

Tại hội nghị nêu trên, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM - Huỳnh Thanh Nhân cho biết Sở hôm 12.3 đã có tờ trình gửi UBND TP.HCM về công tác chuẩn bị xây dựng đề án chuyển một số huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021-2030 theo chỉ đạo từ tháng 11.2020 của UBND TP. Đó là 1 trong 51 đề án trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần XI về những nội dung cần thực hiện giai đoạn 2021-2030.

Về đề xuất đó, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Nội vụ TP.HCM phải báo cáo lại đề án chuyển đổi từ 5 huyện sang quận. Trước hết, Sở phải hoàn chỉnh đề án sau khi Thường vụ Thành ủy góp ý và Ban Chấp hành cho ý kiến. Tiếp đến, Sở tiếp tục trình lại cho Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM xem qua rồi thành phố mới xem xét phê duyệt.

chu-tich-tphcm-lo-ngai-viec-day-gia-dat-do-de-an-5-huyen-len-quan1.jpg
Ông Nguyễn Thành Phong và Huỳnh Thanh Nhân (trái)

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nhắc nhở rằng việc đưa tin không khéo về chủ đề này sẽ tác động rất mạnh mẽ đến giá đất, ảnh hưởng đến bất động sản và đời sống người dân.

"Dân người ta sẽ nói rằng chuyển huyện thành quận, chuyển quận thành thành phố, đời sống người dân chưa thấy gì nhưng hiện nay tạo ra xáo động trong thị trường bất động sản. Đây chưa phải đề án được phê duyệt và có lộ trình hẳn hoi. Làm không khéo, người ta sẽ lợi dụng thông tin này để đẩy giá đất lên, gây khó khăn cho thị trường bất động sản của thành phố", ông Nguyễn Thành Phong nói.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, sau khi gộp 3 quận (quận 2, 9, Thủ Đức) thành thành phố Thủ Đức, có miếng đất từ vài chục triệu/m2 nay đã tăng giá lên hơn 100 triệu đồng/m2.

Ông Nguyễn Thành Phong cũng nhắc nhở việc chuyển huyện lên quận phải căn cứ tiêu chí, có quy hoạch đàng hoàng và thể hiện trong đề án.

Ông Huỳnh Thanh Nhân cho biết sự khác biệt để đánh giá giữa huyện đủ tiêu chuẩn lên quận và huyện đáp ứng tiêu chí lên thành phố được căn cứ căn cứ theo Nghị định 131 (về tổ chức chính quyền đô thị) và Nghị quyết 1111 (về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM), thực hiện theo lộ trình như thành phố Thủ Đức.

Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, Sở Nội vụ hiện mới có tờ trình xin chủ trương về công tác chuẩn bị xây dựng đề án, sẽ cố gắng làm trong thời gian sớm nhất, nhưng chưa thể trả lời khi nào hoàn thành.

Lên lộ trình chuyển đổi 5 huyện lên quận

Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM sẽ chuyển huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè thành quận (hoặc thành lập TP thuộc TP.HCM).

Sở Nội vụ TP.HCM đã có tờ trình gửi UBND TP về công tác chuẩn bị xây dựng Đề án chuyển một số huyện thành quận (hoặc TP thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021 - 2030.

Theo Đề án mà Sở Nội vụ xây dựng, lộ trình thực hiện trong giai đoạn 2021- 2025 sẽ chuyển huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè thành quận (hoặc thành lập thành phố thuộc TP.HCM). Giai đoạn 2025 - 2030 sẽ chuyển 2 huyện còn lại là Củ Chi và Cần Giờ thành quận (hoặc thành lập TP thuộc TP.HCM).

Các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè có vị trí cửa ngõ của TP.HCM để kết nối với các tỉnh thuộc miền Đông và Tây Nam Bộ.

Trong những năm qua tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều khu đô thị, hạ tầng, tuyến cao tốc đã và đang hình thành. Trình độ dân trí, lối sống đô thị được hình thành rõ nét và không khác biệt nhiều so với các quận nội thành. Việc đầu tư xây dựng các huyện để thành lập đơn vị hành chính quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM), chuyển các xã, thị trấn thuộc huyện thành phường là hết sức cần thiết.

Qua đánh giá sơ bộ, huyện Hóc Môn đạt 30/30 tiêu chí; Bình Chánh đạt 26/30 tiêu chí, Nhà Bè 23/30 tiêu chí, Củ Chi 23/30 tiêu chí; huyện Cần Giờ đạt 19/30 tiêu chí, chưa đạt 50% dân số theo quy định.

Huyện Hóc Môn có diện tích 109,17 km2, dân số 462.824 người; đạt 6/6 tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đạt 21/21 tiêu chí về cơ sở hạ tầng.

Huyện Bình Chánh có diện tích 252,56 km2, dân số 711,262 người, đạt 6/6 tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đạt 18/21 tiêu chí về cơ sở hạ tầng.

Huyện Nhà Bè có diện tích 100,43 km2, dân số 207.766 người, đạt 5/6 tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đạt 18/21 tiêu chí về cơ sở hạ tầng.

Huyện Củ Chi có diện tích 434,77 km2, dân số 468.269 người, đạt 4/6 tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đạt 16/21 tiêu chí về cơ sở hạ tầng.

Huyện Cần Giờ có diện tích 704,45 km2, dân số 73.278 người, đạt 3/6 tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đạt 15/21 tiêu chí về cơ sở hạ tầng.

Để đạt được mục tiêu chuyển 5 huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM theo lộ trình đề xuất, Sở Nội vụ đưa ra nhiều nhiệm vụ với các mốc thời gian cụ thể. Theo đó, trong quý 3/2021, Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương để tham mưu UBND TP.HCM trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Trong quý 1/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các đơn vị tham mưu UBND TP.HCM chương trình, chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội với 5 huyện giai đoạn 2021-2030.

Trong quý 2/2023, UBND các quận, huyện, xã, thị trấn cần hoàn thiện đề án phân loại đô thị với xã, thị trấn, huyện đề trình UBND TP.HCM phê duyệt.

Trong năm 2023, các sở, ngành chủ động phối hợp với các huyện rà soát, đánh giá tiêu chuẩn của các tiêu chí thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.

Trong quý 3/2023, Sở Nội vụ sẽ chủ trì, phối hợp các địa phương hoàn thiện đề án thành lập đơn vị hành chính cấp quận, phường hoặc thành phố thuộc TP.HCM tại 5 huyện; tham mưu, trình UBND TP.HCM trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nguồn kinh phí thực hiện đề án sẽ từ ngân sách địa phương.

P.V