Hòa Phát được phép nhận chìm hơn 15 triệu khối bùn cát xuống biển
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 19:00, 27/02/2019
Theo giấy phép, 15,39 triệu mét khối "vật chất" được Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất nạo vét tại khu vực cảng, luồng tàu ra vào cảng, khu bến cảng thuộc dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.
Việc nhận chìm được chia làm 2 giai đoạn; trong đó giai đoạn 1 nhận chìm khoảng 7,69 triệu mét khối; giai đoạn 2 là 7,7 triệu mét khối. Thành phần của vật chất nhận chìm được ghi tại giấy phép cho thấy cát chiếm khoảng 86,4%, bùn sét chiếm khoảng 13,6%. “Chất được phép nhận chìm không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường”, thông tin cho hay.
Cũng tại quyết định này, khu vực nhận chìm được xác định là vùng biển Dung Quất thuộc xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có diện tích 180ha; độ sâu sử dụng từ 51m đến 55m tính từ mức 0 cao độ hệ thống quốc gia.
Quá trình nhận chìm sử dụng tàu hút bụng xả đáy tự hành loại 7.000 mét khối đến 35.000 mét khối; mỗi loại tàu vận chuyển 3 chuyến/ngày; nhận chìm theo hình thức xả đáy. Việc nhận chìm được thực hiện trong 15 tháng từ ngày 1.3.2019 đến hết ngày 31.5.2020.
Bộ TN-MT yêu cầu Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất chỉ được tiến hành nhận chìm sau khi được giao khu vực biển theo quy định và báo cáo UBND tỉnh Quảng Ngãi lập, phê duyệt và niêm yết công khai kế hoạch quản lý môi trường của dự án tại UBND xã Bình Thuận, xã Bình Đông (huyện Bình Sơn).
Đồng thời, phải thực hiện nhận chìm đúng địa điểm, khối lượng, thành phần chất. Phải có các biện pháp phòng chống các sự cố, bảo đảm an toàn lao động, an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện.
Trường hợp có dấu hiệu không đảm bảo an toàn, nhận chìm không đúng vị trí, thành phần vật chất thì phải dừng ngay và thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường, khắc phục sự cố; đồng thời báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xử lý.
Lê Đình Dũng