Cảnh giác với sách dạy tiếng Trung kèm "đường lưỡi bò" phi pháp
Giáo dục - Ngày đăng : 11:18, 19/03/2021
Theo giải thích của nhà trường với báo chí, giáo trình, tài liệu sử dụng cho các môn học trong chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Trung Quốc được xuất bản trong nước rất ít. Do đó, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội phải lựa chọn, thẩm định và sử dụng một số giáo trình do nước ngoài xuất bản.
Cụ thể trường hợp giáo trình có đường lưỡi bò vừa qua có tên Advanced Listening Course, Developing Chinese do Nhà xuất bản Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh xuất bản năm 2016. Cuốn sách này được giảng viên bộ môn Ngôn ngữ Trung Quốc giới thiệu để lựa chọn làm giáo trình cho môn học Kỹ năng nghe tiếng Trung Quốc vào tháng 12.2019.
Sau khi có thông tin vụ việc, nhà trường đã thu hồi toàn bộ 109 cuốn giáo trình ngành Ngôn ngữ Trung quốc đang sử dụng để niêm phong và tiêu hủy theo quy định. Nhà trường cũng cho biết các giảng viên liên quan đến đề xuất lựa chọn, thẩm định và sử dụng giáo trình trong quá trình dạy học, Trưởng bộ môn Ngôn ngữ Trung Quốc, Trưởng khoa Ngoại ngữ đã nhận trách nhiệm và làm bản tường trình, kiểm điểm trách nhiệm gửi Hiệu trưởng. Nhà trường sẽ tổ chức họp các hội đồng chuyên môn để xem xét, đề xuất hình thức xử lý nghiêm khắc các cá nhân, đơn vị liên quan theo quy định.
Về phần mình, nhà trường tự nhận rằng đã có đầy đủ các quy định, thủ tục quy trình liên quan đến đề xuất lựa chọn, thẩm định và sử dụng giáo trình, tài liệu tham khảo cho các môn học trong các chương trình đào tạo. Tuy nhiên, sai sót là quá trình thực hiện các quy định, thủ tục quy trình tại Bộ môn Ngôn ngữ Trung Quốc, Khoa Ngoại ngữ chưa nghiêm túc.
Với cách giải thích trên, dư luận cho rằng việc nhà trường xử lý những người có trách nhiệm trong sự cố này là cần thiết nhưng chính nhà trường cũng phải chịu trách nhiệm liên đới chứ không thể vô can. Cần nhớ là sách được giới thiệu từ năm 2019 mà đến 2021 mới phát hiện là quá trễ.
Cũng lưu ý là vào tháng 11.2019, sinh viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phát hiện trang 36 cuốn Đọc và trang 32 cuốn Nghe sơ cấp 1 Developing Chinese được sử dụng trong trường có bản đồ "đường lưỡi bò". Trường sau đó phải thu hồi và tiêu hủy hơn 1.000 cuốn. Vậy mà sai sót lại mắc phải tiếp.
Thiết nghĩ các cơ quan quản lý ngành giáo dục cần phải xử lý nghiêm vụ này để các trường phải kỹ lưỡng trong việc chọn sách giảng dạy và có ý thức tốt hơn về chủ quyền.
Dùng sách dạy tiếng Trung làm phương tiện tuyên truyền chủ quyền sai trái không chỉ xảy ra ở nước ta. Hồi tháng 8 năm ngoái, Nhà xuất bản Cengage Learning Asia của Úc thông báo thu hồi hơn 700 quyển sách dạy tiếng Trung có bản đồ “đường 9 đoạn” thể hiện yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh đối với hầu hết Biển Đông vốn đã bị chính phủ Úc phản đối gay gắt. Đại diện nhà xuất bản phải nói lời xin lỗi: “Chúng tôi xin lỗi độc giả vì sự bất cẩn này. Chúng tôi đã yêu cầu thu hồi sách và chỉ định một biên tập viên xem xét tiêu đề và các quy trình khắc phục của nó”.
“Rất dễ gây hiểu lầm khi miêu tả đường 9 đoạn như một bản đồ hợp pháp của Trung Quốc và khu vực. Để tấm bản đồ như vậy xuất hiện trong sách giáo khoa Úc không chỉ đi ngược lại luật pháp quốc tế mà còn trái với quan điểm của chính phủ Úc về đường lưỡi bò phi lý”, Giáo sư Rory Medcalf, người đứng đầu Trường cao đẳng An ninh quốc gia, thuộc Đại học Quốc gia Úc, nhận định.